Cổ tích giữa đời thường

(Sóng trẻ) - Hình ảnh người vợ với đôi chân khuyết tật tần tảo dậm máy khâu sửa quần áo, nói cười bên người chồng đồng cảnh đã trở nên quen thuộc với người dân sinh sống tại con phố Hạ Đình, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Mái ấm hạnh phúc này được dựng xây và yêu thương bởi một người phụ nữ đặc biệt – chị là nạn nhân chất độc màu da cam!

Chị Nguyễn Thị Loan là nạn nhân thế hệ thứ ba trong gia đình có di chứng chất độc màu da cam sau cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nếu ví cuộc sống này như một bản nhạc thì cuộc đời chị Loan chính là một nốt trầm trong bản nhạc đầy biến động với đôi chân teo tóp dị tật, không thể đi lại bình thường ngay từ khi mới chào đời. 

Nghĩ về những ngày tháng thơ ấu sống tại quê nhà ở Hòa Bình, trong sự thiếu cảm thông của bạn bè đồng trang lứa, chị Loan không giấu khỏi xúc động, đôi mắt đẫm lệ nhìn ra xa xăm: “ Mình đã từng nghĩ đến cái chết. Nhưng nghĩ về công mẹ chăm lo, mình lại cố gắng sống tiếp. Quãng thời gian đó vô cùng khó khăn với mình”.

4f7c9a2e7_anh_1_1.jpg
Chị Loan tìm thấy niềm tin yêu cuộc sống từ người mẹ hiền

Ngỡ ngàng khi biết rằng, chị Loan đã trải qua không dưới  mười lần phẫu thuật với hai năm dài đằng đẵng chuyển hết bệnh viện này đến bệnh viện khác bằng mấy trăm ngàn đồng trợ cấp ít ỏi từ địa phương và các tổ chức xã hội. Lần phẫu thuật đầu tiên không thành công đã khiến chị buộc phải cắt bỏ đôi bàn chân phải vì hoại tử. Ước mong có thể đi lại bình thường với đôi chân lành lặn đã tan biến. Chị phải đeo bên mình bàn chân giả khô cứng vô chi vô giác và vẫn hành hạ chị những lúc trái gió trở trời. 

Những tưởng rằng cuộc đời chị sẽ chỉ là một màu xám với bệnh tật, thuốc thang thì anh Quỳnh đã đến bên chị, mang lại những tia nắng tình yêu ấm áp sưởi ấm cuộc đời vốn chỉ toàn niềm đau và nỗi buồn. 
Anh và chị quen nhau trong lần thứ ba chị Loan nằm viện phẫu thuật. Thật bất ngờ và cảm động làm sao khi anh Quỳnh chồng chị hiện giờ cũng là nạn nhân chất độc màu da cam di truyền từ người mẹ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Anh có đôi chân dị tật không thể đi lại từ khi sinh ra. May mắn hơn chị Loan, sau chương trình phẫn thuật tài trợ, anh có thể di chuyển chậm.   

Sự đồng cảm và thấu hiểu đã khiến chị tin tưởng, quyết tâm gắn bó cuộc đời mình với chàng trai người Thanh Hóa ấy, dẫu rằng nhìn trước được nhiều chông gai, khi mà cả hai anh chị đều không có nguồn thu nhập ổn định.


Sau ba năm cùng nhau trải qua các cuộc phẫu thuật, năm 2004 anh chị thuê một căn nhà tại Hà Nội, cùng sống và mưu sinh. Anh học nghề sửa chữa điện máy, chị học nghề may vá quần áo. Thêm tiền trợ cấp một triệu đồng hàng tháng, suốt mười năm qua, chị Loan co kéo, vun vén chu toàn trang trải cuộc sống sinh hoạt vốn khốn khó. 

Anh Quỳnh vừa sửa chiếc ti vi cũ, vừa nhìn vợ âu yếm, kể lại chuyện tình đầy chông gai của anh chị: “Khi biết hai đứa yêu nhau, hai bên gia đình đều ngăn cản và bảo, người lành lấy nhau còn khó huống hồ hai đứa dị tật. Lúc ấy mình buồn lắm nhưng càng có thêm quyết tâm lấy Loan làm vợ. Những ngày đầu lấy nhau về, cơm chỉ có rau với canh, mình thương vợ vô cùng”.

Có lẽ niềm hạnh phúc và quyết tâm lớn nhất giúp anh chị vượt qua mọi chông gai, tìm được niềm vui và lí tưởng sống chính là cậu con trai hoàn toàn lành lặn, kháu khỉnh tên là Văn Lâm, năm nay tròn mười tuổi. “Giây phút Lâm chào đời, mình ngóc đầu dậy hỏi ngay bác sĩ: “Con em có bị làm sao không ?” Khi bác sĩ lắc đầu cười, mình cảm thấy không có điều gì hạnh phúc hơn” – Chị Loan xúc động kể.

Căn nhà thuê trọ chỉ vẻn vẹn 20 mét vuông tại con phố Hạ Đình với đồ đạc sửa chữa đã choán hết cả không gian, lúc nào cũng đầm ấm. Niềm hạnh phúc của người phụ nữ già hơn cái tuổi 31 này chính là những giờ phút được chăm bẵm mái ấm bé nhỏ, làm bạn cùng đứa con trai vốn thiệt thòi hơn bạn bè đồng trang lứa.

4f7c9a2e7_anh3.jpg
Cậu con trai thông minh, khỏe mạnh là điểm tựa cho cuộc sống nhiều chông gai của đôi vợ chồng khuyết tật

Một người phụ nữ tưởng rằng cuộc đời mình sẽ là con số không với đôi chân dị tật, một chàng trai đã mất đi niềm lạc quan sống khi mang trong mình chất độc màu da cam. Ấy vậy mà họ đã tìm được nhau giữa muôn trùng bể khổ,cùng sống và lặn lội giữa cuộc đời chông gai. Anh Đức Hạ - người bạn lâu năm của vợ chồng anh chị Quỳnh Loan tâm sự: “Mặc dù có hoàn cảnh khó khăn nhưng hai vợ chồng lúc nào cũng nghĩ đến anh em, bạn bè. Mình đã học được rất nhiều thứ từ sự nghị lực ấy”.

Trong câu chuyện vui sau bữa cơm gia đình, chị Loam hóm hỉnh kể: “Có lần chân giả bị rơi ra, mẻ mất một miếng nhựa, gia đình lại không có tiền đi đóng lại, hai vợ chồng chị và Lâm ngồi bọc vải, dùng kim chỉ tự khâu tự gắn”. Cuộc sống cứ hối hả trôi, chị Loan với những nỗi đau chiến tranh hằn gắn trên thân thể và những lo toan mưu sinh cuộc sống thường nhật vẫn nhận mình là người may mắn. Chị may mắn vì còn có gia đình để yêu thương như một mục đích sống làm điểm tựa còn tôi cảm thấy may mắn khi được gặp chị và được lắng nghe một câu chuyện cổ tích giữa đời thường.

Hà Thanh Thư
Truyền hình K32A1





Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN