Thời bình của những người lính bước ra từ cuộc chiến

(Sóng trẻ) - Những thước phim kháng chiến của dân tộc đã khắc họa sự quả cảm, tinh thần hy sinh của thế hệ bộ đội Cụ Hồ - thế hệ viết nên bản hùng ca cho dòng chảy lịch sử Việt Nam. Thế nhưng, khi hòa bình trở lại là lúc họ đối mặt với những di chứng đau thương cả về thể xác lẫn tâm hồn. Dù vậy, mỗi câu chuyện chiến đấu vẫn ánh lên niềm hy vọng và khát khao về một tương lai tốt đẹp hơn.

Bắt chuyến xe từ tờ mờ sáng vào một ngày tháng 12, chúng tôi mang theo một niềm háo hức và tò mò về nơi chúng tôi đặt chân đến – Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng (Hà Nam). Liên hệ với chú Lương Bằng – cán bộ đang công tác tại đây, chúng tôi đã được hướng dẫn di chuyển vào khu chăm sóc thương, bệnh binh. 

Theo chân cán bộ phụ trách đi một vòng các khu chăm sóc, điều làm chúng tôi ngạc nhiên là sự sạch sẽ, ngăn nắp của khuôn viên sinh hoạt. Những cánh cửa sạch sẽ, căn phòng gọn gàng, cùng mặt sàn hành lang láng mịn và thoáng đãng. Ban đầu, chúng tôi nghĩ có lẽ đây là khu vực vừa được tu sửa. Nhưng khi chứng kiến sự tận tâm, cẩn thận và chăm chỉ của các điều dưỡng viên, chúng tôi mới hiểu rằng cảm giác dễ chịu khi bước vào đây không phải ngẫu nhiên.

anh-ps-1.jpg
Các cô, chú điều dưỡng viên đều đặn lau dọn khu sinh hoạt mỗi tuần. (Ảnh: Quỳnh Trang) 

 

Lúc này, các bác thương binh đã dùng xong bữa sáng và đang trong thời gian sinh hoạt tự do. Những ánh mắt chứa đựng sự tò mò của những người thương binh cứ thế dõi theo từng bước chân chúng tôi, kèm theo đó là một vài tiếng hỏi “Các cháu phóng viên à?”. Nhìn một vòng quanh các phòng, chúng tôi vẫn chẳng thể tin được bản thân lại có cơ hội gặp mặt những người lính Cụ Hồ đã một thời đi qua khói lửa, đạn lạc; đã dành cả thanh xuân cống hiến trên mặt trận chiến trường để giành lại hòa bình cho Tổ quốc.

Ký ức về một thời “đi chẳng tiếc đời xanh”

Sau lời giới thiệu của Trung tâm, chúng tôi có cơ hội gặp gỡ bác thương binh Phạm Văn Hanh (TP. Phủ Lý, Hà Nam), một người lính từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Nhập ngũ vào tháng 2/1968, bác Hanh được phân tham gia làm nhiệm vụ tại Đại đội 8, Pháo cối 82, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 141, Sư đoàn 12 với nhiều lần luân chuyển qua nhiều binh chủng thuộc Pháo binh và Bộ binh. Sau nhiều lần thay đổi, cuối cùng chàng thanh niên lúc bấy giờ cũng đảm nhận công việc vận chuyển lương thực phục vụ kháng chiến, đồng thời tham gia vào đội quân làm đường Hồ Chí Minh (đường 559 – Đông Lào). Giữa khoảng trời ngập ngụi khói trắng xóa, chứng kiến biết bao cánh rừng mất đi sức sống vốn có vì sự phá hủy của bom đạn nhưng những người chiến sĩ ấy vẫn cứ thoăn thoắt “mở đường” phục vụ chiến dịch. Khi được hỏi về hình ảnh khiến bác nhớ nhất khi tham gia làm đường 559, bác Hanh xuýt xoa: “Nếu để nói về cái hình ảnh nhớ nhất thì là khi thấy hoa đào nở đỏ rực trên đỉnh núi Đất. Ôi nó nở đẹp lắm, trải dài hàng chục ki – lô – mét bao phủ hết đỉnh núi”.

anh-ps-2.jpg
Những ký ức dần được hé mở từ người chiến sĩ mở đường 559 . (Ảnh: Quỳnh Trang)

 

Không dừng lại ở đó, những người lính ngày ấy còn biết tự tạo ra thú vui cho bản thân, thú vui ấy đơn giản là “xuống dốc bằng xe thồ’’ trong những lần vận chuyển lương thực từ cửa Lào lên dốc O Hòa: “Như bình thường, mỗi chiến sĩ sẽ vận chuyển khoảng hơn 20 kg lương thực. Tuy nhiên đối với các chiến sĩ đoàn 209 thì sẽ đẩy thêm xe đạp thồ, thồ khỏe lắm…cứ một bao căng đẩy lên. Sau khi vận chuyển lên dốc, các anh em lại ngồi lên xe thồ để “lao xuống” dốc rồi tiếp tục những chuyến hàng tiếp theo”. Những chiếc xe đạp thồ với yên xe là dép cao su đã theo các anh trong cả quá trình vận chuyển ấy. Giống như những đứa trẻ, họ vô tư ngồi trên chiếc xe thồ được thả phanh xuống dốc, chắc có lẽ đây là những phút thư giãn ít ỏi bên ngoài trận chiến: “Cứ ngồi tì như thế mà xuống dốc…nhanh lắm”.

Vậy có bao giờ mỗi chúng ta thắc mắc người lính Cụ Hồ ngày đó ăn gì để chiến đấu không? Những món ăn quen thuộc như cơm nắm chắc có lẽ mỗi chúng ta đã từng nghe qua, nhưng bác Hanh còn cho tôi biết một “cao lương mĩ vị” khác cũng thú vị không kém, đó là món “Canh chua” – món ăn xuất hiện trong một lần bác xin tình nguyện đi lính về Trung đoàn 141. Nhắc đến đây chắc có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc rằng sao ngày đó có cả canh chua để ăn, nhưng thực chất món ăn này lại vô cùng dễ kiếm về nguyên liệu và đơn giản về chế biến. Bát canh với nguyên liệu là những quả me rừng được vặt vệ đường, sau đó mang về bỏ vào nước đun lên…vậy là một món canh được giới thiệu là “Ngon cực kỳ luôn” được ra đời. Đến nỗi mà nó trở thành “truyền thuyết” đến tai nhiều người, cũng từ đó một đoạn bài hát được ra đời:

“Bát canh chua đỡ cung đường vất vả

Nắm rau rừng ủ chín hơi cơm

Bát nước chè xanh cùng khúc quân hành

Dồn sức mạnh lên đường đi đánh Mỹ…”

Những vết thương “bầu bạn” cùng cuộc đời

Chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất, Tổ quốc hòa bình là lúc những người chiến sĩ ấy trở lại với đời sống bình thường. Thế nhưng liệu những vết thương chiến tranh ở họ đã lành hẳn hay chưa? 

Trở về từ sau cuộc chiến, bác Hanh cũng là một trong số hàng ngàn người lính bị ảnh hưởng nặng nề về mặt sức khỏe và tinh thần sau chiến tranh. Chuyển về Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng từ năm 1976 – cũng là năm Trung tâm thành lập, giai đoạn đầu bác Hanh đã rất khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc và hành động của bản thân. Kể đến đây, giọng bác trầm hơn, ánh mắt cũng theo đó mà nhìn xuống chứa đựng biết bao sự day dứt: “Nói thật thì đầu óc nhiều khi cũng chán lắm cháu ạ, nói trước quên sau. Trước đây, lúc còn ở thường xuyên trong này, khi ấy bệnh còn nặng, tinh thần chưa được ổn định, nhiều khi bác cứ quặc rồi đánh người ta thôi. Cứ đến đâu là làm loạn chỗ đó ấy”.

Thông qua lời kể của những điều dưỡng lâu năm tại Trung tâm, chúng tôi cũng biết biểu hiện này không chỉ xuất hiện mỗi ở bác Hanh, mà đây là hành động chung của hầu hết những thương, bệnh binh tại đây. Chia sẻ với chúng tôi, chị Phan Thị Định – điều dưỡng tại đây chia sẻ: “Các bác hầu như rất trầm tính nhưng đôi khi sẽ lên cơn hoảng loạn. Những lúc đó các bác thường đập phá đồ đạc, xé quần xé áo xé chăn, xé rồi quấn vào người. Cũng có những lúc các bác đe dọa nhân viên hoặc kêu la và bảo rằng có tiếng nói đồng đội trong đầu rồi la lên 'Xung phong', 'Tiến lên'”.

anh-ps-3.jpg
Tổn thương sau chiến tranh đã khiến những người chiến sĩ trở nên khép mình hơn. (Ảnh: Linh Trang)

 

Trở lại với cuộc sống, những người chiến sĩ đơn giản cũng là những người chồng, người cha. Thế nhưng, những hậu quả về mặt tinh thần do chiến tranh để lại đã khiến họ không thể làm một người chồng, người cha “trọn vẹn”. Chia sẻ về gia đình, bác Hanh có kể nhà có 4 người con, trong đó có 3 người con gái và 1 người con trai, bản thân là một người chồng – người cha, đương nhiên bác cũng muốn bản thân thực hiện tốt được nghĩa vụ ấy nhưng mọi điều lại không dễ dàng đến vậy: “Những lúc tinh thần không tỉnh táo bác còn đánh vợ, đánh con nữa. Nghĩ lại cũng thấy thương vợ, thương mấy đứa con, khổ…” – những lời bộc bạch ngập ngừng chất chưa biết bao sự áy náy, day dứt cứ thế dần được chia sẻ từ một người lính sau cuộc chiến. 

Trong khi ngồi cùng bác Hanh, một thương binh với bước chân chậm rãi cố đi từng bước thật vững bỗng tiến lại gần chúng tôi. Sau khi chào và hỏi chuyện bác mới biết tên bác là Đoàn Hải – chiến sĩ tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 (cuộc tổng tấn công), thực hiện nhiệm vụ tại Binh đoàn Pháo binh. Khác với bác Hanh có chút nhanh nhẹn và linh hoạt hơn, bác Hải lại khiến chúng tôi quan tâm hơn ở từng cử chỉ bên ngoài: đôi bàn tay điểm đồi mồi run lên mỗi lần cử động và giọng nói trầm ấm nhưng lại chẳng thể linh hoạt được khẩu hình do dây thần kinh bên trong bị ảnh hưởng. Bác chia sẻ rằng bản thân sau khi được địa phương cho đi tập huấn 2 tháng thì đã nhập ngũ vào tháng 2/1975, tham gia chiến đấu được 2 tháng – khi ngày Giải phóng cận kề thì không may bản thân bị thương bởi chính khẩu pháo bản thân phụ trách: “Tôi bị pháo ôm hết cả người, nhưng lại là chấn thương kín, nên giờ hay bị rối loạn lắm”.

anh-ps-4.jpg
Bác Hải thường đến Trung tâm để lấy thuốc về điều trị. (Ảnh: Quỳnh Trang)

 

 

Bác Hanh, bác Hải hay cũng chính là biết bao thế hệ cha anh đi trước, họ đã dâng cả thanh xuân của mình cho đất nước mà chẳng luyến tiếc điều gì. Lên đường với hành trang là lý tưởng cách mạng, họ đã cống hiến hết sức cho quê hương. Qua từng lời kể của những người cựu chiến binh cùng với lời chia sẻ của điều dưỡng, chúng tôi đều cảm nhận được một điểm chung là tất cả lời nói đều ánh lên sự tự hào, niềm kiêu hãnh, tự tôn dân tộc vô cùng mãnh liệt, như cách bác Hải cười rất tươi mà nói rằng: “Tất cả các trận toàn thắng…thắng không còn chỗ để mà bắn nữa mà”. Tuy vậy, người chiến sĩ ấy vẫn thấy tiếc: “Nhưng cũng tự ti lắm vì tham gia kháng chiến thời gian ngắn quá, mới chiến đấu được thời gian ngắn mà đã bị thương rồi nên thấy mình chưa lập được chiến công gì…”.

Vẽ nên bức tranh tương lai mới

Hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi tiếng súng ngừng vang vọng trên dải đất hình chữ S nhưng cho đến hiện tại những hậu quả mà nó để lại vẫn vô cùng nặng nề. Nhưng cách mà những người chiến sĩ ấy lựa chọn ở thời điểm hiện tại lại là kiên cường vượt qua những khó khăn, ám ảnh đó. Chúng tôi nghĩ rằng, hiện tại họ cũng đang chiến đấu. Cuộc chiến này không phải là cuộc chiến với đạn bom, mà đây là cuộc chiến họ cần chiến đấu với chính bản thân mình, chiến đấu với những cơn đau, chiến đấu với chính tổn thương tâm lý của mình.

anh-ps-5.jpg
Căn phòng sinh hoạt cộng đồng chung của các bác Thương binh. (Ảnh: Linh Trang)

 

Nhận thức sâu sắc những mất mát không thể bù đắp ấy, Đảng và Nhà nước đã không ngừng quan tâm, chăm lo cho các cựu chiến binh. Từ chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục cho con em, đến các chương trình cải thiện đời sống như xây nhà tình nghĩa, hỗ trợ các gia đình mẹ Việt Nam anh hùng, tất cả đều nhằm mục tiêu giúp họ ổn định cuộc sống, vượt qua khó khăn. Các trung tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần và chương trình phục hồi chức năng cũng ngày một có thêm nhiều các y bác sĩ giỏi cũng là minh chứng cho nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc chữa lành vết thương chiến tranh.

Bên cạnh đó, các cựu chiến binh cũng ấp ủ mong muốn riêng: không chỉ hòa bình trong cuộc sống, mà còn là khát vọng đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng. Với họ, điều quý giá nhất là không ai quên đi lịch sử, không ai quên đi những người đã làm nên Đất nước. Họ tin rằng có thể nhiều thứ đổi thay theo thời gian nhưng những giá trị cốt lõi của lòng dũng cảm, tinh thần đoàn kết và ý chí vượt khó vẫn sẽ là hành trang quý báu cho bất kỳ ai trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trên cuộc hành trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam chính là lực lượng tiên phong, đi đầu trong chuyến hành trình ấy – một chuyến hành trình rất dài và gian nan. Ngoài kia chúng ta cũng có rất nhiều những chàng trai, cô gái khác, họ cũng nghe theo tiếng gọi của con tim, lựa chọn mang trong mình sứ mệnh cao cả là phục vụ đất nước và nhân dân. Những người lính, những cán bộ, chiến sĩ công an ngoài kia cũng đang góp sức cùng đồng bào chiến đấu với thiên tai, dịch bệnh,… Chúng ta đang sống trong một đất nước hòa bình, không còn khói lửa chiến tranh, không còn mưa bom bão đạn, để có được những thành quả ấy chúng ta đã phải đánh đổi bằng sự hy sinh của biết bao thế hệ anh hùng đi trước. Chính vì thế, cùng với quân thì dân ta cũng hãy luôn ý thức về trách nhiệm của bản thân đối với Tổ quốc, góp công sức của mình vào công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam “Bản lĩnh - văn minh - giàu mạnh”.

Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng đóng trên địa bàn thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam – là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Cục Người có công. Hiện nay Trung tâm đang nuôi dưỡng, điều trị 106 đối tượng của 20 tỉnh, thành phố từ Quảng Ngãi trở ra. Trong đó có: 72 thương binh, bệnh binh nặng hạng đặc biệt, mất sức từ 81% trở lên và 34 đối tượng là hưu trí, viên chức mất sức, thân nhân người có công.

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN