Gặp gỡ "gương mặt vàng" của làng nghề tò he Việt
(Sóng trẻ) - Tại triển lãm Tòhe • vo • lu • tion diễn ra ở VICAS ART STUDIO (Hà Nội), khách tham quan không chỉ được tìm hiểu về tò he, một nét đẹp truyền thống trong văn hóa Việt Nam, mà còn có cơ hội giao lưu với nghệ nhân trẻ tuổi Đặng Văn Hậu, gương mặt vàng của làng nghề tò he Việt.
Nghệ nhân Đặng Văn Hậu trực tiếp nặn tò he tại triển lãm
Khách mời sự kiện, anh Đặng Văn Hậu, sinh năm 1985 tại thôn Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội là một nghệ nhân tò he. Tuy còn trẻ, song anh Hậu đã có hơn 15 năm trong nghề với nhiều thành tích nổi trội như: tham gia khôi phục các mẫu con giống cổ, phát triển được chất bột làm tò he mới mang nhiều đặc tính ưu việt hơn chất bột cũ, thành lập nhóm Toheviet, nhận danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội” vào năm 2014,… Không chỉ vậy, anh còn mở nhiều lớp dạy nặn tò he nhằm lưu truyền nét văn hóa này.
Chia sẻ về mối "lương duyên" giữa mình và tò he, anh nói: "Thật ra thì cơ duyên của mình với nghề cũng không có gì quá cao xa. Mình vốn được sinh ra và lớn lên tại làng nghề truyền thống nên việc biết tới cũng như một lẽ tự nhiên. Nhưng sau đó khi đi làm nghề, công việc này mang tới cho mình rất nhiều niềm vui. Đồng thời, mình nhận thức được tò he không chỉ đem tới sự vui vẻ cho mọi người mà còn là một nét đẹp văn hóa cổ của dân gian Việt Nam. Chính vì vậy, mình muốn gìn giữ và khôi phục, phát triển tò he để văn hóa Việt thêm đậm đà bản sắc dân tộc".
Điểm nhấn của triển lãm Tòhe • vo • lu • tion chính là đoàn diễu hành tò he dài 6m với 200 mẫu vật khác nhau thể hiện quá trình biến hóa theo từng giai đoạn của tò he, từ thuở sơ khai tới hiện đại. Theo như tìm hiểu, toàn bộ các tác phẩm tò he thuộc đoàn diễu hành được trưng bày đều do nghệ nhân Đặng Văn Hậu và các thành viên đội ngũ Toheviet thực hiện.
Đoàn diễu hành tò he
Kể về lịch sử tò he, anh Hậu cho biết: “Tò he, hay con giống bột, xuất phát là món đồ chơi Trung Thu của trẻ em Việt Nam. Điểm đặc biệt là loại đồ chơi con giống bột chưa từng được nhắc đến ở các quồc gia khác. Trong triển lãm lần này, mình mang tới ba loại giống Hà Nội xưa: con giống Đồng Xuân, con giống Phố Khách và con giống Phú Xuyên. Mỗi vùng có một phong cách làm khác nhau”.
Một số mẫu vật do chính tay anh Đặng Văn Hậu và các thành viên Toheviet thực hiện
Qua những chia sẻ của nghệ nhân, khách tham quan có thêm nhiều kiến thức về các trường phái tò he khác nhau: con giống Đồng Xuân xoay quanh các con vật, vật dụng gần gũi với nông thôn Việt Nam, hay những nhân vật trong tín ngưỡng dân gian như bộ Tứ Phủ. Loại tò he của người Phố Khách thường là về các con vật thần thoại như bộ Tứ Linh, Long Ly Quy Phụng. Đặc trưng của con giống này chính phần thân được tạo hình bằng những chiếc kẹp đồng. Con giống bột Phú Xuyên hay bánh chim cò với chất liệu làm bằng bột tẻ được nhuộm màu thực phẩm tự nhiên như rau ngót, nhọ nồi,... mang phong cách vô cùng sáng tạo. Đặc biệt, theo lời kể của anh Hậu, tên gọi bánh chim cò xuất phát từ thời xa xưa, khi Việt Nam còn khó khăn, loại tò he Phú Xuyên được làm từ bột có thể ăn được đối với trẻ con khi ấy là một món đồ chơi vô cùng quý giá.
Nghệ nhân Đặng Văn Hậu và nhà nghiên cứu Trịnh Bách giới thiệu tò he với các khách tham quan nại quốc
Khi được hỏi về những khó khăn trong quá trình lưu giữ nét đẹp truyền thống, nghệ nhân trẻ Đặng Văn Hậu bày tỏ suy nghĩ: “Khó khăn thì có muôn vàn khó khăn, nếu như bây giờ chúng ta không nỗ lực, không đổi mới, sáng tạo thì sẽ vô cùng tụt hậu. Vậy nên tư duy và cách làm cần phải phát triển hơn”.
“Nặn tò he cũng giống như các ngành nghề mỹ thuật khác, cần có mắt quan sát cùng tính thẩm mỹ. Điều quan trọng là các nghệ nhân luôn mong muốn đem những gì đẹp nhất, tốt nhất, gửi gắm vào sản phẩm để dành tặng cho các em nhỏ” – Anh khẳng định.
Có cơ hội được tham gia sự kiện triển lãm Tòhe • vo • lu • tion do câu lạc bộ Current Media của trường Đại học RMIT thực hiện, nghệ nhân tò he Đặng Văn Hậu cho biết anh cảm thấy vô cùng vui mừng. Theo anh, dịp này chính là cơ hội để làng nghề truyền thống có thể giới thiệu thêm với công chúng và các bạn bè quốc tế nét văn hóa đặc sắc của người Việt Nam.
“Mình vẫn luôn luôn cố gắng làm sao để tò he có thể phát triển hơn nữa, để đối tượng biết đến loại hình đồ chơi này thêm rộng rãi hơn, cũng như trẻ em sẽ ngày một yêu thích tò he hơn. Nài ra, mình cũng có dự định khôi phục thêm những mẫu con giống của người Đồng Xuân, người Phố Khách đã bị thất truyền bấy lấu nay, để mọi người hiểu thêm về các trường phái con giống bột cổ Hà Nội và dựng xây lại nét đẹp truyền thống xưa” – Nghệ nhân Đặng Văn Hậu tâm sự.
Phạm Phương Linh
Cùng chuyên mục
Bình luận