Các quốc gia trên thế giới chào đón năm mới
(Sóng trẻ) - Kết thúc 2022, nhiều nước trên thế giới tổ chức bắn pháo hoa, nhưng vẫn có nơi chìm trong không khí trầm lắng.
Sau một năm dịch bệnh và các cuộc xung đột chiến tranh, nhiều thành phố bắt đầu tổ chức bắn pháo hoa và xóa bỏ lệnh giãn cách chống dịch COVID-19.
Hơn 100.000 người dân nước Anh đã cùng nhau tập trung ở bờ sông Thames ở London để xem buổi biểu diễn dù trời đang mưa xối xả. Pháo hoa được bắn nhằm tưởng nhớ Nữ hoàng Elizabeth II với một dàn flycam được triển khai trên bầu trời, tạo thành hình ngang của Nữ hoàng như trên đồng xu.
Trái ngược với không khí tưng bừng, thủ đô Kyiv và các thành phố ở Ukraina có phần ảm đạm. Lệnh giới nghiêm được thực hiện vào lúc 11 giờ đêm trước khi các vụ nổ được công kích bởi Nga. Sau khi bước sang năm mới vài giờ, Tổng thống Ukraina tuyên bố: “Nước Nga cho rằng lựa chọn duy nhất của chúng tôi là đầu hàng; còn đối với chúng tôi, lựa chọn duy nhất là phải chiến đấu”.
Ở Nga, các lễ hội ở Moscow cũng có phần im ắng hơn mọi năm. Không có pháo hoa hay buổi lễ ở Quảng trường Đỏ, giới chức Nga cũng đóng cửa Quảng trường và điều động thêm cảnh sát bảo vệ các khu phố gần đó.
Khác hẳn với Nga, New York đã tổ chức đón chào năm mới ở Quảng trường Thời đại và người dân ăn mừng trên toàn nước Mĩ. Vào khoảnh khắc đếm ngược, hàng tấn hoa giấy trong quả cầu pha lê nặng khoảng 6 tấn, được thả từ từ trên nóc tòa nhà 25 tầng.
Cùng đón không khí nhộn nhịp như Mĩ, nước Úc tổ chức ăn mừng năm mới đánh dấu sau 2 năm ảm đạm vì dịch COVID-19 với hơn 1 triệu người dân đón xem pháo hoa tại Nhà hát Opera Sydney.
Tại Đức, các khách sạn thuộc thủ đô Berlin lần đầu tiên ghi nhận tỷ lệ đặt phòng cao trước thềm tổ chức bắn pháo hoa khu vực Cổng Brandenburg sau khi đại dịch bùng phát. Giới chức Đức cũng đã cho phép người dân mua pháo hoa sau hai năm ngăn cấm vì có thể gây chấn thương.
Ở các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc; hàng nghìn người đã đến trung tâm Vũ Hán để bắt đầu đếm ngược năm mới với hy vọng ngăn chặn được bệnh dịch và mở cửa tự do trở lại. Rất nhiều bóng bay được thả tự do trên trời ở trung tâm, nơi mà COVID-19 bắt đầu bùng phát từ 3 năm trước.
“Những năm về trước, dịch COVID-19 hoành hành rất nghiêm trọng và một người trong gia đình cháu đã phải điều trị. Cháu chỉ mong năm mới mọi người đều khỏe mạnh. Đó mới là điều quan trọng nhất” - Học sinh Vương (17 tuổi) chia sẻ.
Dù người dân ra đường đón năm mới nhưng họ luôn phải đeo khẩu trang sau khi chứng kiến làn sóng dịch bệnh lên tới 9000 ca tử vong trong một ngày tại đất nước này. “Tôi thật sự rất sợ” - cô Jin chia sẻ. “Tôi rất sợ khi đi ra ngoài vào tối nay nhưng bản thân cũng muốn đi ăn mừng”.
Cảnh sát đã sử dụng loa phát thanh tại một số địa điểm để thông báo người dân tránh tụ tập nơi quá đông người nhưng một trong số họ thì không để ý thông báo cần thiết này.
Ngoài ra, Hàn Quốc năm nay đã thực hiện trở lại nghi thức đánh chuông đón giao thừa sau 2 năm tạm dừng vì đại dịch. Buổi lễ đã thu hút hơn 100.000 người tham dự; để tránh tình trạng quá tải, lễ đánh chuông cũng đã được phát sóng trực tiếp.
Tuy nhiên, một số nước châu Âu không tổ chức bắn pháo hoa. Nhiều thành phố thuộc Cộng hòa Czech cho rằng điều này “không phù hợp” với bối cảnh kinh tế khó khăn. Ở Hà Lan, trời mưa lớn đã khiến các buổi trình diễn pháo hoa phải hủy bỏ.
Các quốc đảo ở Châu Đại Dương gồm: Tonga, đảo Christmas và Samoa là địa điểm đón khúc chuyển giao từ 2022 sang 2023 sớm nhất trên thế giới. |
Nguồn: Tổng hợp