Điệu chèo quê lúa

(Sóng Trẻ) - Thái Bình không chỉ nổi tiếng là quê hương của “chị Hai năm tấn”, mà từ xưa tới nay Thái Bình vẫn được nhắc tới như mảnh “đất chèo”, cái nôi của những chiếu chèo trữ tình, say đắm, những điệu chèo ngọt lịm dưới bóng tre làng.

Là một tỉnh đồng bằng sông nước với môi trường thuận lợi cho nghệ thuật chèo nảy mầm và phát triển. Quá trình mở đất lập làng đã tạo cho cư dân Thái Bình có điều kiện để tiếp thu học hỏi những tinh hoa văn hóa nhưng vẫn giữ được “bản sắc riêng đậm đà”. Những điệu chèo dựa trên nền tảng của những trò diễn xướng dân gian từ xa xưa và của dân ca, dân vũ đồng bằng Bắc bộ, những trò diễn, điệu múa, lời ca, lời ru….

Từ xa xưa, quê lúa Thái Bình có nhiều làng chèo nổi tiếng như Hà Xá, chèo Khuốc (Ðông Hưng) chèo Sáo Ðền (Vũ Thư)… Sau này nhiều làng có đội chèo như Ðông Kinh, Nguyên Xá, Hồng Việt... cùng với các nghệ nhân hát hay, diễn giỏi nổi tiếng: cụ Trùm Thịnh, cụ Lý Mầm, cụ Cả Tam, cả Ngũ, bác Năm Ngũ…

Cụ Kềnh – một nghệ nhân chèo cổ năm nay đã 98 tuổi nhưng khi nhắc đến những điệu chèo quê hương, cụ vẫn hào hứng kể: “Chèo Thái Bình nổi tiếng, nhất, đi đâu cũng được yêu thích. Ra cả Hà Nội, Hải Phòng thi cũng được nhất. Chèo ta diễn nhiều, hay diễn Kiều, Kim Nham, Thị Mầu…”

Âm nhạc chèo nói chung và âm nhạc chèo Thái Bình nói riêng là sự kết tinh từ chất liệu những điệu hát, nói, hát bỏ bộ trong sinh hoạt nghệ thuật dân gian vùng châu thổ sông Hồng như: Xoan ghẹo, chèo tàu tương, hát giặm… bằng cách thức bẻ làn nắn điệu, tức là theo nội dung thơ rồi dựa vào những âm điệu sẵn có để tạo thêm những khúc hát mới. Những khúc hát này có thể chia làm nhiều trổ. Mỗi trổ thường tương ứng với một cặp thơ gồm vế trống mái, tạo thành một đoạn nhạc hoàn chỉnh. Âm nhạc chèo Thái Bình chân thật, hồn hậu và có phần phóng khoáng song vẫn giữ cân bằng đối đãi vế trống mái.

Những nét nghệ thuật riêng, phong cách chèo Thái Bình, có lẽ là những sáng tạo về quy cách của phần đệm. Nhạc cụ của chèo sử dụng tối thiểu là hai loại nhạc cụ dây đó là đàn nguyệt và đàn nhị, đồng thời có thêm cả sáo. Nài ra, các nhạc công còn sử dụng thêm trống và chũm chọe. Bộ gõ của chèo có trống cái, trống con, trống cơm, thanh la, mõ. Trống con dùng để giữ nhịp cho hát, cho múa và đệm cho câu hát. Vị trí của chiếc trống trong đêm diễn chèo là rất quan trọng, bởi dân gian đã có đúc kết "phi trống bất thành chèo."

Nghệ sĩ chèo Huyền Phin - người con đất Thái Bình (Ảnh: internet)

Tiếng mõ đánh đều, giữ nhịp trường canh, ở tốc độ nhanh và rất nhanh, tạo sự căng thẳng và tính kịch cho âm nhạc. Những chỗ giai điệu hát ngân hoặc ngừng nghỉ mới được phép điểm dìu lên dặt, đánh trống lúc nghệ nhân mở miệng hát là điều cấm kỵ. Cùng một làn điệu như nhau nhưng phong cách chèo Thái Bình hát mộc mạc giản dị hơn, phụ âm hư tự và nguyên âm luôn cân bằng âm lượng. Cùng một tiết tấu nhưng chèo Thái Bình rộn rã, xáo động hơn. Lối hát Thái Bình không đi sâu vào nhịp phách phức tạp, không nhả chữ theo lối khôn nan nhà nghề, không làm lẫn phụ âm.

Nghệ nhân chèo Nguyễn Đức Mười chia sẻ về những đặc trưng, về cái chất riêng có của chảo Sáo Đền: “Mỗi một vùng miền có một cái e, gọi là cái e chèo, hát nó khác. Anh phái có cách hát mổ và phải có cái “nẩy” nó mới ra được, đấy là cái chất của chèo Thái Bình”.

Hiện nay, hàng chục đoàn chèo chuyên nghiệp và hàng trăm đoàn chèo nghiệp dư với hàng nghìn diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên làm sống lại những vở chèo cổ như “Thị Mầu”, "Xúy Vân giả dại," "Kim Nham," "Phạm Tải Ngọc Hoa". Một số vở chèo mới, hiện đại như "Mối tình Điện Biên," "Ánh sao đầu núi," Đường về trận địa," "Người con gái sông Cấm" vẫn luôn tỏa sáng trên các sân khấu.

Chèo là loại hình sân khấu độc đáo của dân tộc. Các diễn viên đã vào ngành chèo, đều phải khổ công học hỏi các vai mẫu, “thấm trong máu thịt” từ các vai đào lẳng, đào pha, mụ, kép áo ngắn và áo dài, hề, lão. Cách diễn, hát và múa, cái xuất thần, dung dị và thực hiện nhuần nhuyễn bốn chữ "thanh, sắc, tài, duyên" của các nghệ nhân đã thể hiện phong cách riêng của chèo một cách đậm nét.

Nói về cái tâm với nghề, bác Mười cũng chia sẻ: “Cái này nó cần ăn vào máu, ăn vào tâm huyết của mình nữa thì anh mới hát được những câu hát hay và có hồn”.

Từ xưa, những người nông dân đã mạnh dạn hát chèo cả những đêm trông trăng, những buổi đi cấy, đi gặt... Các câu chèo nỉ non vang lên từ gốc lúa, bờ tre. Các câu chèo có trong lời ru của mẹ, của bà. Có cả trên những cánh cò, những câu chuyện cổ... Tất cả những điều đó đã ngấm vào lòng những đứa trẻ từ tấm bé, được tắm táp trong không khí và môi trường của chèo, chèo ngấm vào máu.

Thưởng thức loại hình nghệ thuật này đã trở thành thói quen như cơm ăn, nước uống hằng ngày. Người dân quê lúa có câu:

“Chẳng thèm ăn chả ăn nem

Thèm mo cơm nếp, thèm xem hát chèo”.

Chẳng thế mà đến cả những thế hệ trẻ sau này khi xa quê hương cũng luôn dành những tình cảm đặc biệt cho những điệu chèo quê mình. Anh Trần Văn Hoan tâm sự: “Là một người con của đất Thái Bình khi xa quê hương khi nhắc đến những làn điệu chèo, tôi rất thích nghe những làn điệu chèo của quê mình. Trong cuộc sống có rất nhiều những căng thẳng mệt mỏi. Mỗi khi như thế tôi thường tìm đến những làn điệu chèo để giải tỏa những căng thẳng và mệt mỏi ấy. Trong mỗi ca từ và tiếng  nhạc đều làm tôi cảm thấy rất thư giãn, thư thái, thấy trong người nhẹ nhõm. Tôi nghĩ chèo là 1 nét văn hóa đặc trưng riêng của người Thái Bình quê mình, cần được gìn giữ, phát huy và nâng cao hơn nữa giá trị của chèo”.


Theo định lệ, cứ đến ngày 13-8 âm lịch hàng năm, người dân làng Khuốc, làng Sáo Đền dù làm ăn sinh sống ở đâu cũng lại kéo nhau về quê giỗ tổ chèo. Trong ngày thiêng liêng ấy hơn ai hết người làng khuốc hiểu sâu sắc rằng để mai một đi những điệu chèo là một tội lớn với tiền nhân, đối với hậu thế.

Đã có rất nhiều làn điệu chèo, điệu múa tiềm ẩn trong dân gian là những vốn quý trong kho cổ đã được phát hiện, sưu tầm, được trau chuốt và đưa vào các vở chèo hiện đại.

Trải qua biết bao thế hệ, đến hôm nay những con người Việt Nam-cả những người đang sống trên đất nước Việt Nam và những kiều bào ở xa Tổ quốc, luôn coi nghệ thuật chèo là một "viên ngọc long lanh sắc màu" trong kho tàng văn hóa nghệ thuật dân gian dân tộc.

Bùi Thị Thanh Tân

Lớp Phát thanh K30

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật6 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN