Giỗ Tổ Hùng Vương: Giá trị văn hóa của người Việt

(Sóng trẻ) - Từ lâu, giỗ Tổ Hùng Vương trở thành một biểu tượng tinh thần, mang bản sắc văn hóa độc đáo, kết thành ý thức nguồn cội, nghĩa đồng bào và trở thành yếu tố nội lực tạo nên sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam.

2.jpg
GS.TS. NGND Trần Văn Bính, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Cứ đến mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, khu Di tích lịch sử Đền Hùng tại núi Nghĩa Lĩnh (Việt Trì, Phú Thọ) lại náo nức, rộn ràng, đón bước chân hành hương của những người con từ mọi miền đất nước. Trong lòng mỗi người không chỉ cầu mong cho bản thân, gia đình mà còn cầu cho xã tắc thịnh vượng, quốc thái dân an.

Cùng với thời gian, sức mạnh của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày càng được phát huy, quy tụ sự đoàn kết các thế hệ người dân Việt Nam trong và ngoài nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. PV Sóng trẻ đã có cuộc trao đổi với GS.TS. NGND Trần Văn Bính, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về vấn đề này.

PV: Thưa GS, nếu nói về giá trị của tín ngưỡng Hùng Vương của ngày Giỗ tổ, ông sẽ nói sao?

Nói về giá trị thì phải dựa vào những truyền thuyết, những tín ngưỡng mà cha ông ta ngày xưa đã tạo nên. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một hình thức thờ Tổ độc đáo mà hiếm quốc gia nào trên thế giới có được.

Tất cả chúng ta, dù người miền Bắc, miền Nam, miền Trung, dù người miền núi, miền xuôi, miền biển đều có chung một bọc trứng của Âu Cơ. Do đó, chúng ta có một mối quan hệ đặc biệt, chỉ dân tộc Việt Nam mới có. Vì vậy, giá trị sâu xa của tín ngưỡng Hùng Vương là sự gắn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Việt, những người có chung một cội, cùng chung một nguồn.

PV: Quốc gia nào cũng có gắn liền với cội nguồn, lịch sử hình quốc gia dân tộc ấy. Vậy cách gắn kết của chúng ta qua tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương hiện nay có gì khác không, thưa ông?

Nhìn ra thế giới, ví dụ như người Nhật Bản, họ quy chuẩn thờ phụng rất chặt chẽ. Người Trung Quốc thì quan hệ của họ là quan hệ xã hội, quan hệ kỷ cương, quan hệ cao - thấp. Còn ở Việt Nam, chúng ta có chung một ông Tổ. Vì vậy, quốc Tổ là tổ tiên, ông bà và dòng họ. Tất cả đều trong một mối quan hệ gia đình.

PV: Giỗ tổ là ngày lễ của toàn dân tộc, vậy làm cách nào để có thể gắn kết nhân dân từ Bắc vào Nam trong ngày lễ truyền thống này?

Vừa qua, ngày 6/4/2022, công trình Đền thờ các Vua Hùng tại thành phố Cần Thơ đã chính thức khánh thành. Đây là điểm hội tụ tâm linh thờ kính tôn nghiêm các vua Hùng tại vùng đất phương Nam và kết nối linh thiêng với Đền Hùng nơi đất Bắc, như mạch nguồn Bắc - Nam một nhà, non sông một dải, phát triển giàu mạnh, hùng cường.

Để có thể gắn kết nhân dân từ Bắc vào Nam, giúp bà con không có điều kiện ra viếng Đền Thờ Vua Hùng tại Phú Thọ, chúng ta cần mở rộng xây dựng tiếp công trình Đền thờ Vua Hùng tại các địa phương. Đây là nhu cầu sống còn của cả dân tộc, không chỉ là tôn vinh Quốc Tổ, nhắc nhớ đạo lý uống nước nhớ nguồn, mà còn khẳng định nền độc lập, tự cường, tự chủ toàn diện của dân tộc ta. 

Đồng thời, lan tỏa kết nối với mạng lưới các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, phục vụ du khách tham quan, chiêm bái, tưởng niệm. Việc làm này cũng là giải pháp phục hồi du lịch sau khoảng thời gian “ngủ đông” vì đại dịch COVID-19.

PV: Theo GS, có phải cứ đến tận nơi mới thể hiện được lòng biết ơn, sự thành kính với tổ tiên và được phù hộ độ trì, còn chiêm bái từ xa thì không thể hiện được, không linh?

Chúng ta thường nói là “Phật tại tâm”. Vì vậy, ở bất cứ chỗ nào cũng có Phật cả, chứ không phải chỉ lên chùa mới có. Đối với vua Hùng cũng vậy, chúng ta có thể thờ cúng vua Hùng trong tâm niệm, trong suy nghĩ của mình, ở bất cứ địa phương nào, bất cứ nơi nào trên đất nước, thậm chí ở nước ngoài.

Từ chỗ chỉ có một đền Hùng, bây giờ, chúng ta có hàng trăm nơi để đến ngày 10/3. Mọi người có thể đến đó để hành hương, gửi tấm lòng của mình cho tổ tiên, cho vận nước, cho quốc gia, cho dân tộc, tránh tình trạng chen lấn, xô đẩy, gây hỗn loạn.

PV: 10 năm sau ngày UNESCO vinh danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản vật thể đại diện của nhân loại. Theo GS, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã và đang được phát huy trong hiện tại và tương lai.

Khi bước vào thời kỳ kinh tế thị trường, hội nhập toàn cầu, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương hay bất cứ một cơ sở văn hóa, loại hình văn hóa nào cũng đều đứng trước những thách thức.

Hiện nay, một số thanh niên đã quên mất cội nguồn của mình, quên mất giá trị tinh thần của dân tộc và chạy theo những cái thị hiếu, những cái gu của các nước. Vì vậy, nếu không duy trì và phát triển để nó tồn tại với thời đại ngày nay thì đến một lúc nào đó người ta cũng quên đi hoặc không công nhận nữa, chứ không phải cứ được vinh danh là tồn tại mãi mãi.

Chúng ta cần nhận thức được chúng ta là ai, chúng ta từ đâu tới. Khi chúng ta hiểu được chúng ta là ai, chúng ta từ đâu tới thì chúng ta sẽ biết được chúng ta đi về đâu. Ý nghĩa của việc nâng cao giá trị, sức sống của câu chuyện Hùng Vương dựng nước là ở chỗ đó.

Từ năm 1942, giáo dục cách mạng Việt Nam đã nhấn mạnh rất nhiều vai trò của Hùng Vương. Rồi đến năm 1954, khi vùng đại đoàn quân tiên phong về tiếp quản Thủ đô, dừng chân tại đền thờ cụ tổ, Bác đã nói với đoàn quân rằng “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Cái chữ “giữ lấy nước” không chỉ có ý nghĩa giữ biên cương, đất đai của Tổ quốc mà là giữ cho được hồn thiêng sông núi. Cái hồn thiêng sông núi đó chính là giá trị văn hóa, giá trị làm người của Việt Nam chúng ta.

PV: Theo GS, khi thờ cúng Hùng Vương, chúng ta cần chú ý điều gì để tránh biến tướng không tốt?

Do ảnh hưởng của yếu tố "mua Thần, bán Thánh", một số nghi thức bị biến tướng, thương mại hóa, mê tín dị đoan như bói quẻ, xóc thẻ, sắm đồ vàng mã quá nhiều…làm giảm giá trị nhân văn của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Chúng ta phải nhớ thờ cúng Hùng Vương là thờ tổ tiên, biết ơn công lao của những người đi trước, hiểu được nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Ngoài ra, cần tránh nhà nước hóa, hiện đại hóa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Bởi nghi lễ thờ cúng Hùng Vương do quần chúng nhân dân sáng tạo ra, được lưu truyền qua các thời kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước, xuất phát từ nhu cầu tinh thần khách quan của cuộc sống lao động sản xuất chống chọi với thiên nhiên và giặc ngoại xâm. Vì vậy, nên để nhân dân chủ động tổ chức các nghi thức theo truyền thống đã có ở địa phương. Tránh việc tham gia chỉ đạo của chính quyền làm cho nghi thức bị sai lệch, sao chép mất đi bản sắc riêng.

Xin chân thành cảm ơn GS!

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN