Chứng chỉ “mua vội, dùng sai”: Đánh mất cơ hội thực và đối mặt với vòng lao lý

(Sóng trẻ) - Dạo quanh các hội nhóm trên mạng xã hội, không khó để bắt gặp những lời mời chào mua bán chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với đủ loại giá cả và cam kết “bao đậu”. Tình trạng này không chỉ diễn ra âm thầm mà ngày càng trở nên sôi động, đặt ra nhiều dấu hỏi về chất lượng giáo dục, sự công bằng trong xã hội và những hệ lụy pháp lý tiềm ẩn.

“Cần gì học, có tiền là có bằng”

Đây là câu cửa miệng được lan truyền trong một bộ phận người có nhu cầu sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học một cách nhanh chóng và dễ dàng. Thay vì bỏ thời gian, công sức ôn luyện và tham gia các kỳ thi chính thức, một số sinh viên chọn cách tìm đến “chợ đen” mua bán bằng cấp. Chỉ cần một vài thao tác tìm kiếm đơn giản trên mạng, hàng loạt các trang web, tài khoản mạng xã hội với những lời quảng cáo hấp dẫn hiện ra trước mắt: “Bằng Toeic/IELTS/VSTEP/MOS/IC3 giá rẻ, bao thật 100%”, “Làm bằng nhanh chóng, không cần thi, có ngay sau 2-3 ngày”, “Uy tín, bảo mật, phôi thật, công chứng thoải mái”...

anh-1.png
Chỉ cần vào một hội nhóm trên mạng xã hội, không khó để bắt gặp những người mua công khai bày tỏ nhu cầu mua chứng chỉ, cho thấy tâm lý muốn “đi tắt” và sự tồn tại của một thị trường ngầm sẵn sàng đáp ứng nhu cầu này. (Ảnh: Chụp màn hình)

 

Giá cả cho những loại chứng chỉ này khá đa dạng, dao động từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng tùy thuộc vào loại chứng chỉ, đơn vị cấp, mức độ “uy tín” của người bán và cả “độ gấp” của người mua. Trong đó, các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEIC thường có giá cao hơn các chứng chỉ trong nước như VSTEP, MOS, IC3.

Anh T. (23 tuổi, Hà Nội), một người từng có ý định mua chứng chỉ IELTS, chia sẻ: “Thời điểm đó, tôi cần bằng gấp để nộp tốt nghiệp. Thấy trên mạng quảng cáo làm nhanh, không cần thi mà lại có phôi thật nên cũng hơi lung lay. Gọi điện hỏi thì họ báo giá 15 triệu, bảo đảm có bằng sau 5 ngày. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu kỹ hơn, tôi thấy rủi ro quá lớn, lỡ bằng giả thì không những mất tiền mà còn ảnh hưởng đến cả quãng thời gian học tập nên tôi quyết định tự ôn luyện và thi thật.”

Không chỉ người có nhu cầu cá nhân, một số đối tượng cò mồi còn ngang nhiên hoạt động trong các nhóm sinh viên, quảng cáo, giới thiệu các “đầu mối” cung cấp bằng cấp. Họ vẽ ra những viễn cảnh “dễ dàng có được tấm bằng đẹp” mà bỏ qua những nỗ lực học tập chân chính.

anh-2.png
Chỉ cần có người mua, rất nhiều đầu mối bán bằng cấp sẵn sàng để lại liên hệ kèm những lời tư vấn hấp dẫn. (Ảnh: Chụp màn hình)

 

anh-3.png
Thậm chí có những cơ sở ngang nhiên giả mạo các trung tâm đào tạo và chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, cho thấy sự lỏng lẻo trong kiểm soát và mức độ công khai đáng báo động của hoạt động mua bán trái phép này. (Ảnh: Chụp màn hình)

Đổi trắng thay đen và những chiêu trò tinh vi

Để tạo lòng tin cho người mua, các đối tượng bán bằng thường sử dụng nhiều chiêu trò tinh vi. Các đối tượng bán bằng thường sử dụng nhiều chiêu trò tinh vi để tạo lòng tin cho người mua. Một trong số đó là cam kết “bao đậu”, một chiêu thức phổ biến được các đối tượng bán bằng sử dụng, thường đi kèm với lời hứa sẽ có người thi hộ trực tiếp trong phòng thi, đánh vào tâm lý muốn đạt kết quả chắc chắn mà không cần nỗ lực cá nhân của người mua.

Khi liên hệ đến một đơn vị cung cấp dịch vụ mua bán chứng chỉ, phóng viên được một “tư vấn viên”, quy trình thi hộ được thiết kế nhằm đối phó với các biện pháp kiểm soát thông thường. Người mua vẫn phải đến địa điểm thi để thực hiện các thủ tục nhận diện ban đầu như chụp ảnh, lăn tay và lưu cam. Sau khi vào phòng thi và ổn định chỗ ngồi, bên bán sẽ sắp xếp để người mua và người thi hộ ngồi cạnh nhau. Đáng chú ý, trước giờ thi khoảng 5-10 phút, một giám thị (được ngầm “hỗ trợ”) sẽ tạo điều kiện tắt camera giám sát và giúp hai người đổi chỗ ngồi. Lúc này, người thi hộ sẽ thực hiện bài thi thực tế, còn người mua có thể chỉ cần ngồi chờ. Sau khi hết thời gian làm bài, họ sẽ đổi chỗ ngồi lại, người mua nộp bài của người thi hộ, còn người thi hộ nộp bài của chính mình (thường là bài bỏ trống hoặc làm tượng trưng).

anh-4-2.png
 Bằng cách “đánh tráo thí sinh”, người mua không chỉ hứa hẹn một tấm bằng “thật 100%” như cam kết từ bên bán, mà còn đánh vào tâm lý muốn đạt kết quả nhanh chóng và không tốn công sức. (Ảnh: Chụp màn hình)

Ngoài ra, các đối tượng này còn yêu cầu đặt cọc trước một phần, tạo áp lực tâm lý và ràng buộc trách nhiệm cho người mua. Để tránh bị phát hiện và dễ dàng trốn tránh trách nhiệm, họ thường sử dụng các kênh liên lạc ẩn danh, nhằm tránh lộ danh tính và dễ dàng bỏ trốn khi có sự cố xảy ra. 

Hệ lụy khôn lường và những quy định pháp lý nghiêm khắc

Thị trường mua bán chứng chỉ ngoại ngữ, tin học sôi động không chỉ gây ra những hệ lụy tiêu cực cho ngành giáo dục, làm giảm giá trị của các chứng chỉ được cấp một cách chân chính mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người sử dụng lao động và sự phát triển của xã hội. Việc sử dụng bằng cấp giả để xin việc, thăng tiến không chỉ là hành vi gian dối mà còn tiềm ẩn nguy cơ về năng lực thực tế không đáp ứng được yêu cầu công việc, gây ra những hậu quả khó lường.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thị Hồng Nhung - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, thuộc Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự cho biết: “Hiện nay, ở Việt Nam hành vi mua bán và sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả là hành vi vi phạm pháp luật. Tuỳ từng mức độ vi phạm người mua bằng giả có thể bị xử lý theo quy định pháp luật. Nếu người mua bằng giả sử dụng bằng cấp chứng chỉ giả không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản hoặc không gây ra thiệt hại nghiêm trọng thì có thể bị xử phạt hành chính. Đối với bằng cấp, chứng chỉ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp thì hành vi sử dụng bằng cấp, chứng chỉ của người khác, bằng cấp chứng chỉ bị tẩy xoá, làm sai lệch nội dung, bị phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo Khoản 1 Điều 23 Nghị định 04/2021/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Đối với bằng cấp, chứng chỉ nghề nghiệp do cơ quan nhà nước khác cấp thì hành vi sử dụng bằng cấp, chứng chỉ của người khác, bằng cấp chứng chỉ bị tẩy xoá, làm sai lệch nội dung thì bị phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo Khoản 1 Điều 23 Nghị định 88/2022/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

anh-5.png
Luật sư Hồng Nhung chia sẻ tình trạng mua bán bằng cấp, chứng chỉ giả vẫn diễn biến phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. (Ảnh: NVCC)

 

Đối với hành vi làm giả, mua bán bằng cấp, chứng chỉ giả, Luật sư Hồng Nhung khẳng định: “Hành vi làm giả, mua bán bằng cấp, chứng chỉ giả là một hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, bị xử lý theo nhiều cấp độ khác nhau, từ xử phạt hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự. Đặc biệt, nếu phạm tội có tổ chức, mức xử phạt sẽ nghiêm khắc hơn, có thể bị phạt tiền, phạt tù lên đến 7 năm và cấm đảm nhiệm chức vụ và hành nghề liên quan”.

Về xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức thì mức xử phạt cao gấp đôi mức xử phạt đối với cá nhân. Về xử lý hình sự thì đối với trường hợp sử dụng, mua bán, làm giả bằng cấp, chứng chỉ giả nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc gây hậu quả nghiêm trọng mà phạm tôi có tổ chức thì có thể phải đối mặt với mức án từ 2 năm đến 7 năm tù theo Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Nếu một nhóm người cấu kết để làm giả và mua bán bằng cấp giả theo hình thức có tổ chức, thì đây có thể được coi là hành vi có tính chất chuyên nghiệp, nguy hiểm, có thể bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) nếu bán bằng giả nhằm chiếm đoạt tiền của người mua - Luật sư Hồng Nhung chia sẻ thêm. 

Thực trạng mua bán chứng chỉ ngoại ngữ, tin học sôi động là một hồi chuông cảnh tỉnh về ý thức của một bộ phận người dân trong việc coi trọng giá trị thực chất của tri thức và sự trung thực.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Tin nổi bật3 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025

Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Thời khắc chuyển giao sang năm mới Ất Tỵ 2025, không khí hân hoan bao trùm nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hàng triệu người dân từ Bắc vào Nam hòa mình vào màn pháo hoa rực rỡ, các chương trình nghệ thuật đặc sắc cùng nhiều hoạt động văn hóa.

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN