“Nghệ thuật vị nghệ thuật” có tạo nên văn chương chân chính ?
(Sóng trẻ)- “Nghệ thuật vị nghệ thuật” là một khái niệm không còn mới ở Việt Nam. Tuy vậy, khái niệm này bị coi như một điều miệt thị dành cho những nghệ sĩ mải mê với sáng tác của mình. Trong buổi trò chuyện cùng nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy, vấn đề này được lật lại và nhìn nhận trên nhiều phương diện mới mẻ, sâu sắc hơn.
“Nghệ thuật vị nghệ thuật” ( L'art pour l'art ) - câu tuyên ngôn của tác giả người Pháp Théophile Gautier (1811-1872), đã trở thành tên gọi chung cho trường phái chủ trương nghệ thuật độc lập khỏi các vấn đề xã hội, chính trị và người nghệ sĩ khước từ vai trò đấu tranh xã hội của mình.
Đầu thế kỷ 20, “nghệ thuật vị nghệ thuật” đã gây nhiều tranh cãi tại Việt Nam, và đến nay khái niệm này vẫn đang gây ra nhiều hiểu lầm bởi những cách diễn dịch sai.
Từ những năm 1936-1939, cuộc tranh luận giữa hai khái niệm “Nghệ thuật vị nghệ thuật”, được nhà văn Hoài Thanh ủng hộ và “Nghệ thuật vị dân sinh” do Hải Triều làm chủ soái đã diễn ra. Với cuộc tranh luận giữa hai phái Hải Triều và Hoài Thanh, đương thời dù có đựơc dư luận chú ý, rút cục cũng chẳng bên nào chịu bên nào. Bởi chuyện phân định thắng thua trong tranh luận văn chương muôn đời vẫn là chuyện không đơn giản.
Nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy cho biết: “Năm 1935, ông Nguyễn Công Hoan ra tập truyện ngắn ‘Kép Tư Bền’. Tập truyện này phản ánh cuộc sống của những người bần cùng, mà người nghệ sĩ là một trong số đó. Người nghệ sĩ bần cùng ấy chính là nhân vật Kép Tư Bền. Nhân dịp đó, Hải Triều đã viết một bài bình, cho rằng văn học phải cổ động, phải vì dân sinh. Nhà văn Hoài Thanh sau đó lập tức phản lại với lập luận ‘văn trước hết phải là văn, phải coi trọng vấn đề nghệ thuật’. Nhiều cuộc tranh luận nổ ra từ đó”.
“Sau một thời gian, phái ‘Nghệ thuật vị dân sinh’ đổi tên thành ‘Nghệ thuật vị nhân sinh’. Tuy nhiên, khi đổi từ ‘dân sinh’ sang ‘nhân sinh’, khái niệm đã bị biến đổi. Nó được coi như sự đánh tráo khái niệm, bởi ‘dân sinh’ tức nghệ thuật phục vụ tầng lớp lao động, nhưng ‘nhân sinh’ lại là khái niệm rộng hơn, đôi khi chính nghệ thuật cũng là nhân sinh”, ông chia sẻ thêm.
PGS.TS, Nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy
Khi thay đổi nội hàm khái niệm “Nghệ thuật vị dân sinh” thành “Nghệ thuật vị nhân sinh”, vô hình chung đã thủ tiêu cuộc tranh luận giữa hai trường phái.
Câu “Nghệ thuật vì nghệ thuật” chỉ có nghĩa: viết cốt cho hay, đừng để những cái ở nài lung lạc mình. Vậy nên người nghệ sĩ theo trường phái này vẫn viết vì người đời, vì nhân sinh nhưng phải chú ý đến nghệ thuật trước hết. Xét cho cùng, nghệ thuật dù thế nào cũng vì nhân sinh, vì con người và người nghệ sĩ nào cũng nằm trong “Nghệ thuật vị nhân sinh”.
Trong các sáng tác, 70% là vô thức, 30% còn lại là ý thức. Nhà phê bình thì ngược lại. Tuy nhiên đây chỉ là ước lượng, không có chứng minh, điều đó phụ thuộc vào người sáng tác. Như nhà thơ Hoàng Cầm có những bài thơ, tác phẩm hay nhất là sáng tác bằng vô thức. Nhưng so sánh số lượng đó với toàn bộ tất cả các sáng tác của ông thì rất ít. Ông Đỗ Lai Thúy cho rằng: “Khi sáng tác bằng vô thức, sửa lại tác phẩm bằng ý thức”.
Trong buổi trò chuyện, chị Nguyễn Lan Như, một độc giả yêu thích văn chương đặt ra câu hỏi: “Trước đây có khá nhiều quan điểm cho rằng văn học hiện thực đối lập với văn học lãng mạn. Liệu văn học lãng mạn có được coi như nghệ thuật vị nghệ thuật, và văn học hiện thực có là nghệ thuật vị nhân sinh không? Bởi có một số trường hợp giao thoa, khó phân biệt đâu là nhà văn hiện thực, đâu là nhà văn lãng mạn”.
Giải đáp thắc mắc trên, Nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy cho biết: “Tiêu chí để phân chia ở đây không đồng nhất. Có quan điểm cho rằng: Văn học cách mạng là văn học vô sản, văn học lãng mạn là của tư sản cấp trên, văn học hiện thực là của tư sản cấp dưới. Phân chia nội dung nhưng lại xuất phát từ phân chia giai cấp. Nó mang tính giả tạo. Chính vì vậy, ta rút ra được gần như hiện thực và lãng mạn không có sự đối lập. Trong hiện thực có lãng mạn và trong lãng mạn cũng vậy, tùy thuộc vào người sáng tác”.
Hiện nay, “Nghệ thuật vị nhân sinh” chuyển sang một vấn đề khác mang tính thời sự hơn: “nội dung và hình thức”. Theo tư tưởng triết học, nội dung quan trọng hơn, nội dung chi phối hình thức, nội dung thay đổi thì hình thức thay đổi. Do đó, nhiều người không còn chú trọng hình thức như trước.
Điều này chi phối các phê bình, các sáng tác văn học cũng như nghệ thuật nói chung. Vấn đề giữa nội dung hình thức như “bình cũ rượu mới”. Nội dung quan trọng là “rượu”, còn hình thức là cái để đựng thì thế nào cũng được. Nội dung cũng dần thu hẹp lại như phản ánh cuộc sống, phản ánh tư tưởng,… nên càng được coi trọng.
Tuy vậy, trong nghệ thuật, cái quan trọng nhất vẫn là hình thức. Ở Việt Nam ít ai coi trọng hình thức, dần dẫn đến thực trạng văn học Việt Nam trước đổi mới, gọi là văn học suy. Nó gồm những sáng tác không chú trọng hình thức, chỉ mong muốn truyền tải nội dung, mà hầu như nội dung quy định sẵn.
“Đối tượng phản ánh thời kỳ này phải theo hướng và quy định nhất định, nghĩa là không như bản chất nó ‘đang là’, mà như nó ‘phải là’. Vì thế vấn đề nghệ thuật bị ảnh hưởng. Sau đó ai cũng làm được phê bình, chỉ cần có hiểu biết ít nhiều về thực tế, đường lối đều có thể phê bình được. Cái đó không phải là nghệ thuật mà là suy nghệ thuật”, ông Đỗ Lai Thúy chia sẻ.
Cuối cùng, ông cho rằng: “Nghệ thuật vị nhân sinh và Nghệ thuật vị nghệ thuật gần như giống nhau. Bởi vậy không còn gì để tranh cãi hay chia rẽ trường phái riêng biệt. Làm văn chương, trên nhất vẫn là thẩm mĩ, là cái hay, từ đó mới có thể đi vào lòng người mà phản ánh xã hội”.
Liệu nghệ thuật có phát triển và đẩy lùi những giá trị vốn có trước đây? Lời chia sẻ chân thành của Nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy chính là câu trả lời: “Trong nghệ thuật không có hơn có kém, chỉ có khác mà thôi. Bởi thế những khám phá nghệ thuật giống như chuỗi ngọc mà mỗi tìm tòi thành công sẽ là một viên ngọc, không có nghĩa viên ngọc sau đẹp hơn viên ngọc trước”.
Ngọc Huyền
Cùng chuyên mục
Bình luận