Cảm nhận khi đọc "Đi một ngày đàng..."
“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Quả đúng như vậy. Song đâu chỉ có thế! Đọc tác phẩm “Đi một ngày đàng...” của tác giả Phạm Quốc Toàn, tôi có cả kho tư liệu, vốn sống ở những quốc gia tôi chưa một lần đặt chân tới.
Với ngòi bút sắc sảo vừa cụ thể mà khái quát, đan xen các thể loại: bút ký, phỏng vấn, chính luận... lúc ghi, lúc kể, lúc tả... nhà báo Phạm Quốc Toàn đã tái hiện một cách chân thực những vùng đất mình đã đi qua và trải nghiệm. Mười tám quốc gia, từ châu Á, châu Âu, châu Đại Dương, châu Mỹ, tác giả đã chắt lọc, lựa chọn, đúc kết, chiêm nghiệm, sàng lọc, ngẫm suy, tìm tòi, khám phá... để đưa đến cho bạn đọc sự nhận biết, trí tưởng tượng phong phú và rung động tự đáy lòng.
Tôi không có tham vọng giới thiệu và phân tích gần 500 trang viết của 18 nước mà tác giả đi qua. Tôi chỉ điểm và dừng lại một vài nơi gọi là “cưỡi ngựa xem hoa”. Tôi thực sự ngỡ ngàng và vỡ òa cảm xúc trước một “Nước Nga hùng vĩ”. Nó như chạm khắc trong tôi biết bao điều mới lạ, giúp tôi du nạn cảnh sắc thiên nhiên, văn hóa nước Nga kỳ diệu. Với tâm hồn thuần khiết, lòng yêu đời từ cái nhìn, suy nghĩ, đánh giá, tác giả cho thấy một nước Nga hồi sinh mãnh liệt dưới thời Putin khi Liên bang Xô Viết sụp đổ. Sự ra đời của nước Nga - một quốc gia trải dài từ Á sang Âu, với chủng tộc, tập quán và ngôn ngữ khác nhau, nhưng lại đoàn kết làm nên những chiến thắng vĩ đại nhất, cứu loài người khỏi họa phát xít. Nước Nga còn lãnh một trách nhiệm đặc biệt là bảo vệ thế giới.
“Đi một ngày đàng...” đề cập tới các điều kiện thiết yếu, đượm tính thời sự nóng hổi của đời sống, kinh tế, xã hội, con người và nền báo chí của các nước. Từ “Xứ sở Chùa Vàng” (Thái Lan) - đất nước của những nụ cười thân thiện và những tà áo cà sa Phật tử “sống tình nghĩa, thủy chung”, đến “Đất nước chùa tháp” của nền văn minh Angkor - di sản lừng danh thế giới - đất nước của sự hồi sinh kỳ diệu sau khi chế độ diệt chủng polpot bị lật đổ. Từ đất nước Hàn Quốc hồi sinh, vươn dậy, trở thành con rồng châu Á trong đống tro tàn đổ nát của chiến tranh đến “Đất nước triệu voi” (Lào) nằm phía Tây dãy Trường Sơn hùng vĩ, nhiều núi non, rừng xanh, bình nguyên, cao nguyên mênh mông. Từ “Đất nước mặt trời mọc” (Nhật Bản), xứ sở của hoa Anh Đào - là quốc gia hàng đầu về khoa học và công nghệ, được mệnh danh “cường quốc kinh tế”, đến “Quốc đảo Singapore” - một quốc gia nhỏ mà có tầm ảnh hưởng lớn, dường như muốn gì cũng có, chỉ một thứ khó kiếm, đó là rác.
Lật từng trang sách, ta thấy nhà báo Phạm Quốc Toàn miêu tả rất nhiều cảnh thiên nhiên kỳ thú, suy nghĩ, bộc lộ tâm tư, trạng thái, thể hiện đậm nét hiện thực đời sống, tập quán sinh hoạt nhưng tiêu điểm vẫn là con người. Tôi thật ấn tượng khi tác giả viết về ba con người ở ba đất nước: Ông Hồ Văn Ngừng (Việt Nam), ông Bandhit Raiavatanadhamin (Thái Lan) và ông Sung Bum - young (Hàn Quốc). Ba con người, ba đất nước khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, nghề nghiệp khác nhau... nhưng rất thành đạt. Ba con người này có xuất phát điểm giống nhau: đều sinh ra trong gia đình nghèo khó.
Gia đình ông Hồ Văn Ngừng ba đời làm cao su, ăn ngủ dưới tán rừng cao su, lớn lên đi theo cách mạng, trở thành bộ đội giải phóng... Ông Bandhit Riavatanadhamin xuất thân từ một gia đình nghèo, cha mất sớm, một mình mẹ tần tảo nuôi con nhỏ, thế mà “việc đầu tiên là học - học và học; thiếu tiền thì vừa học vừa làm”. Ông Sung Bum - young sinh ra trong gia đình nghèo, học chắp vá, không đến nơi đến chốn, chỉ vì mê say cây cỏ mà mày mò tự học tự làm. Điều làm tôi thán phục ở ba con người này đó là tấm gương sáng về ý chí, nghị lực, tự lập, bản lĩnh và tự khẳng định mình. Họ sống thủy chung, tình nghĩa, thu phục nhân tâm bằng tấm lòng nhân ái, bằng cử chỉ, lời nói, hành động chuẩn mực.
Ông Hồ Văn Ngừng là người đi tiên phong để xây dựng Công ty Cổ phần Cao su Việt - Lào. Lúc mới đến Champasak (Lào), ông và đồng đội gặp rất nhiều khó khăn: ít vốn, điều kiện làm việc, ăn, ở, đi lại thiếu thốn trăm bề, nhưng nhờ đồng sức, đồng lòng, đồng cam cộng khổ nên đã vượt lên tất cả. Tổng giám đốc Hồ Văn Ngừng được Chủ tịch nước phong tặng Anh hùng Lao động - phần thưởng cao quý mà Đảng và nhà nước dành cho.
Ông Bandhit Raiavatanadhamin sinh ra để gắn bó trọn đời với nghề báo, làm việc không nghỉ ngơi, không biết mệt mỏi. Ông là Chủ tịch danh dự Liên đoàn báo chí ASEAN, chủ tịch danh dự Liên đoàn báo chí Thái Lan, nguyên Tổng Biên tập báo Bangkok Post.
Nhắc đến người nông dân giàu nghị lực, ông Sung Bum-young, những người biết ông vẫn chưa khỏi ngỡ ngàng. Ông đến và quyết tâm ở lại đảo Jeju hoang vắng, mênh mông nhưng thưa thớt người, mặc cho bố mẹ, gia đình, bạn bè can ngăn. Ban đêm đọc sách, tìm tòi suy nghĩ, ban ngày ông bắt tay thử nghiệm. Với ý chí và nghị lực đó, ông đã có cả gia tài kích sù, có cây cảnh bán cả triệu đô la. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đánh giá về ông: “Trí tuệ lớn, nghị lực cực lớn”.
Cuộc đời quả như một dòng chảy! Cả ba con người này đã biết bơi, biết lặn, thậm chí phải vật lộn với những dòng xoáy quái ác, biết gạt sang một bên những rác rưởi, những cành cây, que nhọn để bảo vệ cho mình tồn tại và trôi được đến nơi mong muốn. Bến bờ hạnh phúc không phải là bến bờ đợi chờ của dòng chảy tự nhiên mà là cái đích cuối cùng đẹp đẽ của những con thuyền chiến thắng mọi thác ghềnh hiểm trở. Chẳng hiểu ba người này đã tiếp cận nhà văn Lỗ Tấn chưa, nhưng họ đã học ở Lỗ Tấn “không cam chịu cái nghèo” thật tuyệt!
Thế mạnh của tác giả Phạm Quốc Toàn là nhà báo, có điều kiện đi nhiều, đặt chân đến hầu hết các châu lục. Đi đâu, tác giả cũng quan sát, nhìn nhận, lắng nghe, đánh giá, chiêm nghiệm, ghi chép, hỏi cho ra tường tận từng vấn đề... nên những trang viết của tác giả ngồn ngộn hơi thở cuộc sống. Điều tôi thực sự khoái cảm khi đến với nền báo chí “Nữ thần Tự do” qua trang sách của “Đi một ngày đàng...”.
Ở nước Mỹ, người ta nói nhiều đến trách nhiệm của phóng viên đối với con người, trách nhiệm tôn trọng sự thật. Người ta nói báo chí mà sao nhãng trách nhiệm với công chúng, với xã hội là xa rời đạo đức báo chí, đi ngược lại nền báo chí dân chủ. Giáo sư Bruce Plopper của Trường đại học báo chí Litle Rock, tiểu bang Arkansas nói rằng “đạo đức báo chí hàng đầu mà chúng tôi giảng dạy tại trường cho sinh viên là báo chí phải tôn trọng sự thật khách quan, báo chí phải thông tin trung thực”. Nhà báo Mai Đức Lộc, Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng và nhà báo Phan Minh Hoàng, Giám đốc Đài PT-TH Bình Phước đưa ra vấn đề: báo chí Mỹ thông tin sai lệch về việc Tổng thống Sadam Husein (Iraq) sản xuất và tàng trữ vũ khí hủy diệt, dẫn đến Mỹ phải đánh Iraq để trừ hậu họa khủng bố; báo chí Mỹ cũng đưa tin sai lệch sự kiện vịnh Bắc Bộ tháng 8-1964 nên buộc Mỹ phải trả đũa Bắc Việt Nam để tự vệ. Vậy đạo đức báo chí Mỹ, trách nhiệm xã hội báo chí Mỹ trong việc thông tin sai sự thật như thế nào?
Giáo sư Bruce Plopper trầm ngâm giây lát rồi khẳng định: “Cả hai sự việc mà các bạn vừa nêu tôi đều biết. Đúng là báo Mỹ đã sai lầm, đã thiếu trách nhiệm trong thông tin. Thông tin sai sự thật như vậy là không có đạo đức báo chí”. Câu trả lời của giáo sư thật thẳng thắn, trung thực, chí lý, đúng với lương tâm của người thầy và người đang hành nghề báo chí. Đến với nền báo chí Mỹ, ta được quan sát, lắng nghe bầu không khí dân chủ trong trao đổi, tranh luận, phản biện, ta cảm nhận được tính chuyên nghiệp, kỷ luật và sự nghiêm túc trong tác nghiệp, trong thẩm định và sử dụng thông tin của họ. Ở Mỹ, nhà báo phải chịu nhiều áp lực, nguy cơ bị chủ báo sa thải luôn rình rập nếu hành nghề thiếu lương tâm, đạo đức và thiếu tính chuyên nghiệp trong tác nghiệp.
Khép lại trang cuối cùng của cuốn sách “Đi một ngày đàng...”, tôi thực sự bồi hồi xúc động và nuối tiếc. Giá được đi đến những miền đất lạ như tác giả để mà khám phá, chiêm nghiệm... thì tốt biết bao! Tự sâu thẳm đáy lòng, tôi biết ơn nhà báo Phạm Quốc Toàn đã giúp tôi có được cuộc thưởng nạn mới lạ, tinh khôi về những vẻ đẹp của thiên nhiên kỳ thú, về đất trời và con người xứ lạ. Bạn đọc gần xa! Nếu chưa có điều kiện đi đến xứ Người thì hãy nhanh đến với cuốn “Đi một ngày đàng..." để khám phá, tích lũy tư liệu, vốn sống... hẳn rất có ích cho cuộc đời!
TS. Nguyễn Thị Trường Giang
Khoa Phát thanh - Truyền hình
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Cùng chuyên mục
Bình luận