Chút tâm tình của người nghệ nhân Ca trù Cổ Đạm
(Sóng trẻ) - Mặc dù tuổi đã cao nhưng nghệ nhân Nguyễn Thị Hương ở Cổ Đạm, Nghi Xuân, Hà Tĩnh vẫn luôn cố gắng giữ gìn và phát huy vốn văn hoá Ca trù do cha ông để lại.
Người gìn giữ làn điệu Ca trù.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Hương là một trong những số ít người con tại Cổ Đạm đang ngày đêm miệt mài giữ gìn bảo tồn và phát huy làn điệu Ca trù Cổ Đạm. Tính đến nay, bà đã gắn bó với ca trù gần hai thập kỷ.
Cơ duyên đưa nghệ nhân Nguyễn Thị Hương đến với ca trù hết sức đặc biệt: bà đã biết đến ca trù khi nhiều lần được nghe cụ Phan Thị Mơn (một trong những nghệ nhân ca trù đầu tiên của làng) đang tập hát cho các con các cháu. Tuy nhiên, lúc này nghệ nhân Nguyễn Thị hương vẫn chưa có cơ hội để được theo đuổi bộ môn nghệ thuật này. Mãi cho đến khi Cao Thị Phương Anh (con gái bà) bắt đầu theo đuổi ca trù thì bà mới có cơ duyên được luyện tập và bắt đầu theo đuổi con đường này.
Thắp lửa những khát vọng trẻ.
Hiện nay, nghệ nhân Nguyễn Thị Hương đang giữ vai trò là phó Chủ nhiệm CLB Ca trù Cổ Đạm, nghệ nhân Hương cũng chính là người đảm nhiệm vai trò giảng dạy ca trù cho thế hệ trẻ. Qua tâm sự với nghệ nhân Nguyễn Thị Hương, chúng tôi đã hiểu được phần nào cái tâm và cái tầm của những người con xứ Cổ Đạm mong muốn giữ gìn hồn thiêng mà ông bà để lại qua ca trù.
Bà Hương chia sẻ “Ngày nay thế hệ trẻ không còn mấy quan tâm đến ca trù, bởi ca trù rất kén người nghe và cũng khó để tập luyện, nên cũng có rất nhiều bạn trẻ tìm tới học nhưng cũng nhanh bỏ cuộc.” Nhưng cũng chính vì những trăn trở suy nghĩ ấy đã tiếp thêm động lực để nghệ nhân Nguyễn Thị Hương theo đuổi trên con đường truyền dạy bộ môn nghệ thuật Ca trù Cổ Đạm này.
Hiện tại, bà đang đào tạo 14 em ở huyện Nghi Xuân, các em đều là những người có tài năng và đam mê với bộ môn này. Mỗi tuần bà thường cùng các em luyện tập 3 buổi. Không chỉ dừng lại ở đó mỗi buổi dạy, bà luôn cố gắng để mua dụng cụ học hát và mua nước uống cho mọi người bất kể nắng mưa. Bà chia sẻ “Dì có một mong muốn đó chính là có thể truyền dạy đến cho thế hệ trẻ tất cả những gì dì có thể để ca trù mãi mãi không bị mai một mà nó sẽ càng được mở rộng và phát triển bền vững theo thời gian” .
Nghệ nhân Nguyễn Thị Hương cho biết, trong những lần truyền dạy, bà còn tranh thủ trò chuyện, tuyên truyền khơi gợi được nhận thức, lòng tự hào trong các em học sinh tham gia lớp học, về cái đẹp, cái chân thiện mỹ, phong tục, bản sắc văn hóa của ca trù để bảo tồn; cũng như việc phát huy giá trị bản sắc của ca trù Cổ Đạm trong đời sống. Từ đó, các em sẽ thấy được cái hay, cái lợi từ tiềm năng sẵn có để nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân tham gia giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hoá tốt đẹp của dân tộc.
Tuy đã đến tuổi xế chiều nhưng những người như nghệ nhân Nguyễn Thị Hương vẫn luôn hết lòng theo đuổi đam mê ca trù của chính mình. Với họ ca trù là một phần không thể thiếu. Dù ở bất cứ nơi đâu, nhưng những người con sinh ra nơi vùng đất Cổ Đạm đầy nắng gió này vẫn luôn cố gắng để gìn giữ những làn điệu mượt mà, sâu lắng của ca trù, để tiếng hát ca trù vẫn mãi được cất lên, vẫn êm đềm và tồn tại bền bỉ với thời gian.