Di sản thời kỳ bao cấp vẫn còn ở trong "điểm mờ" nhận thức người Hà Nội
(Sóng trẻ) - Đó là ý kiến của chuyên gia tại tọa đàm “Hà Nội thời bao cấp: Kí ức qua di sản kiến trúc” diễn ra vào chiều ngày 11/10.
Chia sẻ khái quát về giá trị của di sản kiến trúc và mạng lưới của các công trình này ở Hà Nội, KTS Vũ Hiệp cho rằng: “Tạo hình kiến trúc thời kỳ bao cấp đi dần theo hướng kiến trúc hiện đại, hạn chế các chi tiết trang trí. Các kiến trúc sư của Việt Nam trở về từ chiến khu sau kháng chiến chống Pháp, mặc dù có ảnh hưởng bởi văn hóa kiến trúc của Pháp nhưng họ vẫn có ý thức xây dựng nền kiến trúc mới của đất nước Việt Nam độc lập”.
KTS Vũ Hiệp cho biết, sự tương đồng của kiến trúc miền Nam và miền Bắc thể hiện tính dân tộc và truyền thống, hài hòa với kiến trúc sử dụng ngôn ngữ hiện đại của xã hội chủ nghĩa. Các công trình kiến trúc này phản ánh một thời đại mới của đất nước, với những nguyên tắc định hình hiện đại, tiến bộ, có giá trị lịch sử, khoa học, xã hội và kinh tế.
Với tư cách là một chứng nhân lịch sử, TS. KTS Trần Thanh Bình - người đã thiết kế các công trình thời bao cấp bày tỏ, kiến trúc giai đoạn 1975-1986 ở Hà Nội là thời kỳ gian khó và đáng nhớ.
Theo ông, tại giai đoạn đó, với tâm thế “Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng lại Thủ đô đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, các kiến trúc sư Việt Nam đã vấp phải nhiều khó khăn, phần nhiều về kinh tế. Tuy vậy, họ vẫn không ngừng cố gắng, đi tìm kiếm những ngôn ngữ mới cho nền kiến trúc nước nhà, hướng tới phong cách hiện đại nhưng vẫn giàu bản sắc văn hóa bản địa.
Khi phân tích về di sản kiến trúc bao cấp, PGS.TS Nguyễn Văn Huy khẳng định: “Kiến trúc thời bao cấp vừa hào hùng, vừa bi tráng. Các kiến trúc sư Việt Nam đã lấy nguồn cảm hứng từ cuộc sống của người dân Hà Nội thời bao cấp để thể hiện mơ ước, khát vọng của nhân dân, của đất nước một thời. Đó cũng là ước mơ, khát vọng của chính họ khi hy vọng có thể vượt lên những khó khăn, rào cản để xây dựng được những công trình kiến trúc tốt nhất cho xã hội, cho thời đại”.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn thiếu chiến lược bảo tồn và quảng bá di sản thời kỳ xây dựng XHCN ở Hà Nội. Điều này dẫn tới việc các di sản giai đoạn này vẫn còn mờ nhạt, ít được quan tâm bởi chính những người đang sinh sống ở Thủ đô. Theo báo cáo điều tra xã hội học, kết quả cho thấy người trẻ Hà Nội không có nhiều cảm nhận khi được hỏi về kiến trúc thời kỳ bao cấp, dù tất cả đang sống ở nơi dày đặc các công trình kiến trúc thời kỳ này.
Khối di sản kiến trúc giai đoạn 1954-1986 ở Hà Nội vẫn là một phần tạo dựng nên bản sắc Hà Nội và có nhiều tiềm năng để phát huy giá trị, đóng góp vào công cuộc đổi mới tiếp theo của đất nước cũng như phục vụ cho chiến lược phát triển Hà Nội trong tương lai. Những vấn đề xoay quanh bảo tồn di sản kiến trúc thời bao cấp sẽ tiếp tục được được làm rõ tại tọa đàm vào ngày 15/11 tại Cung văn hóa Thiếu nhi Hà Nội trong khuôn khổ Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024.