Đinh Tiến Dũng – chàng “giáo sư” đa tài hiếm có trong giới truyền hình Việt
(Sóng trẻ) - Cái đa tài của Đinh Tiến Dũng chính là dù ở môi trường nào, lĩnh vực nào anh cũng chứng tỏ được bản thân thực sự “không phải dạng vừa”, nhờ vốn kiến thức rộng, khả năng phân tích, bình luận sắc sảo và một phong thái điềm đạm khó lẫn.
Ai đó có thể chưa từng nghe đến cái tên Đinh Tiến Dũng, nhưng không thể không biết nhân vật Giáo sư Cù Trọng Xoay trong chương trình truyền hình Thư giãn cuối tuần do anh thủ vai, từng một thời làm mưa làm gió trên màn ảnh Việt. Anh cũng là một trong những người chắp bút cho kịch bản Táo quân hơn 11 năm nay.
Kỹ sư nông nghiệp lấn sân…truyền hình
Ít ai có thể ngờ rằng, với lối nói chuyện dí dỏm và một vẻ nài rất “nghệ” như thế nhưng Đinh Tiến Dũng lại có xuất phát điểm không phải từ nghệ thuật. Anh là sinh viên khóa 44 chuyên ngành Cây trồng của trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp).
Với tính cách phóng khoáng và năng nổ, trong thời gian học đại học, anh là một thành viên tích cực trong công tác Đoàn, từng trải qua nhiều chức vụ như Chủ tịch Hội sinh viên khoa Nông học, Chủ tịch Hội sinh viên trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội.
Sau khi tốt nghiệp, Đinh Tiến Dũng công tác tại Trung ương Đoàn rồi đầu quân cho Tập đoàn FPT. Sự nổi tiếng của anh bắt đầu vượt ra nài biên giới FPT từ khi anh đóng vai Giáo sư Cù Trọng Xoay trong chuyên mục Hỏi xoáy đáp xoay, chương trình Thư giãn cuối tuần của VTV3.
Giáo sư Cù Trọng Xoay do Đinh Tiến Dũng thủ vai (Ảnh: Cắt từ clip)
Nhắc đến cái tên Đinh Tiến Dũng, người ta khó có thể tìm được một vai trò nào thực sự phù hợp để gán cho anh. Nổi tiếng từ vai diễn Giáo sư Cù Trọng Xoay nhưng anh đồng thời cũng là một nhà biên kịch xuất sắc khi tham gia viết kịch bản cho nhiều tác phẩm truyền hình nổi tiếng như Gặp nhau cuối năm (Táo quân), loạt phim sitcom Có giời mới biết, thậm chí ngay cả chuyên mục Hỏi xoáy đáp xoay đình đám một thời cũng có dấu ấn biên kịch của anh.
Nài ra Đinh Tiến Dũng cũng từng xuất hiện trên truyền hình với vai trò MC, hay tham gia các buổi tọa đàm với tư cách khách mời, mà chủ đề trải rộng từ văn hóa, thể thao, giáo dục, thậm chí cả xe cộ, như lần anh góp mặt trong chương trình truyền hình trực tiếp của VTV1 về sự kiện ra mắt xe hơi của Vinfast hôm 2/10 vừa qua.
Cây bút vàng trong làng viết kịch bản
Nói riêng về vai trò biên kịch, những kịch bản được “Giáo sư Xoay” chắp bút không nhiều và dường như anh cũng luôn biết giữ giới hạn số lượng để khán giả không cảm thấy bị “bội thực”. Nhưng bù lại, một số tác phẩm truyền hình có dấu ấn biên kịch của anh đã trở thành “đặc sản” và chiếm được cảm tình của nhiều thế hệ công chúng.
Đầu tiên phải kể đến chương trình hài kịch Gặp nhau cuối năm – Táo quân, được Đinh Tiến Dũng đồng hành viết kịch bản trong suốt 11 năm, để lại những câu thoại "bất hủ” như: “Nước trong thì không có cá - Người tốt quá thì không ai chơi”, “Trước mình cần một chỗ đứng – Giờ mình cần đứng đúng chỗ đó"…
Đinh Tiến Dũng đã có 11 năm đồng hành cùng kịch bản Táo quân (Ảnh: VTV)
Khác biệt của Táo Quân so với nhiều chương trình hài kịch khác chính là việc sử dụng chất liệu từ hiện thực cuộc sống bằng cách phản ánh các vấn đề thời sự nổi bật trong suốt một năm. Táo quân cũng lồng ghép sự phê phán bên trong vỏ bọc hài hước, đem đến nhiều tầng ý nghĩa khiến khán giả theo dõi không chỉ biết cười mà còn phải suy ngẫm.
Tác phẩm truyền hình thứ hai có sự tham gia biên kịch của Đinh Tiến Dũng là chuyên mục Hỏi xoáy đáp xoay trong chương trình Thư giãn cuối tuần. Sự thành công của chương trình nằm ở việc đã tạo nên được tiếng cười cho khán giả thỏa mãn cả hai yếu tố giải trí và tư duy mới lạ. Mặc dù Đinh Tiến Dũng được biết đến nhiều hơn với vai diễn Giáo sư Cù Trọng Xoay nhưng kỳ thực anh cũng là người tham gia xây dựng kịch bản cho chương trình này.
Đinh Tiến Dũng hiện đang giữ chức Giám đốc Sáng tạo của Truyền hình FPT và người ta ít khi được thấy anh “tái xuất” trên truyền hình trong cả vai trò diễn viên hay biên kịch. Nhưng tài năng của anh, đặc biệt ở lĩnh vực viết kịch bản rõ ràng là một điểm sáng trong bối cảnh kịch bản truyền hình ngày càng có xu hướng biến tướng, phản cảm như hiện nay.
BBT Sóng trẻ
Cùng chuyên mục
Bình luận