Đưa nghệ thuật Tuồng tới gần hơn với giới trẻ
(Sóng trẻ) - Với mong muốn đưa tuồng đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là giới trẻ, sự kiện "Khai sắc Tuồng Thanh" – đồng tổ chức bởi Nhà hát Tuồng Việt Nam và nhóm sinh viên Khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo (PR-ADs) thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền – đã tạo nên những thành quả đáng khích lệ, góp phần thổi làn gió mới vào sân khấu truyền thống.
Những nỗ lực của người trẻ với nghệ thuật truyền thống
Sự kiện văn hóa "Khai sắc Tuồng thanh" đánh dấu sự kết hợp đầy sáng tạo giữa Nhà hát Tuồng Việt Nam và nhóm sinh viên Khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo (PR-ADs) thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Những khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ, đã có cơ hội trải nghiệm những hoạt động thú vị và thưởng thức những vở tuồng độc đáo, mang đậm nét tinh hoa văn hóa dân tộc.
Sự kiện đã mang đến cho công chúng cơ hội không chỉ được thưởng thức nghệ thuật tuồng một cách trực tiếp mà còn được tham gia vào những trải nghiệm độc đáo như workshop thủ công, giao lưu học hỏi cùng những nghệ sĩ gạo cội, và tự do giao lưu, đặt câu hỏi để hiểu sâu hơn về những đặc trưng và nguyên tắc cơ bản của loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc này.
Là người yêu thích các loại hình nghệ thuật truyền thống, chị Phương Linh (23 tuổi, quận Ba Đình) đặc biệt dành thời gian đến xem Talkshow và biểu diễn nghệ thuật "Mãn sắc". Chị Linh chia sẻ: “Tôi từng xem tuồng nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên có một nơi khán giả có dịp được giao lưu trực tiếp cùng nghệ sĩ về hành trình làm nghề. Không chỉ được thưởng thức chương trình biểu diễn, tôi có cơ hội để hiểu sâu về loại hình này, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của những người nghệ sĩ với mong muốn quảng bá loại hình nghệ thuật truyền thống đến khán giả trẻ”.
Bạn Nguyệt Anh, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền - một trong những thành viên của ban tổ chức sự kiện “Khai sắc Tuồng Thanh” bày tỏ: “ Chúng mình mong Tuồng có thể được nhiều người biết đến hơn, đặc biệt là người trẻ Không phải chỉ là biết đến không thôi mà là biết đến những tinh hoa văn hoá mà Tuồng mang lại. Đây là bộ môn nghệ thuật rất lâu đời, là một nét văn hóa đáng tự hào của người Việt Nam, có nhiều chiều sâu và tầng nghĩa”.
Hòa mình vào dòng chảy thời đại
Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, nhiều yếu tố khách quan không chỉ ảnh hưởng đến thị hiếu của khán giả mà còn tác động sâu sắc đến sân khấu Tuồng. Sự xuất hiện đa dạng của các chương trình giải trí và nghệ thuật hiện đại đã khiến giới trẻ dần xa rời nghệ thuật truyền thống. Mặc dù lượng khán giả đã giảm hơn so với trước đây, nhưng với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Nhà hát Tuồng Việt Nam vẫn kiên trì mang Tuồng đến gần hơn với công chúng và hơn nữa còn hợp tác với nhiều người trẻ đến từ các trường đại học.
Ông Tạ Văn Sốp, Nguyên Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết, tuồng vốn là thể loại nghệ thuật kén người nghe nhưng vô cùng đặc sắc, chứa đựng giá trị văn hoá dân tộc sâu sắc. Hiện nay, loại hình nghệ thuật này đã có những bước tiến đáng kể trong việc thu hút sự quan tâm của người trẻ. Chia sẻ tại talkshow, ông chia sẻ: “Nghệ thuật Tuồng Việt Nam là một loại hình kịch hát dân tộc, đã có từ rất lâu đời với nội dung đề cao tư tưởng, tinh thần xả thân vì nghĩa lớn. Nghệ sĩ hát, múa, biểu diễn với thủ pháp cách điệu ước lệ cùng dàn nhạc đệm phụ họa các thể văn, thơ có niêm luật chặt chẽ”.
“Nghệ thuật Tuồng từ trước tới nay có rất nhiều tác phẩm dân gian để lại dấu ấn, trong những năm gần đây Nhà hát Tuồng Việt Nam còn có thêm những vở diễn về lịch sử cận đại, hiện đại và cả thể nghiệm ở nước ngoài”. Nguyên Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Tạ Văn Sốp chia sẻ thêm.
NSƯT Lộc Huyền (Nguyễn Thị Lộc Huyền) hiện là trưởng đoàn nghệ thuật thể nghiệm của Nhà hát Tuồng Việt Nam. Không chỉ khẳng định tên tuổi trong nhiều năm hoạt động nghệ thuật, NSUT Lộc Huyền vẫn không ngừng tìm kiếm, truyền lửa đam mê đến với lớp diễn viên trẻ tương lai cũng như gìn giữ, phát huy giá trị của sân khấu nghệ thuật truyền thống. “Trong suốt 20 năm gắn bó với Nhà hát Tuồng Việt Nam, tôi có cả những khó khăn và thuận lợi nhưng phần khó khăn vẫn nhiều hơn. Thứ nhất khó khăn ở chỗ đồng lương bồi dưỡng, thù lao cho nghệ sĩ Tuồng vẫn còn thấp, thứ hai là hiện nay còn rất thiếu những thế hệ tiếp nối. Từ năm 2018 đến nay, chưa có tổ chức được một lớp đào tạo nào về nhạc công hay diễn viên Tuồng. Trước đó có trường Sân khấu điện ảnh tổ chức đào tạo, tuy nhiên do có nhiều thay đổi nên hiện trường cũng không tổ chức được. Tiếp nữa là đội ngũ tác giả, đạo diễn còn rất khan hiếm” - NSƯT Lộc Huyền vô cùng trăn trở.
20 năm gắn bó với sân khấu Tuồng, NSƯT Lộc Huyền vẫn không ngừng nỗ lực, học tập, rèn giũa. Với nữ nghệ sĩ, học tập là để sáng tạo, đồng thời là tích lũy kinh nghiệm để truyền lại cho đội ngũ kế cận.
Trong những năm qua, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp để đưa nghệ thuật tuồng đến với khán giả trẻ qua việc tổ chức các sự kiện, hội thảo, các dự án, liveshow, chương trình biểu diễn phù hợp với các bạn trẻ và "Khai sắc Tuồng thanh" là một trong số đó. Nhà hát đã kết hợp với các bạn trẻ có những kỹ năng truyền thông, ứng dụng yếu tố kỹ thuật hiện đại để đưa tuồng ngày càng tới gần hơn với khán giả trẻ.
Bùi Yến Linh - Trưởng nhóm Marketing - Truyền thông, thuộc Phòng Tổ chức Biểu diễn Nhà hát Tuồng Việt Nam chia sẻ về cách “trẻ hóa” Tuồng nhằm thu hút khán giả: “Trước khi tôi bắt đầu công tác tại Nhà hát Tuồng Việt Nam, các lãnh đạo và nghệ sĩ đã tìm rất nhiều cách để đến với giới trẻ, đặc biệt là việc tạo điều kiện rất nhiều cho các bạn trẻ tích cực làm truyền thông. Và tôi là một trong số đó, tôi rất vinh dự khi được ban lãnh đạo Nhà hát tin tưởng và giúp đỡ tôi gửi những thông điệp, câu chuyện thú vị về Tuồng tới với công chúng và đã nhận được nhiều tín hiệu tích cực. Cụ thể là trong những năm vừa qua, các bạn trẻ kết hợp cùng Nhà hát Tuồng đã tổ chức thành công nhiều sự kiện như “Tuồng kể” hay “Tuồng Date”.
Có thể nói, dù đang đối mặt với muôn vàn thách thức trước sự tràn ngập của các làn sóng văn hóa nghệ thuật hiện đại, nhưng bằng tình yêu và niềm đam mê mãnh liệt, những người trẻ vẫn bền bỉ "giữ lửa" cho Tuồng. Họ mang trong mình nỗi trăn trở sâu sắc về việc gìn giữ và phát huy những giá trị độc đáo của loại hình nghệ thuật truyền thống này, quyết tâm bảo tồn Tuồng - một phần không thể thiếu của bản sắc văn hóa dân tộc.