Đảm bảo tính xác thực trên truyền hình
(Sóng Trẻ) - Tính chất nhanh chóng của thông tin truyền hình là ưu điểm của phương tiện thông tin đại chúng này. Nhưng ưu điểm đó sẽ không có giá trị nếu không đảm bảo được tính xác thực của từng thông tin.
Dẫn nguồn tin gốc
Trong những chương trình truyền hình, đặc biệt là chương trình tin tức - nguồn tin gốc luôn có giá trị quan trọng. Căn cứ vào đó khán giả sẽ suy xét về chất lượng của thông tin, đồng thời khẳng định sự uy tín của chương trình tin tức.
Tính xác thực của thông tin được dẫn ra thông qua các con số và các dữ kiện cụ thể. Tính chất khách quan cao nhất được đảm bảo nhờ số lượng các nguồn tin được dẫn. Cần phải thông báo trên truyền hình, nếu trước thời điểm quay nội dung câu chuyện về một sự kiện nào đó đã quá một ngày kể từ khi xảy ra sự việc hoặc cũng từng ấy thời gian qua đi kể từ khi quay cảnh sự kiện đến thời điểm phát sóng.
Thông tin đưa trên chương trình thời sự (nguồn: vtv.vn)
Kiểm tra lại thông tin
Thông tin đưa lên truyền hình, cũng như những nội dung tin tức được phát lại hoặc được ghi từ trước khi phát sóng cũng cần được kiểm tra thêm, để có thể khẳng định rõ hơn về độ chính xác của thông tin và để chắc chắn rằng những thông tin ấy vẫn duy trì được tính thời sự trong điều kiện đã có những bối cảnh thay đổi.
Thời gian qua, việc truyền hình đưa tin thiếu xác thực, không có sự kiểm tra lại các thông tin như “Ăn bưởi có nguy cơ gây ung thư vú ở phụ nữ”(năm 2008), việc sử dụng axit tẩy trắng trứng gà công nghiệp thành gà ta, hay trong thịt lợn có chất tạo nạc (năm 2009)… gây tâm lí e sợ cho người tiêu dùng, khiến đời sống của hàng triệu nông dân điêu đứng. Điều này một lần nữa đã khẳng định tính xác thực trong truyền hình là yếu tố vô cùng quan trọng.
Thận trọng với các tin đồn
Việc lựa chọn thông tin đưa lên truyền hình cần phải tránh các thông tin không mong muốn, phải thận trọng với các tin đồn. Khi thông báo tin đồn, đài truyền hình đưa thông tin đến với đông đảo khán giả. Nhưng nếu không nói gì đến những tin đồn ấy thì đài truyền hình có nguy cơ để mất sự tin cậy của một bộ phận khán giả tin rằng việc che giấu thông tin nói lên giá trị đặc biệt của thông tin. Phương pháp tốt nhất để xua đi tin đồn là để các chuyên gia hoặc các nhân vật có thẩm quyền lên tiếng, và lời cải chính phải lưu ý đến tâm lí tiếp nhận để không dẫn đến kết quả ngược lại.
Thêm vào đó, khi đưa thông tin, nhà báo phải tách biệt rõ ràng các sự việc với các ý kiến trong chương trình tin tức. Lập trường của nhà báo là thông tin các sự kiện một cách có lựa chọn, đầy đủ và có trình tự. Thẩm mĩ học của thông tin, đó là “ngôn ngữ” của chính sự kiện chứ không phải ngôn ngữ trong phần giải thích của nhà báo.
Không sử dụng phương pháp dàn dựng
Truyền hình không cho phép sử dụng phương pháp dàn dựng, đặc biệt là trong các chuyên mục tin tức thời sự, trong các cuộc phỏng vấn… Không được để cho khán giả có sự hoài nghi hoặc quan niệm sai lệch về tính chất của những thông tin trên truyền hình. Khán giả truyền hình không cần đến sự thông tin “độc lập”. Họ chờ đợi một sự thông tin khách quan, đầy đủ, đảm bảo được nhu cầu thông tin mà họ cần tiếp nhận.
Đỗ Thị Bích Việt
Truyền hình K31A1
Cùng chuyên mục
Bình luận