Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nghệ thuật tạo hình đặc sắc
(Sóng trẻ) - Nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Bác Hồ (19/5/1890 - 19/5/2025), triển lãm chuyên đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nghệ thuật tạo hình” đã diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Ba Đình, Hà Nội) từ ngày 16/5 đến 30/5/2025.
Triển lãm trưng bày 60 tác phẩm tiêu biểu về Bác Hồ với đa dạng chất liệu như sơn dầu, khắc gỗ, sơn mài, than đá, tranh thêu, tranh trổ giấy, tượng, bột màu… và được chọn lọc kỹ lưỡng từ các họa sĩ, nhà điêu khắc, nghệ nhân trong nước và quốc tế. Một số tác phẩm nổi bật có thể kể đến như “Cậu Coong học khai tâm” (Nguyễn Văn Giáo), Bác Hồ đọc Tuyên ngôn (Nguyễn Dương), Bác Hồ với nông dân (Vũ Văn Thơ), Mùa xuân Bác về Pác Bó (Dương Tuấn)...
Từ hình ảnh thời niên thiếu, những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, cho đến khi vị lãnh tụ giản dị giữa vòng tay nhân dân - hành trình cách mạng của Bác được tái hiện sinh động bằng ngôn ngữ tạo hình đầy xúc cảm. Bạn Hoài Thu (22 tuổi, Đống Đa) chia sẻ: “Triển lãm là cơ hội để mình tìm hiểu thêm về Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau. Mỗi tác phẩm tại triển lãm đều mang theo một câu chuyện, một giai đoạn trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người”.
Chia sẻ về mục đích của triển lãm, chị Lan Anh - nhân viên của bảo tàng cho biết: “Triển lãm là một sự kiện thiết thực của bảo tàng nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông qua các tác phẩm, triển lãm sẽ góp phần giới thiệu hành trình hoạt động cách mạng của Người tới công chúng”.
Một điểm nhấn của triển lãm là mảng đề tài “Bác Hồ ở chiến khu”, tập hợp nhiều tác phẩm của các nghệ sĩ đã từng sống và làm việc với Bác trong những năm tháng kháng chiến. Những bức tranh, tượng, phù điêu ghi lại hình ảnh Bác làm việc trong lán nhỏ, trò chuyện với chiến sĩ hay đi kiểm tra sản xuất cùng đồng bào, thể hiện đầy chân thực những khoảnh khắc đời thường giản dị, gần gũi của Người.
Sự gần gũi và gắn bó giữa nhân dân với Bác là cảm hứng chủ đạo cho các tác phẩm ra đời: “Bác Hồ với nữ chiến sĩ thi đua miền Bắc” (Vương Trình), “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng” (Nguyễn Đăng Khiêm), “Bác Hồ với bộ đội ở Mộc Châu” (Nguyễn Văn Giáo)... Ngoài ra, nhiều hoạ sĩ lựa chọn quê hương hay nơi Bác Hồ sinh hoạt, làm việc để làm đề tài cho tác phẩm của mình.
Tác phẩm “Chủ tịch Hồ Chí Minh 1890 - 1969” bằng thạch cao đã để lại ấn tượng sâu sắc với bạn Đức Anh (25 tuổi): “Theo mình, mỗi tác phẩm chân dung về Bác đều có một nét riêng, nhưng ở tác phẩm này, hình ảnh Bác hiện lên chất phác, mộc mạc, thanh cao. Các đường nét không cầu kỳ mà vẫn toát lên phong thái của vị lãnh tụ đáng kính”.
Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những người sáng tác nghệ thuật dù là trong âm nhạc, thơ ca hay hội hoạ. Triển lãm chuyên đề lần này không chỉ là dịp tri ân, tưởng nhớ Người mà còn góp phần lan toả những giá trị đạo đức, tư tưởng lớn mà Bác để lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau.