Giới trẻ với nghệ thuật truyền thống
(Sóng Trẻ) - Nói tới nghệ thuật truyền thống là nói tới tuồng, chèo, quan họ, cải lương, ca kịch, bài chòi,… những nét văn hóa tinh thần đặc sắc mà cha ông ta để lại. Thế nhưng trong cơn lốc của thời đại công nghệ số những giá trị tinh thần truyền thống này đang ngày bị mai một.
Nghệ thuật truyền thống đang sống… lay lắt?
Sự bùng nổ của các phương tiện nghe nhìn hiện đại đã tác động mạnh mẽ đến nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của giới trẻ. Không phải là những vở kịch, những làn điệu dân ca, ngày nay hầu hết các bạn trẻ đều yêu thích Kpop, Vpop, các bài nhạc trẻ sôi động.
Bạn Phan Ánh (19 tuổi) chia sẻ : “Mình thích các bài nhạc sôi động hơn, mình ít nghe nhạc truyền thống vì nó có giai điệu nhẹ nhàng song mình không hiểu nên dễ chán và buồn ngủ ”
Nhu cầu thưởng thức là tự nguyện, người ta chỉ xem những gì người ta hiểu, người ta cho là hay, chẳng thế mà đã có biết bao câu chuyện nghề cảm động được kể lại : “ Có những đêm diễn trang điểm xong, vén tấm màn nhung nhìn xuống hàng ghế khán giả thấy vắng hoe. Cả đoàn vài chục con người luôn trong tư thế sẵn sàng, chỉ cần vài ba khán giả vào rạp là mở màn biểu diễn, nhưng cũng chẳng có khán giả nào đến rạp. Dù được chuẩn bị kỹ càng, công phu, cuối cùng đêm diễn cũng đành phải hủy” - một người nghệ sĩ của nhà hát chèo chia sẻ.
Sân khấu kịch vắng khán giả hơn trước
Nguyên nhân không chỉ dừng lại ở việc “hợp khẩu vị”
Nghệ thuật truyền thống được giới trẻ ít quan tâm, một phần lí do là vì nó khá trừu tượng với nhiều lớp nghĩa đòi hỏi người tiếp nhận phải có một vốn kiến thức nhất định mới hiểu được. Trong khi đó các môn nghệ thuật hiện đại lại xâm nhập sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống, dễ hấp thụ, phù hợp với lối sống nhanh, hiện đại.
Một buổi biểu diễn kịch
Mặt khác một phần cũng do nghệ thuật truyền thống chưa được quan tâm đúng mức, các chương trình biểu diễn chưa mang tầm cỡ quốc gia, đa số nhỏ lẻ. Công tác truyền thông giảng dạy vẫn còn nhiều hạn chế làm cho giới trẻ ít được tiếp xúc với các bộ môn nghệ thuật truyền thống, Đó là còn chưa kể đời sống của chính những người nghệ sĩ còn gặp phải rất nhiều khó khăn, ngay cả những người làm nghệ thuật còn khó theo đuổi công việc của mình thì nó chắc chắn lại càng khó đến được với mọi người nhất là giới trẻ.
Tìm lại chỗ đứng cho nghệ thuật truyền thống
Nghệ thuật truyền thống đang cần truyền lửa và thực tế đã có không ít các dự án, các chương trình tiếp lửa cho các bộ môn truyền thống này. Nhiều chương trình truyền hình với các tiết mục dân gian được dàn dựng sáng tạo, kết hợp với hiệu ứng kĩ thuật sân khấu hiện đại đã thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ. Các chương trình “Giọng hát Việt”, “Vietnam’s t Talent”, “Gương mặt thân quen nhí”,… góp phần tìm ra các tài năng trẻ, có năng khiếu, có triển vọng để phát triển âm nhạc truyền thống.
Bên cạnh đó cũng có không ít các bạn trẻ vẫn mang trong mình tình yêu với các môn nghệ thuật truyền thống, rất nhiều các câu lạc bộ, đội, nhóm được thành lập với mục đích giữ gìn và phát triển nghệ thuật truyền thống của nước nhà. Dự án Chèo 48h là một trong số đó, được thành lập từ tháng 7 năm 2014 do một nhóm bạn trẻ khởi xướng, Chèo 48h đã góp phần đem nhũng câu hát, những làn điệu dân tộc đến gần hơn với giới trẻ hiện nay.
Một buổi biểu diễn của Chèo 48h
Nghệ thuật truyền thống tuy còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với giới trẻ nhưng với những cố gắng, nỗ lực của các cơ quan tổ chức, các cá nhân trong việc giữ gìn và phát triển các môn nghệ thuật này chũng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào một tương lai rực rỡ, khởi sắc của nghệ thuật truyền thống Việt Nam.
Kỳ Anh
Ảnh: Internet
Cùng chuyên mục
Bình luận