“Đền Sòng thiêng nhất xứ Thanh”
(Sóng trẻ) - Đó là câu nói phổ biến, nằm lòng và đầy tôn kính mà người dân Thanh Hóa dành cho đền Sòng, ngôi đền thiêng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
Thánh Mẫu Liễu Hạnh được biết đến như là một trong “Tứ bất tử” của Việt Nam cùng với Thánh Tản Viên (Sơn Tinh), Phù Đồng Thiên Vương (Thánh Gióng) và Chử Đồng Tử. Riêng trong tín ngưỡng thờ Mẫu, một trong những tín ngưỡng cổ xưa nhất của người Việt thì Mẫu Liễu Hạnh được xem là thần chủ.
Cổng Tam quan đền Sòng, Bỉm Sơn, Thanh Hóa
Mẫu Liễu Hạnh được thờ rộng rãi trên khắp đất nước. Tượng Mẫu Liễu Hạnh luôn được đặt ở ví trí chính giữa với trang phục màu đỏ. Người dân bao đời nay vẫn xem bà như là hiện thân của Thượng Thiên Thánh Mẫu, thế nên Mẫu Liễu Hạnh tuy vốn là Đệ nhị Thánh Mẫu đã trở thành vị thần chủ quan trọng của Tín ngưỡng thờ Mẫu, nhiều nhà nghiên cứu còn cho rằng đó là đạo Mẫu.
Lầu đặt tượng Thủy Cung Thánh Mẫu
Nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam Trần Đức Hậu cho rằng khắp cả nước có đến hơn 400 nơi thờ Mẫu Liễu Hạnh. Đây là một con số ước lượng tuy nhiên thực tế nơi thờ tự mẫu Liễu Hạnh tính cả điện Mẫu sau chùa hay ở một số đền, đình thì con số có thể còn lớn hơn rất nhiều. Đạo Mẫu thực sự đã ăn sâu, bám rễ trong tiềm thức những người dân Việt và hạ tầng cơ sở làng xã.
Tuy có tới hơn 400 nơi thờ Mẫu Liễu Hạnh, nhưng không phải nơi nào cũng được xem là nơi Thánh Mẫu hiển thánh. Nhưng địa danh được tin là nơi Mẫu Liễu Hạnh đã hiển thánh và bao gồm: Phủ Giầy, Phủ Tây Hồ và đền Sòng. Trong đó đền Sòng ở Thanh Hóa được mệnh danh là “thiêng nhất xứ Thanh”.
Bộ rễ của cây cổ thụ trong khuôn viên đền Sòng
Đền Sòng tọa lạc tại phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Được khởi dựng từ thời Cảnh Hưng, triều vua Lê Hiển Tông thế kỷ XVIII trải qua nhiều lần tu sửa, ngôi đền nay đã khang trang, mở rộng hơn. Lầu thờ Mẫu Thoải vừa hoàn thành xây dựng, nhiều hạng mục công trình vẫn đang trong quá trình tôn tạo, xây mới.
Lầu cô Chín Sòng Sơn
Cách bố trí ban thờ ở đền Sòng có nhiều điểm tương đồng với các đền, phủ thờ Mẫu khác. Phía trong cùng là hậu cung thờ Mẫu Liễu Hạnh, tiếp đến là Ngũ vị tôn ông, Vua cha Ngọc Hoàng,… Hai bên nhà bái đường là bệ thờ Trần Triều và Bà Chúa Cửu Tỉnh. Đền Sòng còn có lầu thờ cô Chín, lầu Cô, lầu Cậu đều liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam.
Không hổ danh là đền thiêng nhất xứ Thanh, hàng ngày có rất nhiều người dân đến đây như tìm về nơi tâm linh Việt. Nhiều người tâm niệm đến đền cũng như trở về thăm Mẫu, viếng người mẹ linh thiêng, huyền bí của biết bao thế hệ những người dân Việt.
Bài và ảnh: Lê Quang Đức
Báo mạng điện tử K32
Cùng chuyên mục
Bình luận