“Chắc kiến thức, luyện đề nhiều, tâm lý vững” - bí quyết thành công của thủ khoa báo chí
(Sóng Trẻ) – Là thủ khoa khối ngành báo chí năm 2019 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đỗ Thị Phương Huệ (sinh viên lớp Truyền hình chất lượng cao K39) đã có những chia sẻ về kỳ thi THPT Quốc gia và bài thi năng khiếu báo chí thành công của mình.
Sau khi kết thúc công tác xét tuyển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã xác định được thủ khoa khối ngành báo chí năm 2019. Đó là Đỗ Thị Phương Huệ, với tổng điểm 27.5 khi đăng ký dự thi khối R16. Điểm thành phần lần lượt là: Ngữ văn 8.75, Khoa học xã hội 9.75 (Lịch sử 9.75, địa lý 9.5, giáo dục công dân 10), năng khiếu báo chí 8.25. Sở hữu thành tích “đáng khâm phục” của mình, Huệ đã trở thành sinh viên lớp Báo Truyền hình chất lượng cao K39.
Đỗ Thị Phương Huệ - sinh viên lớp Báo Truyền hình chất lượng cao K39, thủ khoa đầu vào khối ngành báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Ảnh: NVCC)
Là học sinh của một trường THPT không chuyên tại vùng quê nghèo thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, Huệ luôn nỗ lực không ngừng để đạt được mục tiêu mình đã đề ra. Với ước mơ trở thành một biên tập viên Truyền hình, Phương Huệ chọn Học viện Báo chí và Tuyên truyền là điểm đến tiếp theo trong hành trình hiện thực hóa ước mơ đó.
Phương Huệ nhận bằng khen của Học viện trong Lễ Khai giảng năm học 2019-2020 (Ảnh: NVCC)
Trước những thay đổi trong phương thức xét tuyển của Học viện năm nay cũng như thấu hiểu được băn khoăn của các sĩ tử về kỳ thi Năng khiếu báo chí, Phương Huệ đã có những chia sẻ bổ ích và thiết thực để động viên, tư vấn cho các bạn học sinh khối 12.
Chào Huệ, vậy là đã gần một năm trở thành thủ khoa đầu vào của khối ngành báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Không biết hành trình một năm qua tại Học viện của em có điều gì đáng nhớ và ấn tượng nhất?
Phương Huệ: Trở thành thủ khoa đầu vào khóa 39 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đối với em, đây vừa là niềm vui, sự hãnh diện song cũng là một chút áp lực để em luôn tự động viên mình cần hoàn thiện bản thân và tiếp tục cố gắng nhiều hơn. Những thành tích xuất sắc đó là sự ghi nhận, minh chứng cho những nỗ lực em đã trải qua cũng là một nền tảng ban đầu, để em tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình.
Để nói về những điều đáng nhớ trong một năm qua tại Học viện, em cực kỳ ấn tượng với các giảng viên nơi đây. Các thầy cô luôn nhiệt tình, tâm huyết với sinh viên. Những bài giảng hay, bổ ích, thầy cô luôn lồng ghép vào bài những ví dụ rất sát với thực tế, rất nổi bật và dễ hiểu để chúng em có thể nhanh chóng hình dung ra vấn đề.
Đạt 8.25 môn thi năng khiếu là niềm mơ ước của rất nhiều các bạn sĩ tử, và để đạt được điểm số này chắc chắn em đã học tập và rèn luyện rất chăm chỉ. Em có thể chia sẻ với các bạn học sinh khối 12 về cách ôn thi năng khiếu báo chí của mình?
Phương Huệ: Em muốn chia sẻ thêm với các bạn về cấu trúc của đề thi năng khiếu báo chí. Bài thi sẽ gồm 2 phần: trắc nghiệm và tự luận. Phần thi trắc nghiệm có 30 câu hỏi xoay quanh kiến thức của 4 môn: ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân mà các bạn đã được học ở THPT. Phần tự luận đầu tiên là bài sửa lỗi sai. Các bạn sẽ được cho trước 1 đoạn văn bản nhưng nó chưa thực sự hoàn chỉnh, trong đó có các lỗi về chính tả, logic,… Còn bài tự luận thứ 2 yêu cầu bạn viết một bài luận không quá 500 từ, suy nghĩ về một vấn đề hoặc một sự kiện.
Về cách ôn thi năng khiếu báo chí của mình, em không có “bí quyết” gì cả. Muốn làm tốt phần trắc nghiệm em nghĩ các bạn thí sinh nên học thật chắc kiến thức cơ bản của 4 môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân ở THPT. Vì phần trắc nghiệm là những câu hỏi tương tự như trong bài thi khoa học xã hội song cách hỏi có thể khác đi đôi chút.
Còn về phần tự luận các bạn nên rèn kĩ năng diễn đạt, ngữ pháp, tư duy logic, phản biện trong các bài viết văn phân tích, cảm nhận ở THPT. Việc rèn luyện thường xuyên sẽ tạo ra cho bạn một kỹ năng diễn đạt trôi chảy, đúng ngữ pháp và hình thành phản xạ đối với một văn bản có những lỗi sai về liên kết, ngữ pháp hay diễn đạt.
Với bài viết 500 chữ, bạn hãy trình bày những quan điểm cá nhân của mình, đồng thời có những phản biện, đánh giá từ nhiều góc nhìn khác nhau. Bạn nên thường xuyên đọc báo, xem tin tức để cập nhật những tin nóng, những bất cập, tồn đọng hay những vấn đề nhức nhối trong xã hội để từ đó tập quan sát, tập đánh giá. Qua đó có sẽ tích lũy được thêm nhiều vốn hiểu biết, vốn kiến thức xã hội của mình, chí ít là “đủ dùng” cho kỳ thi Năng khiếu báo chí này.
Nếu được chọn 3 điều quan trọng nhất khi ôn thi THPTQG và năng khiếu báo chí, em sẽ chọn điều gì?
Phương Huệ: Để nói về quan trọng nhất trong khi ôn thi, em nghĩ có 3 điều:
Một là, cần nắm chắc kiến thức cơ bản. Hai là, luyện thật nhiều đề để có kỹ năng, áp dụng kiến thức lí thuyết đã học và khả năng phản xạ với câu hỏi. Ba là, chuẩn bị một tâm lý vững vàng, không quá hoang mang lo sợ để quá trình thi không bị chi phối.
Em nghĩ nếu nắm chắc 3 điều này, các bạn thí sinh đều có thể hoàn thành tốt bài thi của mình mà không cần bí quyết gì quá cao siêu.
Để nhắn gửi tới các bạn K40 bằng một câu slogan thể hiện quyết tâm khi thi tốt nghiệp THPT năm nay cũng như năng khiếu báo chí, em muốn nói gì?
Phương Huệ: Em muốn nhắn nhủ đến các bạn rằng: “Hãy bình tĩnh, tự tin khi làm bài. Và đặc biệt, hãy thi theo cách của chính bạn”.
Cảm ơn Huệ về những chia sẻ rất thú vị của mình!.
Phương Qúy
Cùng chuyên mục
Bình luận