Hàng thùng: Cuộc chơi hai mặt của thời trang giá rẻ
(Sóng trẻ) - Những năm gần đây, hàng si (hàng thùng) trở thành lựa chọn phổ biến nhờ giá rẻ và mẫu mã đa dạng. Tuy nhiên, mặt hàng này cũng tồn tại không ít rủi ro, cần phải cân nhắc về vấn đề chất lượng và vệ sinh.
Lựa chọn độc đáo và vừa túi tiền

Với mức giá phải chăng, mẫu mã đa dạng và nhiều món đồ độc lạ, hàng si đang trở thành lựa chọn quen thuộc của các bạn sinh viên. Theo những người kinh doanh lâu năm, hàng si có giá mềm vì được nhập theo kiện lớn, không tốn chi phí sản xuất hay quảng cáo như hàng mới. Phần lớn là đồ tồn kho hoặc đã qua sử dụng từ các nước phát triển nhưng vẫn còn mới, chất lượng tốt và có sự độc đáo, ít có món thứ hai tương tự khiến nhiều người cảm thấy thích thú khi săn tìm.
Anh Nguyễn Nam (36 tuổi, Hải Dương) với 10 năm kinh doanh hàng thùng, anh cho biết: “Các kiện hàng được phân loại rõ ràng theo từng loại quần áo, giày dép, túi xách… Mẫu mã và giá cả cũng rất đa dạng, phù hợp với nhiều lựa chọn của người mua".
Theo anh Nam, đối tượng khách hàng chính gồm sinh viên, cư dân quanh khu vực kinh doanh và cả khách mua online. “Tâm lý của người mua hàng si thường không chỉ vì giá rẻ mà còn là cảm giác tò mò, thích thú khi khám phá từng món đồ mới lạ”, anh chia sẻ thêm.

Nhờ mức giá phải chăng cùng kiểu dáng đa dạng, hàng thùng là lựa chọn thu hút với sinh viên. Bạn Nguyễn Thị Trang (19 tuổi, sinh viên Đại học Thăng Long) chia sẻ: “Mình thích cảm giác tự tay lựa những món đồ độc lạ, khó đụng hàng và với mức giá hợp lý. Mỗi lần tìm được món ưng ý, mình cảm thấy rất vui vì dù là đồ cũ nhưng lại mới với mình”.
Không chỉ vì sở thích cá nhân, nhiều sinh viên còn xem đồ si là một giải pháp tiết kiệm. Phương Thảo (19 tuổi, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương) chia sẻ: “Hiện tại mình đang học sư phạm nhưng không thuộc diện hỗ trợ theo Nghị định 116 nên học phí khá cao. Vì thế, lựa chọn đồ si là một phương án hợp lý khi có mẫu mã đa dạng, vừa túi tiền và đôi khi chất lượng không thua kém hàng mới”.
Rủi ro tiềm ẩn của đồ si
Bên cạnh mức giá rẻ, hàng thùng tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn vệ sinh vì đa số quần áo chưa được giặt kỹ. Nếu không được xử lý sạch sẽ trước khi mặc, người dùng dễ đối mặt với các vấn đề sức khỏe như viêm da tiếp xúc, dị ứng, nổi mẩn, nhiễm nấm da hoặc mắc các bệnh truyền nhiễm qua da. Đây là điều cần cẩn trọng, đặc biệt với người có làn da nhạy cảm và hệ miễn dịch yếu.
Bạn Trang chia sẻ thêm: “Mỗi lần đi chọn đồ ở chợ đồ cũ, mình luôn đeo khẩu trang để tránh hít phải bụi vải. Sau khi mua về, mình sẽ giặt tay, phơi nắng khoảng 2–3 tiếng rồi ủi lại để đảm bảo quần áo được sạch sẽ nhất có thể".

Chị Kim Hảo (người bán hàng si tại Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, việc nhập hàng theo kiện luôn tiềm ẩn rủi ro bởi không thể kiểm tra từng sản phẩm trước khi mua. “Tôi lấy theo kiện hàng nên không tránh được lỗi, chỉ là ít hay nhiều. Đến khi khui kiện mới biết được tình trạng thực tế của hàng” chị cho biết.
Chị Hảo chia sẻ thêm về cách xử lý những món đồ lỗi trong quá trình bán hàng: “Đồ si thường gặp một số lỗi như: rách, phai màu, hỏng khóa… Với những món chỉ bị lỗi nhẹ, tôi thường sẽ giữ lại và bán với giá rẻ hơn nếu khách vẫn muốn mua. Còn đồ hư hỏng nặng thì tôi bỏ luôn, không bày bán”.
Từ góc nhìn người mua, chị Diệu Hồng (38 tuổi, trú tại Long Biên) vẫn sẵn sàng chọn đồ si nếu phù hợp phong cách, dù có vài lỗi nhỏ: “Tôi vẫn mua nếu món đó hợp gu, lỗi như hỏng cúc, hỏng khóa hay bục chỉ thì có thể khắc phục được”. Tuy nhiên, chị cũng lưu ý thêm: “Chi phí sửa chữa là điều cần tính đến. Thường thì tôi sẽ mặc cả giá trước để trừ hao chi phí sửa, tránh mất công mà còn bị thiệt”.

Hàng thùng đang dần trở thành lựa chọn thể hiện gu thẩm mỹ và phong cách tiêu dùng của nhiều người. Nếu được chọn lọc kỹ càng và hợp lý, đây có thể là một hình thức mua sắm tiết kiệm. Tuy nhiên, việc thiếu cân nhắc khi mua, chọn đồ không phù hợp hoặc chất lượng kém, khiến nhiều món đồ không được sử dụng, có thể dẫn đến lãng phí.