Cuộc sống phía sau song sắt của những Đồng song chính trị
(Sóng trẻ) - Phía sau song sắt của Nhà tù Hoả Lò, đã từng có một thế hệ thanh niên dũng cảm đấu tranh, rèn luyện bản lĩnh dẫu bị tù đày. Sự kìm kẹp và hà khắc của chế độ thực dân không thể làm lu mờ ý chí của lớp lớp thanh niên “đẹp hơn hoa hồng, cứng hơn sắt thép” tại nơi đây.
Tù nhân chính trị và cuộc sống “địa ngục trần gian”
Cũng giống như các hệ thống nhà tù được thực dân Pháp xây dựng tại Việt Nam, Nhà tù Hoả Lò là nơi để giam giữ những tù nhân chính trị với chế độ vô cùng hà khắc, nhằm giết dần giết mòn ý chí của họ. Chúng thực hiện tra tấn những đồng chí cách mạng cả về thể xác lẫn tinh thần một cách dã man. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh bị tù đày, nỗi đau thể về xác lại trở thành chất xác túc hun đúc lên tình thần buất khuất nơi mỗi người chiến sĩ.
Trong thời gian bị giam giữ tại nhà tù Hoả Lò, các tù nhân chính trị phải đối mặt với điều kiện sinh hoạt sống thiếu thốn đủ đường. Bữa ăn của tù nhân tại nhà tù Hoả Lò thường được chế biến từ những nguyên liệu kém chất lượng hoặc thậm chí ôi thiu. Mỗi năm, dù cho vào mùa nóng hay mùa lạnh, tù nhân chính trị chỉ được cấp phát 2 bộ quần áo mỏng và 1 chiếc chăn chiên.
Chính vì bị giam cầm trong một chế độ hà khắc, thiếu thốn và môi trường sinh hoạt mất vệ sinh, nhiều tù nhân đã mắc phải các dịch bệnh truyền nhiễm dẫn đến thiệt mạng trước thời gian mãn hạn tù. Chỉ trong vòng 1 năm từ 30/6/1920 đến 30/6/1922 đã có 83 tù nhân chính trị tử vong vì các vấn đề liên quan đến sức khoẻ.
Sau khi được nghe thuyết minh về điều kiện sống của những tù nhân chính trị tại nhà tù Hỏa Lò, Davina (du khách nước ngoài) không giấu nổi sự kinh hãi của mình. Cô chia sẻ: “Những người tù chính trị Hỏa Lò bị tra tấn vô cùng dã man, phải sống trong điều kiện môi trường khó khăn. Tôi không thể tưởng tượng được bản thân sẽ ra sao nếu phải sống trong môi trường khắc nghiệt đến vậy”.
Đi qua khu biệt giam của các tù nhân nam sẽ đến khu nhà giam của các nữ tù nhân chính trị. Các chị tuy phải sống trong hoàn cảnh bị giam hãm nhưng vẫn luôn đùm bọc và yêu thương nhau. Nhiều người vì không có người nhà săn sóc con nhỏ nên con phải theo mẹ vào tù. Cuộc sống của người lớn đã khổ, đối với trẻ con lại khó khăn bội phần. Các em nhỏ không có phần ăn riêng, đồ ăn do người lớn san sẻ; nhiều em vì thiếu thốn mà đứng trước lằn ranh của sự sống và cái chết.
Debbie (du khách nước ngoài) cho biết: “Tôi vô cùng xúc động khi được nghe câu chuyện về những người nữ tù chính trị tại Nhà tù Hỏa Lò. Họ vừa phải chăm con trong tù, vừa giúp đỡ nhau trị thương sau những trận hành hạ của kẻ thù, vừa bí mật hoạt động cách mạng. Đều là những nhiệm vụ rất khó nhưng họ đều thực hiện tốt dù hoàn cảnh có gian khổ đến đâu. Người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh thật sự quá vĩ đại”.
Ý chí cách mạng luôn sục sôi
Dù phải sống và sinh hoạt trong điều kiện khó khăn, những người tù chính trị tại nhà tù Hỏa Lò vẫn không quên đi nhiệm vụ cao cả hàng đầu của mình. Đó chính là sinh hoạt chính trị, tiếp tục hoạt động cách mạng phía sau song sắt.
Trong những năm 1940 - 1945, tại các trại giam trong nhà tù Hỏa Lò, các lớp chính trị được tổ chức tương đối rầm rộ. Tù nhân cùng giúp đỡ nhau học tập Nghị quyết, Chương trình, Điều lệ Việt Minh… Người đã hiểu rõ dạy chưa người chưa hiểu, sau đó lại tiếp tục tới các tù nhân khác. Cứ lần lượt như vậy, lý luận chính trị được tuyên truyền rộng rãi, giúp mọi tù nhân đều được nâng cao hiểu biết và nâng cao trình độ.
Để có tài liệu giảng dạy và học tập, tù nhân chính trị phải chui xuống gầm sàn, cúi gập người xuống hoặc nằm sấp người để biên soạn tài liệu. Sau khi đã biên soạn xong, những người chiến sĩ yêu nước tìm cách giấu tài liệu ở khắp mọi nơi. Một trong những cách phổ biến nhất trong nhà tù lúc bấy giờ là đục tường, rút gạch ra sau đó nhét tài liệu vào trong khe tường được hình thành, rồi lại để viên gạch vào vị trí cũ.
Ngoài ra, người tù chính trị còn tận dụng thùng chứa chất thải trong mỗi trại giam để cất giấu tài liệu. Tài liệu được gấp gọn, buộc chặt trong một túi ni - lông. Túi tài liệu sau đó được thả vào trong thùng chứa chất thải. Những túi tài liệu chỉ được những người tù lấy ra khỏi thùng chứa chất thải khi cần sử dụng cho việc giảng dạy và học tập chính trị trong tù.
Trước sự canh gác gắt gao của giám thị và quân đội thực dân Pháp, những người tù yêu nước phải tìm mọi cách che giấu hoạt động sinh hoạt chính trị của mình. Bởi nếu bị phát hiện, hình phạt dành cho các tù nhân tham gia hoạt động tuyên truyền tư tưởng chống Pháp sẽ vô cùng tàn bạo. Người tù vi phạm nội quy nhà tù có thể bị bắt đi tra tấn, sau đó bị nhốt vào Cachot - phòng biệt giam của Hỏa Lò. Điều kiện sống trong đây khắc nghiệt hơn rất nhiều so với ở buồng giam, vì người tù phải làm mọi sinh hoạt trong một không gian chật hẹp và tối tăm.
Russ (du khách nước ngoài) là một người đam mê các giá trị lịch sử, đã bày tỏ niềm thán phục của mình trước sự gan trường của những người tù chính trị Việt Nam. Russ chia sẻ: “Tôi cảm nhận được tinh thần chiến đấu mãnh liệt của những người tù chính trị Việt Nam khi bị giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò, qua những hình ảnh về họ được tái hiện tại di tích. Họ không chỉ giữ vững được tinh thần đấu tranh vì Tổ quốc của mình, mà còn tuyên truyền lý tưởng cao đẹp ấy cho các tù nhân khác. Những người tù bị hành hạ thật kinh khủng, nhưng họ vẫn không phản bội Tổ quốc, một lòng trung thành. Tôi ngưỡng mộ ý chí sắt đá của họ vô cùng”.
Mặc cho hình phạt gây nên nỗi đau lớn về thể xác, nhưng ý chí quyết tâm đấu tranh của những người tù yêu nước không hề bị phai mờ đi. Phong trào cách mạng sôi nổi vẫn tiếp diễn, không chỉ được duy trì trong nhà tù mà còn được truyền bá ra ngoài song sắt, đến được với những người chiến sĩ cách mạng vẫn ngày đêm chiến đấu ngoài kia.