Nữ sinh dân tộc Mông tiếp nối hành trình "được học" cho sinh viên dân tộc thiểu số

(Sóng trẻ) - Lầu Nguyễn Hương Giang, nữ sinh dân tộc Mông, đã vượt qua hành trình gian khó để trở thành người kết nối giá trị nhân văn trong hệ sinh thái “Nuôi em”.

Sinh ra và lớn lên tại vùng cao, nơi con chữ là một hành trình đầy thử thách, Lầu Nguyễn Hương Giang - nữ sinh dân tộc Mông - đã trở thành “cánh tay nối dài” cho những giá trị nhân văn mà hệ sinh thái “Nuôi em” hướng tới. Với vai trò người dẫn dắt Dự án “Được Học - Đỡ đầu Laptop cũ cho sinh viên dân tộc”, Hương Giang mong muốn hỗ trợ những sinh viên dân tộc thiểu số tiếp tục hành trình theo đuổi con chữ ở môi trường đại học.

anh-1.JPG
Chủ nhiệm dự án “Được Học - Đỡ đầu Laptop cũ cho sinh viên dân tộc”. (Ảnh: Hương Giang)

Dự án “Được Học - Đỡ đầu Laptop cũ cho sinh viên dân tộc” là một sáng kiến thuộc hệ sinh thái “Nuôi em”, do anh Hoàng Hoa Trung sáng lập. Theo Hương Giang, anh Trung nhận thấy nhiều sinh viên dân tộc thiểu số vẫn gặp khó khăn vì thiếu các công cụ học tập, đặc biệt là laptop, từ đó ý tưởng thành lập dự án đã được hình thành và phát triển.

Dự án tập trung vào laptop cũ bởi hiện nay có rất nhiều laptop đã qua sử dụng mà mọi người thường thay mới, để lại một lượng lớn rác thải công nghệ gây ô nhiễm môi trường. Mỗi chiếc laptop mà dự án nhận được đều được kiểm tra, sửa chữa, và nâng cấp để phù hợp với môi trường học tập và làm việc của sinh viên trước khi trao tặng. Không chỉ mang lại giá trị thiết thực, dự án còn lan tỏa thông điệp ý nghĩa về việc giảm thiểu chất thải điện tử: Những chiếc laptop cũ, dù có thể là "rác" đối với người này, nhưng lại là cơ hội và tương lai với người khác.

Dự án hoạt động theo mô hình 1:1:1: một người tặng laptop, một người đỡ đầu chi phí sửa chữa và nâng cấp laptop trong suốt thời gian học và một em sinh viên dân tộc thiểu số được nhận laptop. Theo Hương Giang, mô hình này tối ưu hơn so với nhiều mô hình khác nhờ tính cá nhân hoá trong từng khâu: người tặng biết chiếc laptop của mình sẽ đến tay ai, người nhận có thể gửi lời cảm ơn và trò chuyện trực tiếp với người trao tặng. Điều này không chỉ tăng sự gắn bó giữa người đỡ đầu và sinh viên,  mà còn là cách công khai minh bạch như một hình thức “sao kê” để đảm bảo niềm tin giữa các bên.

Để đảm bảo laptop được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả, đội ngũ dự án đã thực hiện quy trình xác minh thông tin một cách kỹ càng và minh bạch. “Chúng em xác minh sơ yếu lý lịch, hoàn cảnh cũng như nguyện vọng của sinh viên trước khi tiến hành chọn lọc và xếp lịch nhận laptop,” Hương Giang chia sẻ.

anh-2.jpg
Buổi trao tặng Laptop cũ cho sinh viên dân tộc thiểu số của dự án. (Ảnh: Hương Giang)

 

Từ cuối năm 2022 đến nay, dự án đã trao tặng hơn 500 chiếc laptop cho các bạn sinh viên người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, theo Hương Giang, "Được Học" không chỉ dừng lại ở việc trao tặng công cụ học tập. “Chúng em mong muốn giúp các bạn phát triển bản thân và lan tỏa nét đẹp văn hóa,” cô nhấn mạnh về mục tiêu lớn hơn mà dự án đang hướng đến.

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình triển khai dự án, Hương Giang cho biết bản thân từng mang nhiều tự ti do xuất thân là người dân tộc thiểu số, thiếu kỹ năng để quản lý một dự án quy mô. Tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội để Hương Giang học hỏi, tìm kiếm giải pháp và mạnh dạn hơn trong việc điều hành.

“Một trong những khó khăn lớn nhất của em là việc quản trị, đặc biệt là khi dự án có thêm nhiều tình nguyện viên. Em luôn lo rằng mình không mang lại được giá trị cho các bạn. Nên em thực sự mong muốn giúp từng bạn tiến bộ để cùng nhau phát triển,” Hương Giang chia sẻ.

Bên cạnh đó, việc truyền thông nội bộ cũng là một thử thách không nhỏ khi dự án hoạt động ở nhiều vùng khác nhau, đòi hỏi các thành viên phải làm việc từ xa. Điều này đôi khi khiến quá trình trao đổi mất nhiều thời gian hơn và dễ dẫn đến hiểu lầm. Tuy vậy, Hương Giang bày tỏ sự lạc quan: “May mắn là ‘Được Học’ vẫn luôn ‘trộm vía’ cùng nhau vượt qua khó khăn và ngày càng tốt hơn”.

Khi được hỏi về tình trạng thiếu nguồn lực mà các dự án cộng đồng thường gặp, Hương Giang thừa nhận rằng nhận định này phần nào đúng. Theo Giang, việc cho đi sẽ không bao giờ là đủ bởi ngoài kia vẫn còn rất nhiều người cần được hỗ trợ. Chính vì vậy, dự án luôn phải nỗ lực không ngừng để mở rộng sự giúp đỡ và tạo ra nhiều giá trị hơn nữa.

Tuy nhiên, Hương Giang bày tỏ niềm hạnh phúc khi dự án "Được Học" nhận được sự tin tưởng và ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng, cả về tinh thần lẫn vật chất. Bên cạnh sự đồng hành của các nhà tài trợ về kinh tế, dự án còn nhận được sự giúp sức đặc biệt từ chính các bạn từng nhận laptop trước đây. “Chúng em rất may mắn khi các bạn ấy quay trở lại, trở thành những cánh tay nối dài của dự án,” Hương Giang chia sẻ.

 

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật2 tuần trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 tuần trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN