Đặng Văn Hậu: Người nghệ nhân trẻ tiếp lửa cho tò he truyền thống
(Sóng Trẻ) - Nhắc đến tò he, chắc hẳn thế hệ 8x, 9x vẫn còn thấy bồi hồi vì tuổi ấu thơ gắn liền với thứ đồ chơi bằng bột, đầy sắc màu và thơm lừng mùi nếp. Dù có lẽ tò he giờ đây chỉ còn là một hình ảnh mờ nhạt; nhưng đối với nhiều người, những hình thù bằng nếp ấy vẫn là cả bao nhiêu kỉ niệm, bao hương vị và tiếng cười ngày thơ ấu.
Thấy tò he đang hấp hối, thấy món quà quê giản dị mang đậm hồn cốt Việt Nam đang dần chìm giữa phố phường đô thị mà chạnh lòng. Tôi xách balo lên và đi một chuyến tìm về ngày cũ, tìm về những chiếc que cắm hình thù giản dị hôm nào.
May mắn, tôi tìm được anh Đặng Văn Hậu, một nghệ nhân xuất thân từ làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Trò chuyện với anh, tôi thấy được hy vọng, sáng lên niềm tin vào món quà quê ấy sẽ không rơi vào quên lãng dù cả thế giới đang thay đổi từng ngày.
Anh Hậu xuất hiện trong một không gian khá đặc biệt, một góc nhỏ tại nhà hàng với các món Việt Nam trong khu ẩm thực của Royal City nằm trên đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. Mặc chiếc áo nâu truyền thống, cả anh và những chiếc tò he trở nên đặc biệt trong không gian hiện đại.
Anh sinh năm 1985, là một người con xuất thân từ làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Anh theo chân ông nại đi nặn tò he từ những năm 2001, đến nay đã ngót nghét gần 15 năm.
Anh cho biết, trong làng giờ vẫn còn những hộ dân theo nghề tò he, dù cũng có không ít người bỏ sang làm nghề khác, nhưng những người trẻ, những người tầm tuổi như anh thì không còn nhiều. Lí do mà anh gắn bó với tò he lâu đến vậy cũng bởi một phần sở thích ngày nhỏ, phần còn lại nhờ sự chỉ dạy tận tình của ông nại. Chẳng biết từ lúc nào, tò he đã trở thành một phần cuộc sống của anh.
Ròng rã suốt chục năm trời, đối với anh, khó khăn, vất vả thì cũng nhiều. Nhất là khi UBND TP. Hà Nội ra quyết định về quản lý hoạt động bán hàng rong cũng đã khiến anh lao đao không ít. Cho đến hiện tại, anh chỉ bán ở Hà Nội vào hai ngày cuối tuần từ 9h30 sáng đến 10h đêm trên Royal City, các ngày thường còn lại anh ở nhà làm tò he và dạy học sinh, truyền nghề cho chúng.
Bên cạnh niềm vui làm và bán những con giống bằng bột, anh cũng yêu thích công việc “đứng lớp”, khi được các phụ huynh, trường lớp mời về dạy cho các em học sinh. “Có những lúc mà người ta mời mình, (mình) làm không xuể. Phải gọi mấy đứa cháu lên đi cùng, dạy cùng.” – Anh Hậu chia sẻ.
Cuối tuần là khi anh rời khỏi Hà Nội về lại căn nhà nhỏ tại làng Xuân La. Sáng anh nặn thêm tò he, tới chiều khi các cháu anh đến thì lại kèm cặp chỉ dạy cho chúng cái nghề, rồi lại cho nghỉ để cơm nước, học bài. Xong xuôi đến tối các cháu lại rủ nhau đến nhà anh nặn tò he đến 9 rưỡi, 10 giờ mới xong.
Anh chia sẻ: “Ở nhà mình cũng dạy thêm cho mấy đứa cháu, mà không dạy theo kiểu truyền thống. Như là hôm đầu tiên cho bọn nhỏ làm quen với bột, nặn các hình khối cơ bản. Hôm sau bắt đầu dạy nặn các hình đơn giản như con lợn, con gà. Nặn dần rồi thành quen, mình tính tiền theo sản phẩm luôn. Như thế bọn nhỏ có động lực hơn. Đi học về, nài thời cơm nước học bài thì ngồi nặn tò he, bớt chơi bời mà lại có tiền tiêu vặt.”
“Mình dạy cho bọn nhỏ, vừa là giữ được truyền thống dân tộc, vừa là giúp chúng nó sau có cái nghề, có thế nào thì cũng mang ra mà kiếm sống được.”
Đặng Thị Tuyết Nhung (trái) và Đặng Thị Trâm (phải) đều cùng sinh năm 1999 và gọi anh Hậu là chú. Nhung đã theo học nặn tò he được khoảng 2 năm, trong khi Trâm mới theo nghề được nửa năm. Cả hai đều được bố mẹ ủng hộ khi cùng chú giữ nghề.
“Ban đầu thì cũng khó, vì chưa quen tay nhưng khi nặn được rồi thì thấy vui lắm ạ, nó cũng dễ hơn không khó cho lắm. Bạn bè biết em nặn tò he thì cũng không trêu, hay cười gì cả mà ngược lại còn thấy thích thú.”
Không chỉ truyền nghề lại cho thế hệ sau, anh Hậu còn có những sáng tạo, những kế hoạch cụ thể phát triển nghề tò he truyền thống. Năm 2009, anh đã tìm ra phương thức chống mốc cho bột nặn tò he, giúp tò he sau này ngày càng bền hơn, giữ được lâu hơn. Cô gái mặc áo dài đỏ là chiếc tò he đã được hơn một năm trời, thậm chí có phần còn bị chuột gặm… nhưng vẫn giữ được hình dạng và màu sắc như mới.
Anh cũng dự định đưa tò he vào làm công cụ giảng dạy cho trẻ nhỏ. “Mình nặn những nhân vật trong truyện rồi cô giáo lấy đấy kể chuyện cho học sinh nghe, rồi chuyển lại cho học sinh tự kể chuyện, tự sáng tạo những câu chuyện cho nhau.” Đã có cô giáo đặt anh làm hình những quả nn quen thuộc. Thậm chí, trẻ con nhìn thấy quả lại tưởng thật, cắn một cái in cả dấu răng lên chiếc tò he.
Đối với anh, những bằng khen vì những gì anh đóng góp cho nghề tò he truyền thống là thứ mà anh cảm thấy tự hào. Biết là vẫn còn nhiều khó khăn, anh vẫn quyết định sẽ tiếp tục mở “lớp” dạy tò he tại nhà cho thêm vài đứa trẻ, truyền lửa cho chúng như ông nại anh đã từng.
Trần Công Tâm
Báo mạng điện tử K33
Cùng chuyên mục
Bình luận