Dấu ấn hành trình gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan của bác sĩ quân y

(Sóng trẻ) - Phan Nhật Minh Tân hiện là Trung úy, bác sĩ Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Quân y 175. Từ ngày 6/7/2023 đến 10/10/2024, anh là nhân viên Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 5, thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình (GGHB) Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Nam Sudan. Trở về Việt Nam, anh chia sẻ đây là cột mốc đặc biệt của đời quân ngũ.

Phóng viên: Nhắc đến chiến sĩ mũ nồi xanh, nhiều người còn chưa rõ về công việc của lực lượng này. Anh có thể giải thích thêm về nhiệm vụ của mình?

Trung úy, bác sĩ Phan Nhật Minh Tân: Chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam thuộc Cục GGHB Việt Nam, dưới sự quản lý của LHQ. Những sĩ quan tham gia lực lượng GGHB phải có năng lực thực hiện nhiệm vụ trong môi trường đa quốc gia, hiểu biết sâu, rộng về đối ngoại quốc phòng, có khả năng hợp đồng với sĩ quan nước khác cũng như quân đội, chính quyền, nhân dân nước sở tại. Về nhiệm vụ chung, chúng tôi đại diện cho LHQ đảm bảo an ninh, hỗ trợ chính trị; duy trì một hòa bình tại những quốc gia đang bị chia rẽ, xung đột. Cộng hòa Nam Sudan là một trong những quốc gia như vậy, chịu ảnh hưởng bởi nội chiến và xung đột vũ trang. Tới nay, Việt Nam đã có 6 đội tới thực hiện nhiệm vụ GGHB tại quốc gia này.

Tại Bệnh viện Dã chiến số 2 cấp 5, tôi là một nhân viên hành chính. Vị trí này không phải khám chữa bệnh thường xuyên mà chủ yếu xử lý các văn bản và triển khai lệnh từ LHQ tới bệnh viện. Ngoài ra, nhờ khả năng tiếng Anh, tôi được giao thêm vị trí Trưởng Ban Hậu cần - Bảo đảm nhằm bảo đảm quyền lợi liên quan đến thực phẩm, điện, nước, xe, máy, xăng, dầu…. cho bệnh viện.

1-1.jpg
Trung úy, bác sĩ Phan Nhật Minh Tân là nhân viên Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 5 tại Nam Sudan. (Ảnh: NVCC).

Phóng viên: Cách quê hương gần nửa vòng trái đất, lại thực hiện nhiệm vụ không phải chuyên môn của mình, anh có cần nhiều thời gian để thích nghi?

Trung úy, bác sĩ Phan Nhật Minh Tân: Tôi mất một tháng để quen với môi trường sống tại Nam Sudan. Khi mới sang, tôi sụt 3kg, mất ngủ vì lệch múi giờ, đau bụng vì ăn phải đồ lạ. Khắc nghiệt nhất có lẽ là khí hậu tại Nam Sudan. Sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm ở đây rất lớn. Buổi sáng nóng khô lên tới 50 độ C nhưng đêm thì chỉ 19 - 20 độ C.

Trong công việc, trở ngại lớn nhất là sự bất đồng ngôn ngữ khi làm việc với quân nhân các nước cùng đóng quân như Mông Cổ, Pakistan,... Đều dùng tiếng Anh nhưng mỗi nước phát âm khác nhau nên mất thời gian để hiểu nhau.

Bên cạnh đó, công việc tôi hoàn toàn xa lạ với chuyên môn trước đây. Vốn là bác sĩ Khoa Phục hồi chức năng nhưng giờ tôi phải làm quen với việc xử lý các văn bản hành chính và đảm bảo thực phẩm, nhu yếu phẩm hậu cần nên phải thường xuyên tự tìm hiểu, mày mò để làm. Tôi nhớ một lần đột nhiên máy phát điện của bệnh viện bị hỏng. Không có điện, nước để sinh hoạt và việc khám chữa bệnh của bệnh viện bị ảnh hưởng. Tôi loay hoay thực hiện các quy trình để “mang điện” về bệnh viện theo chỉ dẫn của đại diện LHQ và phải làm thật nhanh để mọi hoạt động không bị ngưng trệ.

Nhiều trở ngại nhưng sau một đến hai tháng thì tôi và đồng đội đều thích nghi được. Mọi người đều vì tập thể, vì mục tiêu chung là hoàn thành nhiệm vụ mà cố gắng mỗi ngày.

2.jpg
Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 5 được LHQ đánh giá cao trong việc thực thi sứ mệnh GGHB tại Nam Sudan. (Ảnh: NVCC).

Phóng viên: Lực lượng GGHB đã góp phần xây dựng hình ảnh con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Qua nhiệm kỳ này, anh và đồng đội đã thể hiện điều đó như thế nào?

Trung úy, bác sĩ Phan Nhật Minh Tân: Trước hết, có một điều tôi rất tự hào là Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 5 được LHQ đánh giá cao nhất trong 5 nhiệm kỳ qua. Bệnh viện đã khám và điều trị được gần 2.400 ca bệnh. Điều này thể hiện rằng chúng tôi đã xây dựng được niềm tin và hình ảnh đội ngũ y tế Việt Nam với chuyên môn cao, dịch vụ tốt, lòng nhiệt thành.

Đồng thời, những chuyến thiện nguyện và giao lưu văn hóa cũng là cơ hội để chúng tôi quảng bá hình ảnh con người Việt Nam. Chúng tôi tới trường học, gặp gỡ, phát quà và dạy trẻ em ở đó các kỹ năng vệ sinh thân thể. Những ngày lễ, ngày Tết, chúng tôi tổ chức tiệc, mời mọi người xung quanh tham gia. Trong chương trình giao lưu có lồng ghép những trò chơi, hoạt động liên quan đến văn hóa Việt Nam. Chúng tôi xây dựng và lan tỏa hình ảnh con người Việt Nam thân thiện, dễ gần và yêu chuộng hòa bình, theo như đường lối của Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Kết thúc nhiệm vụ tại Nam Sudan, trong tôi có nhiều cảm xúc lẫn lộn. Vừa vui vì được trở về quê hương; vừa bồi hồi vì phải nói lời chào tạm biệt. Nhưng hơn hết có lẽ là niềm xúc động và tự hào vì hành trình GGHB này sẽ được tiếp tục bởi những người đồng đội trẻ trung và năng lượng. Hình ảnh con người Việt Nam thân thiện, yêu chuộng hòa bình sẽ tiếp tục được lan tỏa mạnh mẽ tới bạn bè quốc tế.

3-2.jpg
Những hoạt động huấn luyện, giao lưu thường xuyên được tổ chức giữa lực lượng quân đội Việt Nam và quân đội quốc tế. (Ảnh: NVCC).

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng: “Lính mũ nồi xanh Việt Nam thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan có điều kiện sống đầy đủ, khối lượng công việc ít. Nhìn chung nhàn và sướng hơn ở quê hương”. Anh nghĩ sao về quan điểm này?

Trung úy, bác sĩ Phan Nhật Minh Tân: Tại Nam Sudan, tôi thấy may mắn vì trong suốt nhiệm kỳ đã được LHQ đảm bảo đầy đủ về điều kiện sinh hoạt, cơ sở vật chất. Về cơ bản, khối lượng công việc của chúng tôi ở đây ít hơn so với ở Việt Nam. 

Nhưng nói là bộ đội ở đó nhàn rỗi và sung sướng thì không đúng. Hằng ngày chúng tôi vẫn có những nhiệm vụ cần phải thực hiện với độ chính xác và trách nhiệm cao. Ngay cả khi nghỉ phép, chúng tôi vẫn cần trực điện thoại để đảm bảo các công việc bên đó được vận hành tốt. 

Những hy sinh, những thiếu hụt tinh thần với chiến sĩ mũ nồi xanh là không thể đong đếm được. Liên lạc với gia đình không duy trì được nhiều, vì dung lượng mạng không đủ. Có những đồng chí vừa lập gia đình hay có con nhỏ cũng phải chấp nhận xa cách. Bản thân tôi đã có một giai đoạn căng thẳng vì nhiều công việc dồn lại một lúc, cô đơn, cần chỗ dựa mà không được ở cạnh người thân. Dù đồng đội gắn bó với nhau trong công việc và cuộc sống, nhưng không thể nào thay thế được gia đình. 

Phóng viên: Được biết anh còn sở hữu kênh TikTok cá nhân với nội dung về cuộc sống ở Nam Sudan, đến nay đã hơn 26.000 lượt theo dõi. Hiện tại đã trở về Việt Nam, anh sẽ duy trì các nội dung như thế nào để phục vụ những người yêu mến anh?

Trung úy, bác sĩ Phan Nhật Minh Tân: Khi tới Nam Sudan, tôi muốn lưu lại hình ảnh về những điều thú vị trong cuộc sống và công việc để làm kỷ niệm. Tôi cũng không nghĩ lại được mọi người đón nhận nhiều như vậy. Chính những người theo dõi đã cho tôi động lực để sáng tạo thêm nội dung và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Nội dung tôi làm là về tình yêu nước, về sự ham học hỏi và thay đổi bản thân. Tôi thấy rất vui vì có nhiều bạn trẻ Việt Nam cũng rất yêu nước và chăm học hỏi. Hiện nay, bên cạnh công việc chính ở Bệnh viện Quân y 175 và những dự định cá nhân, tôi sẽ tiếp tục truyền tải thêm những nội dung như học tập, rèn luyện bản thân và những điều tích cực với mọi người. Kênh TikTok này như một động lực, lời nhắc để bản thân tôi phát triển hơn nữa.

Phóng viên: Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật2 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN