Định kiến giới trong lựa chọn ngành nghề: Rào cản hay động lực để vươn lên?
(Sóng trẻ) - Mặc dù phải đối mặt với định kiến xã hội về giới tính trong lựa chọn nghề nghiệp, nhiều người trẻ đã vượt qua và quyết định theo đuổi ước mơ của bản thân.
Ngày nay, xã hội vẫn mặc định công việc nặng nhọc, dẻo dai cần đến sức mạnh dành cho nam giới, còn những công việc mềm dẻo, nhẹ nhàng dành cho nữ giới. Tuy nhiên, đây chỉ là định kiến giới trong xã hội.
Nữ giới có thể làm được những công việc như phi công, công an… và nam giới cũng làm được những công việc mình thích như giáo viên mầm non, tiểu học… Nhiều định kiến đã cản trở các bạn trẻ chọn cho mình một ngành nghề yêu thích, hình thành trở ngại trong việc theo đuổi ước mơ của họ.
“Tại sao lại học ngành này?”
Đây là câu hỏi mà nhiều bạn nhận được khi theo đuổi ngành học yêu thích, dám vượt qua định kiến rằng ngành đó không phù hợp với giới tính của bản thân.
Nguyễn Thị Huyền (18 tuổi, Hà Nội), hiện đang là sinh viên năm hai ngành Hệ thoống điện và năng lượng tái tạo - Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, lựa chọn ngành học chính là vì hiện tại và tương lai của bản thân, không phân biệt bạn là nam hay nữ.
Nguyễn Thị Huyền chia sẻ rằng: “Khi nhận được những câu hỏi như vậy, mình có chút buồn và hoang mang về lựa chọn của bản thân. Nhưng hiện tại, mình không còn tiêu cực khi nhận những câu hỏi như vậy nữa, thay vào đó, mình có thể tự tin giải thích cho họ hiểu về ngành học của bản thân sẽ gồm những công việc gì và tiềm năng của nó lớn đến đâu”.
Trong quá trình học tập tại trường, Huyền đã được tiếp xúc với nhiều giảng viên nữ và các chị khóa trên. Họ rất giỏi trong việc nghiên cứu khoa học và kỹ thuật. Họ thậm chí còn đi đầu trong những lĩnh vực nghiên cứu phát triển công nghệ. Giờ đây, họ còn dùng những kinh nghiệm của họ để truyền đạt cho những thế hệ sau. Và thứ họ nhận được không chỉ là những giải thưởng, những bằng khen mà hơn thế là sự công nhận của cả xã hội và sự quý trọng của đồng nghiệp, sinh viên, bạn bè.
Đồng tình với ý kiến trên, Hà Khánh Hương (20 tuổi, Phú Thọ) đang theo học chuyên ngành Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội tại Học viện Cảnh sát Nhân dân bộc bạch: “Cảm xúc của mình khi nhận được những câu hỏi đó thì mình thấy khá là bình thường, vì mỗi người có một suy nghĩ, một quan điểm khác nhau, điều mình cần làm để xóa bỏ những định kiến đó là chứng minh bằng hành động, bằng năng lực của bản thân rằng nữ cũng có thể làm tốt và thậm chí còn tốt hơn nam”.
Khánh Hương chia sẻ thêm, trong quá trình huấn luyện và học tập thì chúng mình đều có một chương trình huấn luyện, học tập chung và không hề phân biệt nam hay nữ. Đặc biệt là trong khoảng thời gian huấn luyện về quân sự, võ thuật, súng, bơi lội… Mặc dù vất vả và có nhiều khó khăn đặc biệt với thể trạng của nữ nhưng đều phải hoàn thành chương trình huấn luyện giống nhau không thiên vị bất kỳ ai.
Trở thành một chiến sĩ công an thực sự rất vất vả, đòi hỏi phải có năng lực và thể lực để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao đặc biệt là trở thành nữ chiến sĩ công an. Dù vậy nhưng Khánh Hương nhận được lời chia sẻ và động viên từ ông bà, bố mẹ, người thân và bạn bè, đó là một động lực to lớn giúp bản thân vượt qua những định kiến, khó khăn để theo đuổi ngành học hiện tại.
Khi nhắc đến nghề giáo, nhiều người sẽ nghĩ đến hình ảnh cô giáo thay vì thầy giáo. Tuy nhiên vẫn có những nam sinh yêu thích và theo đuổi công việc này.
Chẳng hạn như, Nguyễn Mạnh Hùng (22 tuổi, Vĩnh Phúc), sinh viên trường Đại học Hùng Vương, đã quyết định học ngành sư phạm âm nhạc. “Mình nghĩ nếu nữ giới làm công việc giảng dạy được thì nam giới cũng sẽ làm được điều tương tự”.
Mặc dù nhận nhiều ý kiến trái chiều từ gia đình, bạn bè nhưng Mạnh Hùng vẫn kiên quyết với lựa chọn của bản thân. Mạnh Hùng cho rằng: “Mỗi người có một thế mạnh riêng của bản thân. Trong suốt những năm học phổ thông hay cả những năm tháng đại học. Mình nhận thấy rằng, mọi người công nhận sự nỗ lực và sự cống hiến của bạn hơn là việc bạn mang giới tính nam hay nữ”.
Ngành nghề không có giới tính
TS. Trương Thúy Hằng giảng viên khoa Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết: “Học ngành gì hay làm nghề gì là sở thích hay khả năng của mỗi người. Điều đó hoàn toàn không phụ thuộc vào giới tính”.
“Chúng ta đã có chính sách, luật pháp rất rõ ràng: Phụ nữ, nam giới hay bất kể giới nào khác đều có quyền được làm việc, lựa chọn ngành nghề không chịu sự cấm đoán. Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 đã bỏ “Danh mục 77 nghề cấm phụ nữ tham gia lao động”.
Nhưng thực tế định kiến giới, khuôn mẫu giới về nghề nghiệp vẫn tồn tại và ngầm len lỏi trong nhận thức, hành vi của mỗi người.
Định kiến giới về nghề nghiệp là rào cản khiến cho mỗi giới không phát huy được tối đa khả năng, tiềm năng của bản thân mình. Đó là việc giới hạn quyền tự do của con người, kìm hãm con người trong những thiên kiến cũ. Điều này làm giảm khả năng sáng tạo, cống hiến trong công việc của mỗi giới cho sự phát triển của cộng đồng.
TS. Trương Thúy Hằng cho biết thêm, để khắc phục tình trạng này chúng ta cần phải có nhiều biện pháp. Chẳng hạn như:
Tiếp tục tuyên truyền luật pháp, chính sách về bình đẳng giới và tạo những chính sách ưu tiên nhất định cho ngành nghề nào đó muốn thu hút thêm phụ nữ hay nam giới.
Bên cạnh đó, chúng ta cần rà soát cải tiến sách giáo khoa theo hướng lựa chọn nội dung, hình minh họa có nhạy cảm giới.
Ngoài ra, giáo dục về bình đẳng giới cần đưa sâu rộng hơn vào các cấp học, ngay từ cấp tiểu học để có những hoạt động nâng cao nhận thức về bình đẳng giới ở mọi lĩnh vực, khu vực trong đời sống xã hội.