Trung tâm gia sư và những vấn đề báo động
(Sóng Trẻ) - Càng ngày, nhu cầu tìm việc làm của sinh viên càng tăng với nhiều lí do. Có bạn vì muốn phụ giúp gia đình trang trải những khoản chi tiêu đắt đỏ ở Thủ đô, có bạn lại muốn tích lũy kinh nghiệm, cọ sát thực tế… Và nghề nghiệp mà phần đông sinh viên hiện nay ưa chuộng và dễ kiếm nhất là làm gia sư.
“Tiền mất tật mang”
Chỉ cần một địa điểm không rộng, vài cái bàn và một chiếc điện thoại, một cái biển đề tên một giáo viên có uy tín... thế là một trung tâm gia sư đã có thể đi vào hoạt động. Đã có không ít sinh viên, mà đa phần là năm thứ nhất, bị mất tiền oan bởi các trung tâm gia sư này nhưng không biết kêu ai.
T. Nga (SV Học viện báo chí và tuyên truyền) kể lại chuyện cô từng bị sập bẫy khi làm thêm ở năm thứ nhất: "Mình đến trung tâm gia sư ở đường Láng xin dạy và phải trả phí môi giới tới tận 500 nghìn đồng. Nhưng không ngờ khi đến gặp gia đình, mình mới được biết em học sinh này đang nằm trong viện và gia đình đã nói lại với trung tâm rồi.
Để tránh khỏi "tiền mất tật mang", sinh viên nên cảnh giác và tìm hiểu thật kĩ trước khi tới các trung tâm gia sư
Đến gõ cửa trung tâm gia sư, nhân viên không trả lại tiền thừa do lỗi “sơ suất” mà giới thiệu mình đến một nơi khác, nhưng lương chỉ có 30.000 đồng/buổi và phải dạy cách trường tới 12 km. Mình từ chối vì xa và tiền công thấp. Trung tâm hứa sẽ bố trí lớp dạy khác nhưng rồi mình đến rất nhiều lần cũng không được giải quyết, đành tiền mất tật mang”.
Với những lời giới thiệu hấp dẫn, các bạn sinh viên dễ dàng tin và chịu mất phí môi giới cho trung tâm mà không biết rằng có khi đó là việc mất tiền oan. Các trung tâm gia sư thường lấy trước của các bạn sinh viên khoảng 50% tháng lương gia sư đầu tiên mà bạn sẽ nhận được từ gia đình học trò, trước khi họ giao địa chỉ. Bởi vậy, khi mua địa chỉ đi dạy tức là lúc bạn bắt đầu bước vào trò chơi mạo hiểm như đánh bạc vậy, chẳng may sẽ mất cả chì lẫn chài bởi “tiền trao cháo múc” là xong, không ai còn chịu trách nhiệm về nhau nữa. Trung tâm gia sư họ chỉ đảm bảo địa chỉ bạn vừa nhận là có thật.
Lợi nhuận “đè bẹp” chất lượng
Do hoạt động của trung tâm gia sư phần lớn còn mang tính tự phát, chưa có sự quản lí chặt chẽ của các cơ quan chức năng nên thường dẫn đến việc nhiều trung tâm gia sư vì lợi nhuận cá nhân mà không quan tâm tới chất lượng gia sư.
May mắn không bị mất tiền như Nga nhưng Trang (SV trường ĐH Luật) cũng rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” khi nhận dạy Tiếng anh cho một học sinh lớp 11 trong khi trình độ nại ngữ chỉ ở mức trung bình.
Trang chia sẻ “Sau khi nộp 400.000đ, mình được người chủ trung tâm cho địa chỉ dạy ở phố Nguyễn Khánh Toàn và dặn đi dặn lại: khi đến phải nói đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm khoa Tiếng anh và có bằng loại ưu. Lúc đầu mình từ chối vì cho rằng nó không phù hợp với trình độ của mình. Nhưng nhân viên của trung tâm cứ khăng khăng khẳng định là mình cứ yên tâm vì em học sinh này có học lực trung bình, chỉ cần dạy theo sách giáo khoa là được.
Mấy ngày đầu mình dạy cũng khá ổn, chỉ tập trung dạy theo sách giáo khoa. Nhưng sau đó, em học sinh này liên tục đề nghị mình chữa những đề tiếng Anh nâng cao để chuẩn bị ôn thi trong khi có những câu mình thực sự không biết. Và đến buổi học sau thì mình bị gia đình học sinh đuổi vì chất lượng giảng dạy không hiệu quả”.
Với những lời quảng cáo như “Đây là trung tâm gia sư do giáo sư, tiến sỹ đứng đầu, đội ngũ gia sư đã qua “thẩm định nghiêm ngặt”, là các thầy giáo, cô giáo đang giảng dạy tại trường sư phạm, một số là sinh viên giỏi đang theo học năm cuối…”, những trung tâm gia sư cứ thoải mái mọc lên như nấm và đi lừa đảo sinh viên, phụ huynh bằng những chiêu giới thiệu màu mè và hấp dẫn.
Những trung tâm gia sư tự phát hiện nay chỉ vì lợi nhuận mà sẵn sàng bỏ qua uy tín cũng như chất lượng. Và cũng vì muốn trang trải chi phí sinh hoạt trong thời kỳ “bão giá” mà không ít các bạn sinh viên “nhắm mắt làm liều” theo những lời quảng cáo “có cánh” đó mà không nghĩ đến hậu quả.
Vũ Thúy Nga
Truyền hình K.29A1
Học viện Báo chí và tuyên truyền
Truyền hình K.29A1
Học viện Báo chí và tuyên truyền
Cùng chuyên mục
Bình luận