Gian lận thương mại điện tử (Bài 2): Thiệt hại ảo, hậu quả thật
(Sóng trẻ) - Từ vài ngàn đồng đến hàng triệu đồng, “ma trận” gian lận thương mại điện tử bủa vây khiến thị trường hơn 60 triệu người mua sắm trực tuyến tại Việt Nam lao đao vì những sản phẩm kém chất lượng.
Hoang mang vì thật giả lẫn lộn
Anh Nguyễn Hùng (Cầu Giấy, Hà Nội) vừa qua đã đặt mua một chiếc iPhone 16 mới ra mắt trên sàn thương mại điện tử Shopee. Bỏ ra số tiền hơn 30 triệu đồng nhưng anh phải nhận lại chiếc điện thoại lỗi phần mềm với vỏ seal đen nhẻm, trầy xước. “Tôi đã phản hồi với bên bán về vấn đề sản phẩm bị lỗi, nhưng cuối cùng hậu quả vẫn là tôi phải chịu. Dù có clip quay lại lúc hoàn hàng, kiểm tra trực tiếp cùng shipper (người giao hàng), và không thấy trầy xước, nhưng sản phẩm khi được trả về lại bị thông báo lỗi trầy xước”, anh Hùng bức xúc.
Điều đáng nói, dù gửi kiến nghị yêu cầu đưa sản phẩm lên thẩm định trung lập, Shopee lại né tránh và để bên bán tự thẩm định. Cuối cùng, anh Hùng phải chịu thiệt mà không nhận được bất kỳ lời giải thích thỏa đáng nào. “Từ nay tôi không dám đồ điện tử đắt tiền qua mạng nữa, đồ càng đắt tiền càng phải ra cửa hàng thấy tận mắt, sờ tận tay mới yên tâm được”, anh Hùng cho biết thêm.
Kiến nghị của anh Hùng chỉ là 1 trong hơn 1.500 đơn khiếu nại mỗi năm liên quan đến các giao dịch trực tuyến, chủ yếu xoay quanh việc người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc hoặc không có chứng từ hợp lệ theo thống kê từ Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương).
Điều này đã gây ra sự mất niềm tin nghiêm trọng từ phía người tiêu dùng đối với các nền tảng thương mại điện tử, ngay cả những sàn uy tín như Shopee, Lazada, Tiki. Các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi hơn để lách luật và khó bị kiểm soát bởi các cơ quan chức năng. Mặc dù lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện hơn 3.000 vụ vi phạm trong năm 2021, nhưng vẫn còn nhiều thách thức trong việc ngăn chặn vấn nạn này, làm gia tăng nguy cơ tổn hại cho thị trường và lòng tin của người tiêu dùng.
Việc kiểm soát trở nên khó khăn chủ yếu là do các sàn TMĐT hoạt động theo mô hình cho thuê gian hàng online, sản phẩm khó được kiểm duyệt kỹ lưỡng trước khi đến tay người tiêu dùng. Chỉ khi có khiếu nại từ khách hàng, sàn TMĐT mới tiến hành rà soát, nhưng cũng không ít trường hợp người mua phải tự mình đối diện với rắc rối khi sản phẩm đã bị lỗi hoặc hàng giả.
Quỳnh Anh (21 tuổi, Quảng Ninh) đã có kinh nghiệm mua hàng trực tuyến 5 năm nhưng mới đây lại “dính” phải một lọ kem chống nắng giả với thiệt hại khoảng 400 ngàn đồng. “Nhẹ dạ cả tin, lại bị cuốn theo lời mời chào hấp dẫn của các streamer trên sàn thương mại điện tử nên mình không tìm hiểu kỹ mà “chốt đơn” ngay tức khắc. Kết quả nhận về là một lọ kem lõng bõng nước hóa chất kèm theo mùi hương khó chịu, khác hẳn lọ kem cũ đã mua cách đây mấy tháng. Sàn thương mại này dạo gần đây cũng rất “hot” nên mình muốn trải nghiệm thử. Giá cả ưu đãi thật nhưng mua phải hàng giả như thế này thì mình thì mua giá gốc tại cửa hàng còn hơn”, Quỳnh Anh ngậm ngùi.
Cũng theo Quỳnh Anh, do nhu cầu sử dụng mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc da ngày càng tăng nên thời gian mua sắm trực tuyến của chị cũng tăng dần. Ban đầu, việc mua hàng qua mạng giúp chị tiết kiệm nhiều thời gian và công sức di chuyển trực tiếp đến các đại lý phân phối, tuy nhiên, nhiều lần “ăn trái đắng” vì mua phải hàng giả khiến chị ngày càng thận trọng hơn với các sản phẩm bày bán tràn lan trên mạng.
Người mua càng thận trọng bao nhiêu, các “gian thương trực tuyến” lại có nhiều chiêu trò bấy nhiêu. Lợi dụng lỗ hổng công nghệ trên các sàn thương mại điện tử, nhiều cửa hàng tận dụng tâm lý người tiêu dùng thường tin tưởng lượng đơn hàng lớn bằng cách sử dụng dịch vụ "buff" đơn ảo, “hack” lượt đánh giá, thuê seeding,... Tất cả nhằm tăng khả năng hiển thị trên các sàn thương mại và tạo lòng tin với người mua. Rốt cuộc, để chọn được món đồ như ý muốn, Quỳnh Anh và nhiều người mua hàng trực tuyến vẫn phải tốn hàng tiếng đồng hồ để kiểm tra nguồn gốc, đọc đánh giá,... về sản phẩm. “Có những lần thức đến 2, 3 giờ sáng mà vẫn không chọn được chỉ vì linh cảm đây là sản phẩm kém chất lượng”, Quỳnh Anh cho biết.
Hàng giả bủa vây, doanh nghiệp điêu đứng
Tình trạng lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu và gian lận thương mại đang ngày càng phức tạp. Hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, vi phạm sở hữu trí tuệ và kém chất lượng xuất hiện tràn lan, đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội. Trong khi đó, nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dân ngày càng tăng cao khiến các đối tượng lợi dụng để bán hàng cấm, hàng lậu, gây khó khăn cho việc kiểm soát và xử lý. Việc xác minh và truy tìm các hành vi vi phạm này càng trở nên thách thức do thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng cho hoạt động kinh doanh trực tuyến.
POD là viết tắt của "Print on Demand," một mô hình kinh doanh cho phép sản xuất sản phẩm chỉ khi có đơn đặt hàng, thay vì phải duy trì một lượng lớn hàng tồn kho trước. Trong ngành POD, khách hàng có thể tùy chọn sản phẩm, thiết kế, và thậm chí là nội dung trên sản phẩm, và sau đó, sản phẩm được sản xuất theo yêu cầu đã đưa ra. Những mặt hàng phổ biến trong thị trường POD là quần áo, cốc, mũ, túi xách, tranh treo tường... |
Đột nhập vào 1 mô hình kinh doanh POD (print-on-demand) trên Tiktok shop, nhóm phóng viên phải “trầm trồ” với lợi nhuận ròng lên tới hàng tỷ đồng mỗi tháng. Tiếp cận một nhân viên làm việc tại mô hình này, chị T. cho biết công việc chính tại đây là đi tìm thiết kế trên các mẫu áo của các thương hiệu nổi tiếng và “nhái” lại sản phẩm này với giá rẻ chỉ bằng 1/10 so với sản phẩm gốc. Chị T. cho biết thêm, bản thân cùng khoảng gần 20 “đồng nghiệp” khác được giao một chiếc điện thoại đời cũ để vận hành các tài khoản Tiktok “ma” bán hàng. “Nhiều lần bị thương hiệu gốc tố cáo, bay kênh thì lại lập kênh khác rồi bán tiếp. Một kênh Tiktok hoạt động ổn định trong 1 tháng có thể đem lại lợi nhuận từ 500 lên đến hàng ngàn USD.”
Để tối đa hóa lợi nhuận, các mô hình POD “lệch chuẩn” như thế này thường đặt máy chủ tại Mỹ hoặc các khu vực ngoài nước để ăn chia khoản chênh lệch ngoại tệ và trốn thuế. Hằng tháng, số vốn duy trì chỉ đơn thuần để chi trả cho vài triệu đồng thuê sinh viên làm việc hoặc thay mới điện thoại cũ, xây kênh,... các mô hình này có thể tự do kiếm trác trái pháp luật, trái đạo đức từ việc “ký sinh” vào thương hiệu gốc. “Công ty tôi thậm chí còn từng nhái hàng một thương hiệu bán sản phẩm vì mục đích tình nguyện. Thất đức là thế, nhưng ngoài công ty tôi thì còn nhan nhản các nơi khác cũng làm vậy, lương thưởng cũng cao so với sinh viên nên đành nhắm mắt bỏ qua.”
Thủ đoạn gian lận công nghệ cao xảo quyệt diễn ra trên các nền tảng trực tuyến khiến các cơ quan chức năng phải mất nhiều thời gian để truy vết tận gốc. Nhẹ thì bán hàng giả, hàng nhái, nặng thì lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điểm chung của các thủ đoạn này là gây ra hậu quả khôn lường tới thương hiệu bị nhắm tới.
Vào đầu tháng 8 vừa qua, trong quá trình kiểm tra các hộ kinh doanh tại TP Lào Cai (tỉnh Lào Cai), lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều cửa hàng đang bày bán các sản phẩm giả mạo của những thương hiệu nổi tiếng như Gucci, Louis Vuitton... Tất cả các mặt hàng này đều là hàng giả, vi phạm quyền sở hữu nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam, và các hộ kinh doanh đã bán chúng thông qua mạng xã hội. Trước đó, tại nhiều tỉnh thành khác, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện nhiều cửa hàng và kho hàng trưng bày, chứa đựng và buôn bán các sản phẩm giả mạo các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Hermès, Gucci... với giá trị lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng.
Không chỉ các thương hiệu nổi tiếng, một nhãn hàng thời trang tại Việt Nam tên Cardina đã phải lên bài cảnh báo hàng giả tới người tiêu dùng, kêu gọi họ cẩn trọng khi mua các sản phẩm áo chống nắng sợi lạnh giá rẻ đang tràn lan trên mạng. Theo thông tin từ Cardina, nhiều đối tượng đã lợi dụng uy tín của thương hiệu để kinh doanh các sản phẩm áo chống nắng sợi lạnh giả mạo, với chất lượng kém, ảnh hưởng lớn đến trải nghiệm của khách hàng.
Đại diện Cardina nhấn mạnh, sản phẩm thật của họ luôn được chú trọng về chất liệu, thiết kế và đường may, mang đến sự bảo vệ và tiện lợi tối ưu. Tuy nhiên, các sản phẩm giả mạo này có chất vải dày, bí và thiếu tinh tế trong từng chi tiết, không chỉ làm giảm hiệu quả bảo vệ mà còn có thể gây hại cho làn da khi sử dụng. Thương hiệu khuyến cáo khách hàng ngừng ngay việc mua các sản phẩm áo chống nắng không rõ nguồn gốc để tránh mua phải hàng kém chất lượng, gây thiệt hại về kinh tế và sức khỏe.
Từ góc độ doanh nghiệp, sản phẩm chính là thành quả của cả quá trình đầu tư công sức và nguồn lực để xây dựng và phát triển. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp tung ra sản phẩm mới, chỉ sau một thời gian ngắn, các sản phẩm giả đã xuất hiện tràn lan trên thị trường với giá rẻ hơn nhiều so với hàng chính hãng, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc cạnh tranh. Đặc biệt, hàng giả, hàng nhái thường có chất lượng kém, và người tiêu dùng lại khó phân biệt được thật - giả, dẫn đến việc họ có những đánh giá sai lệch về chất lượng của doanh nghiệp. Điều này không chỉ làm suy giảm uy tín và thương hiệu, mà còn có thể đẩy doanh nghiệp đến nguy cơ phá sản.