Chợ đen thuốc mê online và những chiêu trò lách luật
(Sóng trẻ) - Với vài thao tác đơn giản trên mạng xã hội, người dùng có thể dễ dàng tiếp cận các loại thuốc mê, bất chấp mặt hàng này thuộc danh mục kiểm soát nghiêm ngặt. Đằng sau những lời quảng cáo hoa mỹ, một thị trường ngầm các giao dịch phi pháp diễn ra sôi nổi, tinh vi và ngày càng khó kiểm soát.
Sôi nổi khắp chợ mạng
Mỗi ngày, có không biết bao nhiêu giao dịch trái phép được thực hiện trên không gian mạng. Chỉ cần một cú click chuột, hàng loạt các nhóm, trang cá nhân với những dòng quảng cáo mua bán thuốc mê xuất hiện. Từ những bài viết công khai đến các hội nhóm kín, những thông tin này được chia sẻ chóng mặt, thu hút sự quan tâm của cả người mua lẫn người bán.
Đáng chú ý, theo ghi nhận của PV, chỉ cần gõ từ khóa “thuốc mê” trên thanh tìm kiếm Facebook, có thể dễ dàng tìm thấy hơn 100 hội nhóm buôn bán trái phép loại thuốc này. Nhiều nhóm trong số đó có hàng nghìn thành viên tham gia, trao đổi mua bán một cách công khai. Điều này cho thấy mức độ phổ biến và dễ tiếp cận của loại hàng đặc biệt này trên mạng xã hội.

“Xịt là ngủ, không ngủ hoàn tiền gấp 10”, “dễ dàng đi vào giấc ngủ và ngủ say ngay cả khi trời giông bão”... Đó những lời quảng cáo về công dụng của một sản phẩm thuốc ngủ dạng xịt “xách tay từ Pháp”, có tác dụng chỉ trong vòng 2 phút. Dưới phần bình luận của bài viết, hàng chục người hỏi về thứ “thuốc quỷ” thần kỳ, thậm chí đặt mua ngay tức thì mà chẳng cần hỏi giá. Không biết những người này mua hàng với mục đích gì, nhưng chắc chắn đây là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt hình sự nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Không chỉ sôi nổi trong các hội nhóm Facebook, sản phẩm thuốc mê uống, mê xịt còn được rao bán công khai trên nhiều trang web. Các trang này được thiết kế với giao diện bắt mắt, mô tả chi tiết công dụng sản phẩm, thậm chí còn có phần “đánh giá khách hàng” để tạo lòng tin. Giá của các loại thuốc mê dao động từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng, tùy vào nguồn gốc và mức độ hiệu quả.

Đáng lo ngại hơn, nhiều website khẳng định có “đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp” sẵn sàng hỗ trợ 24/7, đánh trúng tâm lý của những người đang tìm kiếm giải pháp để “giải quyết nhanh gọn” các vấn đề như mất ngủ, stress, hoặc thậm chí là mục đích phạm pháp. Việc giao dịch dễ dàng, nhanh chóng trên không gian mạng khiến tình trạng buôn bán thuốc mê trái phép trở nên phức tạp, khó kiểm soát và tiềm ẩn nhiều hệ lụy nguy hiểm cho xã hội.
“Chỉ cần khách muốn, còn lại shop lo”
Trong vai một người có nhu cầu mua hàng, PV đã tìm đến một website chuyên bán thuốc gây mê. Đối tượng với cái tên “Mr Tuấn” đã phản hồi rất nhanh sau khi biết PV có nhu cầu mua hàng. Khá bất ngờ khi quy trình mua diễn ra vô cùng đơn giản: Khách hàng chỉ cần chọn sản phẩm phù hợp, sau đó gửi thông tin liên lạc. Chỉ trong vòng 1 - 2 ngày, đơn hàng sẽ được giao đến tận tay khách mà không cần tiền cọc.
Không chỉ vậy, người này còn tư vấn và giải đáp nhiệt tình mọi thắc mắc của PV. Khi được hỏi về sự khác nhau giữa thuốc mê dạng uống và xịt, đối tượng thản nhiên trả lời: “Dạng xịt để xịt vào khăn, khẩu trang hoặc trực tiếp vào mắt 1 - 2 nhát, vào gối 3 - 4 nhát. Sau 20 - 30 giây có tác dụng ngủ từ 2, 3 tiếng”. Còn với dạng uống, người này cho biết cần nhiều thời gian hơn. Sau khi nhỏ từ 4 - 8 giọt vào 150ml nước, 15 phút sau thuốc mới hiệu nghiệm.

Khi được hỏi về cách thức giao hàng, hầu hết các đối tượng buôn bán thuốc mê online đều có sẵn những mánh khóe để qua mặt cơ quan chức năng. Những người bán như Mr Tuấn cho biết, sản phẩm sẽ được đóng gói kỹ lưỡng, bọc kín trong hộp nhỏ, sau đó dán nhãn trá hình dưới tên gọi thông thường, chẳng hạn như nước hoa, tinh dầu thơm, thuốc cảm, hay thậm chí là quà tặng cá nhân không có giá trị thương mại. Điều này khiến các đơn vị vận chuyển khó nghi ngờ, hoặc kiểm tra nội dung bên trong nếu không có chỉ đạo cụ thể.
Các đối tượng cũng ưu tiên sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh hoặc giao hàng tiết kiệm, đồng thời lựa chọn hình thức thu tiền khi nhận hàng (COD) để tăng độ tin cậy với khách mua. Đặc biệt, họ tuyệt đối tránh ghi bất kỳ thông tin nào liên quan đến “thuốc mê”, “chất gây ngủ” trên phiếu giao hàng hay hộp sản phẩm. Nếu người nhận từ chối hoặc bị nghi ngờ, họ lập tức hủy đơn và thay đổi thông tin nhận hàng ở lần sau nhằm tránh bị lần ra dấu vết.

Hệ lụy khôn lường từ “thuốc quỷ”
Theo các chuyên gia y tế, trong nhiều loại thuốc gây mê buôn bán tràn lan trên thị trường, không ít sản phẩm có chứa hoạt chất Scopolamine. Loại thuốc này được sử dụng trong y học nhưng đòi hỏi liều lượng nghiêm ngặt và chỉ dùng theo chỉ định của bác sĩ. Ngay từ khi ra đời, Scopolamine với tác dụng kháng tiết cholin gây nhiều tác hại ở hệ thần kinh, vì vậy mà nó được mệnh danh là "hơi thở của quỷ".
Scopolamine dùng quá liều sẽ gây ngưng thở và tử vong. Còn dùng liều cao (chưa đến liều gây chết người) thì nó có tác dụng gây hoang tưởng, ảo giác rất mạnh, thậm chí có khả năng làm mất đi thần trí của con người, đưa con người vào trạng thái như bị thôi miên. Nhiều báo cáo cho thấy loại hoạt chất này được tội phạm dùng để xóa trí nhớ, làm mất ý thức tạm thời của nạn nhân sau khi gây án.

Từng là nạn nhân của một vụ cưỡng đoạt tài sản, Lê Ngọc Tú (sinh viên năm 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại: “Hôm đó tôi đang trên đường về ký túc xá thì có một người đàn ông lạ mặt nhờ giữ đồ hộ. Vì chủ quan nghĩ rằng sắp về đến nơi, tôi đã đồng ý. Sau đó, tôi bị cho hít phải một loại khói màu trắng. Đến khi tỉnh lại, chiếc điện thoại tôi cầm trên tay đã biến mất cùng với người đàn ông kia. Lúc đó tôi thật sự rất hoảng loạn và sợ hãi...”.
Một vụ việc khác xảy ra tại Hà Nội, được Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội xét xử vào cuối tháng 8/2024. một nhóm gồm bốn thanh niên đã lợi dụng thuốc mê để gây án cướp tài sản. Sau khi tìm người bán USD qua mạng, nhóm này lên kế hoạch dụ nạn nhân đến căn hộ thuê sẵn, pha thuốc mê vào nước uống và sử dụng thuốc mê dạng xịt để làm nạn nhân mất khả năng kháng cự. Hậu quả, nhóm này đã cướp được hơn 25 triệu đồng, 11.000 USD cùng điện thoại của nạn nhân trước khi bị công an bắt giữ. Vụ việc đã cho thấy mức độ nguy hiểm của việc thuốc mê bị buôn bán, sử dụng trái phép như một công cụ hỗ trợ phạm tội.
Theo tìm hiểu, tại Khoản 5, Điều 59 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi mua bán thuốc như sau: Phạt tiền 20 - 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi mua, bán thuốc, dược liệu mà không có hoặc không đúng với địa điểm ghi trên giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; hoặc trong thời gian bị đình chỉ hoạt động hoặc trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược.
Nếu việc bán thuốc này làm cho người uống tử vong thì có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội “Vô ý làm chết người” theo Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Nếu bán thuốc mê chui, bất hợp pháp gây ra những vụ cướp của, giết người, hiếp dâm… thì những người bán thuốc có thể bị truy tố về hành vi đồng phạm đối với tội danh tương ứng.
Mặc dù đã có những quy định xử lý đối với hành vi mua bán thuốc cấm, tuy nhiên, tình trạng này đang diễn ra tràn lan. Sự mưu mô trong các đường dây, sự thiếu quyết liệt trong xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng khiến cho vấn đề tiếp diễn ngày càng phức tạp. Do đó, các biện pháp xử lý dứt điểm đang rất cấp thiết.