Câu lạc bộ tái chế rác vì môi trường
(Sóng Trẻ) - Câu lạc bộ (clb) Green Fingers Vietnam (GFVN) là mô hình tiêu biểu với ý tưởng tái chế rác thải vì môi trường. Không chỉ suy tính cho bản thân mà nhóm các bạn trẻ của GFVN còn đang nghĩ và hành động để làm “sống lại” môi trường. Với sự nhiệt huyết và óc sáng tạo của mình, họ đang góp phần thay đổi và nâng cao nhận thức của xã hội về môi trường.
Tuổi trẻ đồng hành vì môi trường sống
Hai thành viên ban đầu của GFVN là Phúc và Hằng sau khi tham gia chương trình tình nguyện trẻ ASEAN năm 2015 (AYVP 2015), hai người ấp ủ mong muốn sẽ làm gì đó cho môi trường. Cũng trong một đợt khảo sát ở Hội An về việc phân loại rác và lợi nhuận từ hoạt động này mang lại, Phúc đã thu được kết quả rất tích cực. Cộng với việc tham khảo những sáng kiến ở trên mạng, đóng góp thêm từ Linh (Trưởng ban giáo dục GFVN thế hệ I) về ý tưởng tái chế cốc để trồng cây và bàn bạc kỹ lưỡng, GFVN được ra đời. Câu lạc bộ tập hợp những bạn trẻ yêu môi trường và ý thức được trách nhiệm của mình trước về những vấn đề môi trường đang đặt ra.
Từ tháng 1-tháng 7/2016, GFVN đã tổ chức thành công 4 hành trình tái chế tại các công viên thu hút hơn 600 người tham gia và hơn 500 dấu vân tay ủng hộ dự án Không những thế, GFVN còn kết nối các bạn tình nguyện trẻ, là nơi những trái tim yêu môi trường tìm đến và cùng thực hiện những ý tưởng vì môi trường. Nhóm các bạn trẻ thực hiện tái chế rác thành những chiếc hộp nhỏ để trồng cây, nhằm hiện thực hóa ước mơ “tìm lại màu xanh”, tận dụng lõi giấy vệ sinh để “phù phép” thành những món đồ thủ công ấn tượng, ngộ nghĩnh như con gà, con vịt, búp bê…Các sản phẩm của GFVN được mang đi trưng bày tại các hội chợ triển lãm về môi trường, trong đó có thể kể đến triển lãm Nature Voice Up, Hội chợ triển lãm tuổi trẻ chung tay bảo vệ môi trường…
Các thành viên của GFVN
Với tuổi còn trẻ, đáng lẽ các thành viên của GFVN sẽ tham gia các hoạt động sôi nổi, phù hợp với lứa tuổi “teen” của mình, hay thực hiện những chuyến đi chơi, đi phượt, GFVN đã và đang làm một công việc đầy ý nghĩa, giàu tính nhân văn, góp phần ghi dấu ấn tuổi trẻ của mình.
Các sản phẩm tái chế của các thành viên GFVN
“Truyền lửa” đến trẻ thơ
Không chỉ dừng lại ở việc tái chế, tuyên truyền, các bạn trẻ trong clb mạnh dạn liên hệ các trường mầm non, tiểu học để tổ chức các buổi dạy làm tái chế và truyền cho các em những kiến thức về thực trạng môi trường hiện nay.
GFVN đã mở hơn 30 lớp học tái chế với 200 em từ 7-10 tuổi được thực hành Tái chế; 2 trường tiểu học Láng Thượng, Global School, 2 Trung tâm tiếng anh, nhà Tình thương và dự án hợp tác Skill me up, ,… Hơn thế, GFVN tổ chức thành công những buổi giới thiệu về dự án và thực hành tái chế cùng các em tại sự kiện Italian Food, Green Market, Trung tâm tiếng anh The Lighthouse; giảng dạy cho các bé tại trường mầm non Bibi và Phượng Hồng…Những lớp học về môi trường nhận về nhiều phản hồi tích cực từ phía phụ huynh, đặc biệt là sự hưởng ứng, hồ hởi của chính các bé.
Một buổi học của các bé trường mầm non Bình Minh cùng GFVN
Lựa chọn lứa tuổi mầm non, tiểu học để mở các lớp học về tái chế rác thải mà không phải độ tuổi khác, các thành viên của nhóm gửi gắm hi vọng vào một môi trường tốt đẹp hơn trong tương lai. Bạn Đỗ Thị Minh Phương, trưởng nhóm dự án GFVN chia sẻ: “Các em như những tờ giấy trắng vậy. Tạo cho các em hiểu biết và ý thức bảo vệ môi trường ngay từ bé, dạy các em từ bây giờ cũng sẽ giúp các em hình thành thói quen tốt trong việc tiết kiệm hay tái sử dụng các vật dụng vì môi trường.”
Dù chỉ là những bạn sinh viên trẻ, nhưng với sự nhiệt tình, kiên trì và khát vọng về một môi trường sạch hơn, các thành viên GFVN không ngừng nỗ lực cải tiến các phương pháp giảng dạy, hình thành thêm nhiều ý tưởng về tái chế rác thải.
Những đôi mắt lấp lánh tràn đầy nhiệt huyết, những nụ cười hạnh phúc khi các sản phẩm tái chế được hoàn thành mang ra trưng bày, những cái ôm thật chặt mỗi khi các dự án của GFVN gặp khó khăn…Tất cả tạo nhóm lên một ngọn lửa âm ỉ lan tỏa trong cộng đồng, câu slogan “tái chế đơn giản thế !” của GFVN cũng không ngừng len lỏi vào ý thức của mọi người trong xã hội.
Hà Hiền
Nguyễn Phượng
Báo mạng K35
Cùng chuyên mục
Bình luận