Hai cuộc đời trong một con người - Nhà báo và những vai diễn

(Sóng trẻ) - Nhà báo là cầu nối giữa sự thật và công chúng, họ không chỉ là người đưa tin mà còn là người bảo vệ sự minh bạch, công lý. Trên hành trình ấy đầy rẫy chông gai với thách thức về chuyên môn và cả những rủi ro, họ đã vượt qua những điều đó bằng cách nào? Những chia sẻ của phóng viên Minh Quang (Báo Dân trí) - người đã trực tiếp dấn thân vào các tình huống khó khăn, khắc nghiệt sẽ mang đến góc nhìn khác về những lần mà nhà báo phải nhập vai.

Nghề báo đôi lúc rực rỡ như ánh hào quang, nhưng cũng có những giây phút trầm lặng, lắng đọng trong những góc khuất ít ai biết đến.

Viên đá thô mài dũa thành ngọc “tạm” sáng

Phóng viên: Những bước chân đầu tiên của anh đã in dấu ra sao trong sự nghiệp báo chí?

Phóng viên Minh Quang: Đến thời điểm hiện tại tôi đã bắt đầu sự nghiệp làm báo được 7 năm. Hành trình bắt đầu từ cuối năm hai đại học, tôi có cơ hội kiến tập tại Đài Truyền hình Việt Nam, tôi đã học tập từ các anh chị đi trước, quan sát cách họ sản xuất tin bài và các chương trình truyền hình, học hỏi cách một cơ quan báo chí chuyên nghiệp vận hành như thế nào.
Sau quá trình học hỏi và tích lũy kiến thức từ trường đại học, tôi tiếp tục mạnh dạn xin thực tập tại các cơ quan báo chí lớn như Thông tấn xã Việt Nam và Truyền hình Nhân dân. Thời điểm đó, bản thân giống như một viên đá bình thường sau khi mài dũa qua môi trường báo chí chuyên nghiệp dần trở thành một viên ngọc tạm coi là hoàn chỉnh.

anh-1-_-tinh-than-khong-ngung-dan-than-cua-phong-vien-minh-quang-anh_-nvcc.jpg
Tinh thần không ngừng dấn thân của phóng viên Minh Quang. ( Ảnh: NVCC )

 

Ngay vào thời điểm ra trường, tôi đã nhận ra rằng sự cạnh tranh trong ngành báo là rất lớn, không chỉ từ các sinh viên báo chí mà còn từ sinh viên rất nhiều trường đại học khác. Vậy nên, tôi luôn tự hỏi rằng tại sao các bạn sinh viên trường báo không nuôi dưỡng cho mình một niềm đam mê mãnh liệt, một tinh thần sẵn sàng để trở thành những nhà báo xuất sắc nhất. Điều đó thôi thúc tôi phải nỗ lực không ngừng, chủ động tìm kiếm cơ hội công tác với nhiều cơ quan báo chí. Có một điều may mắn là đến mỗi nơi tôi đều có được bài học quý giá từ những phóng viên kỳ cựu, xuất chúng trong lĩnh vực mà họ theo đuổi. Hiện tại tôi đang là phóng viên của báo Dân trí, một trong những tờ báo có lượng độc giả lớn nhất Việt Nam.

Phóng viên: Kỷ niệm lần đầu được tác nghiệp với tư cách nhà báo của anh như thế nào ? Điều gì đã ghi dấu đậm sâu trong tâm trí?

Phóng viên Minh Quang: Sản phẩm đầu tiên mà tôi được giao tác nghiệp hoàn toàn độc lập là về việc chợ Long Biên áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn trong mùa dịch Covid-19. Thời điểm đó, thông tin về dịch bệnh rất được lưu tâm và việc tác nghiệp tại một trong những chợ đầu mối lớn nhất miền Bắc khiến tôi cảm thấy bối rối, không biết nên bắt đầu từ đâu và phải làm gì. Đặc biệt, tại các khu chợ đầu mối, người dân thường rất nhạy cảm với ống kính máy quay, nên mỗi lần tôi đưa máy lên ghi hình, họ đều nhìn với ánh mắt đầy dè dặt và cảnh giác.

Đây thực sự là một thách thức lớn đối với tôi. Tôi đã phải đến chợ nhiều lần, nhưng mỗi lần về xem lại thì số lượng cảnh quay thu được rất hạn chế. Điều này khiến tôi nhận ra rằng nghề báo không hề dễ dàng như khi ngồi trên ghế nhà trường. Những khó khăn này đã dạy cho tôi sự kiên trì và hiểu rằng, để có được sản phẩm tốt, đôi khi phải đối mặt với nhiều thử thách và vượt qua chúng từng bước một.

Phóng viên: Trong suốt 7 năm làm nghề báo, anh đã từng trải qua những thách thức nào, cả về tinh thần lẫn thể chất, khiến anh phải nỗ lực vượt qua không?

Phóng viên Minh Quang: Một trong những trải nghiệm nguy hiểm nhất trong sự nghiệp của tôi là khi thực hiện phóng sự điều tra về hình thức lừa đảo mại dâm trá hình trên phố Trần Duy Hưng, Hà Nội. Thời điểm đó, có một nhóm đối tượng chuyên dắt mối, gạ gẫm khách hàng với bề ngoài là hình thức mát xa cùng các bạn nữ. Nhưng đằng sau đấy là lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng, một khi đã bước chân vào “hang ổ” đấy dù bạn không sử dụng bất cứ dịch vụ nào vẫn phải trả một số tiền lớn cho chúng.

Hôm đó, tôi nhập vai một khách hàng có nhu cầu mát-xa để điều tra. Khi vừa bước vào nhà, cánh cửa liền đóng sầm lại. Tôi được chỉ dẫn lên một căn phòng nhỏ, nơi một phụ nữ ngoài 30 tuổi bước vào và bắt đầu mát-xa. Mọi thứ diễn ra bình thường cho đến khi cô ấy đề nghị các "dịch vụ khác" và ngay sau đó, một đối tượng xăm trổ bước vào với hóa đơn "trên trời", tổng cộng gần 4 triệu đồng. Lúc ấy, tôi đã chuẩn bị sẵn thiết bị ghi hình dạng bút để thu thập bằng chứng, nhưng vì quá căng thẳng, tôi không kiểm tra kỹ thiết bị ngừng hoạt động. Khi tình hình trở nên căng thẳng, tôi nhờ sự hỗ trợ của đồng nghiệp bên ngoài mới có thể thoát ra. Khi đối mặt trực tiếp với kẻ xăm trổ trong căn phòng đóng kín thật sự rất nguy hiểm. Nếu lúc đó xảy ra bất kỳ xô xát nào, hậu quả có thể rất nghiêm trọng. Tôi nhận ra rằng nghề báo không chỉ đòi hỏi sự dũng cảm mà còn cần sự bình tĩnh và chuẩn bị kỹ lưỡng trong mọi tình huống.

Và trong đợt siêu bão vừa rồi có những tình huống nguy hiểm mà nhóm phóng viên khác cùng tác nghiệp ở Quảng Ninh với tôi kể lại rằng. Lúc xe ô tô của vừa đi qua một cột điện thì ngay lập tức cột đó đổ xuống phía sau. Khi mọi người hoảng loạn hét lên: "Nhanh... nhanh... nhanh!" và "Di chuyển xe khẩn trương!", trong khi đó anh tài xế vẫn rất bình tĩnh, nói: "Không sao cả, có chết thì anh em mình cùng chết". Chính tinh thần cống hiến tận tâm, xông pha trong mọi tình huống của đồng nghiệp đã giúp tôi ngày càng vững tâm.

Còn về phía tôi, khi ra ngoài tác nghiệp, gió rất to, cây cối đổ la liệt. Tôi còn nhớ rõ phải cúi thấp xuống để gió không thổi bay, giữ vững chân trên mặt đường. Nghĩ lại mới thấy tình hình lúc đó thật nguy hiểm. Khi bão bắt đầu đổ bộ, mưa gió mỗi lúc một mạnh hơn, cây cối ngã đổ khắp nơi.

Tôi và một anh phóng viên ảnh đi cùng nhau, cả hai đã đi bộ khoảng 1km dọc theo con đường để ghi lại hình ảnh những nơi bị hư hại. Đó là một trải nghiệm liều lĩnh nhưng cũng là một kỷ niệm đáng nhớ. Nhiều anh em phóng viên, chỉ khi trở về tòa soạn mới nhận ra mình còn sống sót sau hành trình đầy hiểm nguy đó.

anh-2-_-tan-mat-chung-kien-cuoc-song-nguoi-dan-bi-anh-huong-sau-cua-sieu-bao-yagi-anh_-nvcc.jpg

Tận mắt chứng kiến cuộc sống người dân bị ảnh hưởng sau của siêu bão Yagi. ( Ảnh: NVCC )

 

“Tại sao nhà báo không có lời thề danh dự ?”

Phóng viên: Giữa muôn vàn gian nan, có khoảnh khắc nào khiến anh muốn buông bỏ nghề báo để tìm con đường "êm ái" hơn?

Phóng viên Minh Quang: Giai đoạn vừa qua, mỗi tuần tôi phải đi qua 2-3 tỉnh trong bối cảnh bão lũ liên tục hoành hành. Những chuyến đi không hề dễ dàng khi trên đường, cứ vài cây số lại gặp một điểm sạt lở lớn. Có lần, tôi nhận được tin nhắn từ mẹ hỏi tại sao đi nhiều đến thế, mẹ không muốn tôi làm nghề này nữa vì lo cho sự an toàn của tôi. Nguy hiểm không chỉ là mối lo cho bản thân, mà còn khiến gia đình lúc nào cũng bất an, vì họ biết tôi đang ở những nơi rất nguy hiểm, đối mặt với rủi ro mỗi ngày.

Mỗi lần như vậy, tôi chỉ biết an ủi mẹ rằng, mỗi người có một công việc, một sứ mệnh riêng. Nghề nào cũng có những thử thách và nếu không có những người phóng viên dấn thân, hết lòng với nghề, thì nhiều thông tin quan trọng sẽ không thể đến được với công chúng. Những lúc khó khăn, tôi luôn nhớ đến việc Thủ tướng cùng nhiều lực lượng khác cũng có mặt tại hiện trường chỉ vài ngày sau khi bão lũ đổ bộ để chỉ đạo công tác cứu hộ. Đó là lý do tôi tiếp tục dấn thân, dù biết rõ những rủi ro đang chờ đợi phía trước.

anh-3-_-thoi-gian-lam-viec-cua-nha-bao-khong-phan-biet-ngay-hay-dem-anh_-nvcc.jpg
Thời gian làm việc của nhà báo không phân biệt ngày hay đêm. ( Ảnh: NVCC )


Phóng viên: Theo anh, một nhà báo cần những phẩm chất và tính cách nào để đạt được thành công trong nghề?

Phóng viên Minh Quang: Đạo đức nghề nghiệp là yếu tố cốt lõi, đặc biệt trong môi trường báo chí đầy phức tạp và cám dỗ. Giống như quân đội có 10 lời thề danh dự hay các bác sĩ tuyên thệ cứu chữa bệnh nhân, tại sao nhà báo lại không có một lời thề tương tự? Trong suốt gần 100 năm qua, báo chí đã đóng góp lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và phát triển đất nước. Nhưng đáng tiếc, vẫn có những phóng viên lợi dụng quyền lực và sức ảnh hưởng của báo chí để làm điều sai trái, như đe dọa, tống tiền doanh nghiệp, gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Vì vậy, nhà báo cần phải liên tục tự soi xét bản thân, không chạy theo lợi ích cá nhân, nếu không, họ sẽ biến thành một con người khác, làm xấu đi hình ảnh của nghề báo trong mắt công chúng.

Yếu tố quan trọng tiếp theo là kiến thức và nhận thức. Đối với phóng viên trẻ, ngày nay có rất nhiều nguồn tài liệu để học tập, từ kiến thức đa ngành đến các kỹ năng chuyên môn. Điều quan trọng là phải làm chủ công nghệ, từ phần mềm dựng phim, chỉnh sửa ảnh cho đến các ứng dụng hỗ trợ sản xuất tin tức. Sự phát triển của công nghệ đã giúp công việc báo chí trở nên thuận tiện hơn, vì vậy, việc thành thạo công nghệ là yêu cầu không thể thiếu đối với nhà báo hiện đại.

Ngoài ra, ngoại ngữ cũng là yếu tố then chốt. Phóng viên hiện đại không chỉ làm việc trong phạm vi quốc gia mà còn phải có khả năng tác nghiệp trên toàn cầu. Nếu không có ngoại ngữ, dù kiến thức có sâu rộng đến đâu cũng trở nên vô ích. Ngoại ngữ là kỹ năng bắt buộc giúp phóng viên trẻ tiếp cận thông tin quốc tế, tham gia các sự kiện toàn cầu và mở rộng tầm nhìn của mình trong nghề.

Tinh thần hân hoan khi tác nghiệp trực tiếp tại sân vận động. ( Ảnh: NVCC )
Tinh thần hân hoan khi tác nghiệp trực tiếp tại sân vận động. ( Ảnh: NVCC )

 

Phóng viên: Người ta thường nói: “Một ngàn lần đúng không ai hay, nhưng một lần sai thì cả nước biết”. Trong đợt siêu bão Yagi vừa qua, một bộ phận người dân đã chỉ trích báo chí vì một số cơ quan thông tin vội vàng đưa tin, dẫn đến những sai sót không đáng có. Anh có suy nghĩ gì về điều này trong hành trình nghề nghiệp của mình?

Phóng viên Minh Quang: Dĩ nhiên không ai có thể khẳng định mình luôn luôn làm mọi thứ tròn trịa và không để sai sót nào cả. Nhưng sai sót chỉ được phép ở một mức độ như thế nào, có những sai sót nghiêm trọng thì không thể nào có một lần thứ 2 để mình sửa chữa lỗi. Và là phóng viên thì luôn luôn phải ý thức rằng là mọi thứ một cách chuẩn chỉ nhất.

Người nhà báo không chỉ có nhiệm vụ truyền tải thông tin mà còn phải có ý thức, vai trò trách nhiệm của mình để những người định hướng thông tin đưa bạn đọc đến với thông tin chính xác, chống lại những luận điệu sai trái.

Đôi khi không kiểm chứng thông tin một cách cụ thể không có nguồn tin chính thống để xác thực thông tin đưa ra là chính xác mà lại tin vào những lời đồn thổn hay là những thông tin vô căn cứ ở trên mạng xã hội mà đã vội đưa ra kết luận thì người phóng viên phải trả giá rất đắt.

Phóng viên: Trong thời điểm bão Yagi xảy ra, nhiều trang thông tin không chính thống ngang nhiên ăn cắp chất xám của các cơ quan báo chí. Anh có suy nghĩ như thế nào và vấn nạn này đang để lại những tác động gì đến nền báo chí ?

Phóng viên Minh Quang: Hiện tượng này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến những phóng viên làm việc chân chính. Họ phải vất vả tác nghiệp ngoài đường suốt hàng tháng trời, vượt qua hàng nghìn cây số để gặp gỡ các nhân vật truyền cảm hứng và tạo ra những phóng sự, thước phim đặc biệt. Thế nhưng, ngay sau khi đăng tải, tác phẩm của họ bị các kênh, fanpage, và trang cá nhân khác xóa logo rồi đăng lại, thu hút lượng tương tác rất lớn.

Bản thân tôi cũng từng là nạn nhân của vấn nạn này. Những phóng sự và thước phim mà tôi chia sẻ với mong muốn lan tỏa điều tốt đẹp đến xã hội đã bị sao chép. Bạn bè tôi thậm chí nhắn tin hỏi tại sao các tác phẩm của tôi lại xuất hiện trên những trang thông tin nước ngoài, mà không có bất kỳ ghi nhận nào đến người sản xuất ban đầu. Vấn đề này không chỉ gây tổn thất cho cá nhân nhà báo mà còn làm suy giảm lòng tin vào nền báo chí chân chính, khi sản phẩm công sức bị đánh cắp một cách trắng trợn.

Thành công thật “nhỏ bé”

Phóng viên: Gần đây, được biết anh vinh dự được nhận bằng khen sau đợt công tác bão Yagi vừa rồi. Anh có thể chia sẻ cảm xúc của mình về thành tích đáng tự hào này.

Phóng viên Minh Quang: “Liệu rằng thành công có thực sự khiến mình vui vẻ và mãn nguyện hay không?” là điều khiến tôi băn khoăn khi nhận được bằng khen ghi nhận sự đóng góp của các phóng viên trong đợt công tác vừa rồi.Bản thân tôi nói riêng và các nhà báo nói chung đã tận mắt chứng kiến được nhiều hoàn cảnh đau thương mất đi người thân trong đợt siêu bão vừa rồi.

Nên hơn ai hết, chúng tôi đều cảm thấy những đóng góp của mình sẽ là một sự tri ân đến những người đã ngã xuống, những người chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ Quốc. Bên cạnh đó, nhiều phóng viên trong đợt trao bằng khen cùng với tôi đã ngay lập tức gửi phần thưởng vào tài khoản của MTTQ để giúp đỡ đồng bào bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.

anh-5-_-phong-vien-minh-quang-tac-nghiep-trong-dot-sieu-bao-yagi-tai-tinh-quang-ninh-anh_-nvcc.jpg
Phóng viên Minh Quang tác nghiệp trong đợt siêu bão Yagi tại tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: NVCC)

 

anh-6-_-bao-dan-tri-trao-bang-khen-sau-nhung-dong-gop-cua-phong-vien-minh-quang-trong-dot-tac-nghiep-sieu-bao-yagi-anh_-nvcc.jpg
Báo Dân trí trao bằng khen sau những đóng góp của phóng viên Minh Quang trong đợt tác nghiệp siêu bão Yagi. ( Ảnh: NVCC )

Phóng viên: Với sự chuyển mình mạnh mẽ hướng đến báo chí đa nền tảng, để đạt được thành công và thu hút một lượng lớn người xem trên TikTok, anh đã phải đầu tư và nỗ lực ra sao?

Phóng viên Minh Quang: Cơ duyên của tôi với Tik Tok cũng rất là tình cờ thôi. Bình thường tôi hay sử dụng Tik Tok như một công cụ để giải trí sau thời gian làm việc căng thẳng.

Sau chuyến công tác tại tỉnh Điện Biên, những thước phim về lễ kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ được đăng tải trên kênh Tik Tok của tôi đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của công chúng. Điều này đã phần nào truyền cảm hứng để tôi sẽ tiếp tục truyền tải thông tin tích cực và chính xác đến công chúng.

Tik Tok cũng đồng thời là phương tiện hỗ trợ các nhà báo và công chúng để trao đổi và tiếp cận thông tin hiệu quả trên nền tảng mạng xã hội.

anh-7-_-kenh-tik-tok-quanglambao-nhan-duoc-su-ung-ho-lon-cua-cong-chung-anh_-kenh-tik-tok-quanglambao.png
Kênh Tik Tok @Quanglambao nhận được sự ủng hộ lớn của công chúng. ( Ảnh: Kênh Tik Tok @Quanglambao )
anh-8-_-video-le-ky-niem-chien-thang-dien-bien-phu-thu-hut-2-6-trieu-luot-xem-anh_-kenh-tik-tok-quanglambao.png
Video “Lễ kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ” thu hút 2.6 triệu lượt xem. ( Ảnh: Kênh Tik Tok @Quanglambao )

 

Phóng viên: Là một người đã dấn thân, đã trải nghiệm trong nghề, anh có lời khuyên nào giúp cho thế hệ nhà báo tương lai vững bước trong sự nghiệp nhà báo ?

Phóng viên Minh Quang: Mỗi nhà báo, mỗi phóng viên sẽ đều có hành trình & câu chuyện riêng của mình. Từ những bức ảnh đầu tiên cho đến khoảnh khắc nhận giải thưởng báo chí quốc gia là cả một hành trình dài mà tôi đang trải nghiệm. Có thể thấy trong thực tế chất lượng thế hệ nhà báo tương lai ngày một nâng cao khi mà điểm chuẩn của các trường trọng điểm đều rất cao. Điều này cho thấy các bạn đã có một nền tảng kiến thức vững vàng.

anh-9-_-theo-duoi-nghe-bao-khong-de-dang-can-ta-co-y-chi-vung-vang-anh_-nvcc.png
Theo đuổi nghề báo không dễ dàng cần ta có ý chí vững vàng. (Ảnh: NVCC)

Tuy nhiên để có thể vững bước trong nghề báo, thế hệ nhà báo trẻ cần phải có tinh thần dám xông pha, dám đánh đổi thời gian và những lợi ích cá nhân. Và ngọn lửa đam mê chính là chìa khóa trong mỗi nhà báo.

Với kiến thức xã hội cùng nền tảng được củng cố liên tục thì tôi tin nền báo chí Cách mạng Việt Nam sẽ đón nhận một thế hệ phóng viên tài năng và nhiệt huyết với nghề.

“Mỗi lần tác nghiệp, tôi cảm thấy mình trưởng thành nhanh chóng, tích lũy kinh nghiệm để vững bước trên con đường nghề. Đặc biệt, trong những tình huống nguy hiểm như dịch bệnh, tôi nhận ra rõ rệt ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, khi cùng lúc ở một bệnh viện, nơi có phòng mổ đón em bé chào đời và nơi cũng chứng kiến những người lìa đời vì dịch bệnh. Ranh giới ấy khiến tôi không khỏi suy ngẫm sâu sắc".

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 tuần trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN