Câu chuyện của nghệ thuật dệt bản địa
(Sóng trẻ) - Triển lãm “Nghệ thuật dệt bản địa” trưng bày các tác phẩm về văn hóa dệt truyền thống của ba nhóm dân tộc thiểu số Hmông, Thái Thanh và Châu Mạ, tại Viện Goethe, Hà Nội từ ngày 3/12 đến 4/12.
Nhận thấy truyền thống dệt bản địa của Việt Nam đang “vật lộn” để tồn tại với các mặt hàng dệt may được sản xuất tại các nhà máy với giá thành rẻ hơn, Craft Link - Tổ chức phi lợi nhuận và công bằng thương mại, hoạt động với mục đích hỗ trợ các nhóm dân tộc thiểu số, các nhóm khuyết tật … đã thực hiện buổi triển lãm “Nghệ thuật dệt bản địa” để đem đến cơ hội khám phá sự độc đáo trong văn hóa dệt đậm đà bản sắc dân tộc.
Họa tiết cầu kỳ, tinh xảo là điểm nổi bật trên những tác phẩm dệt may của người Thái Thanh ở bản Na. Với những hoa văn đặc trưng kết hợp cùng kĩ thuật dệt riêng biệt, mỗi sản phẩm đều được nghệ nhân tỉ mỉ thổi hồn vào chúng.
Người Châu Mạ vẫn giữ lối dệt truyền thống với khung dệt thô sơ. Điểm đặc biệt trong các sản phẩm dệt của họ là sự phối hợp giữa các màu sắc sặc sỡ cùng hoa văn độc đáo để nói lên cuộc sống của người dân bản địa.
Đây không chỉ đơn giản là những tác phẩm của dệt may mà là những tác phẩm nghệ thuật. Với thông điệp tôn vinh di sản văn hóa và lưu giữ cho các thế hệ mai sau, triển lãm “Nghệ thuật dệt bản địa” không chỉ thu hút sự tham gia của các bạn trẻ mà còn có du khách nước ngoài muốn tìm hiểu về văn hóa Việt Nam.