Đạo diễn phim ngắn đoạt giải Cánh diều vàng 2024: "Khi làm phim tôi không nghĩ đến việc giành giải thưởng..."
(Sóng trẻ) - Phim ngắn Đàn Cá Gỗ của đạo diễn Nguyễn Phạm Thành Đạt đã xuất sắc đoạt giải Cánh diều vàng 2024. Bộ phim không chỉ giúp anh thể hiện tài năng mà còn khẳng định được dấu ấn cá nhân trong nền điện ảnh nước nhà.
PV: Khi bắt đầu thực hiện Đàn Cá Gỗ, anh có bao giờ nghĩ rằng bộ phim sẽ nhận được giải thưởng danh giá Cánh Diều Vàng?
- Khi bắt đầu thực hiện Đàn Cá Gỗ, tôi thật sự không nghĩ đến việc giành giải thưởng. Thực tế, mỗi dự án tôi thực hiện, tôi luôn tập trung vào việc làm sao để có thể hoàn thành nó tốt nhất trong thời điểm đó. Mỗi bộ phim là một cuộc hành trình, một câu chuyện riêng và tôi chỉ cố gắng mang đến những gì tốt đẹp nhất, từ ý tưởng cho đến việc thực hiện. Nên với tôi giải thưởng như một món quà động viên trong hành trình sáng tạo.

PV: Cơ duyên nào khiến anh quyết định thực hiện dự án này?
- Yếu tố ban đầu để tôi làm bộ phim này là vì đây là dự án tốt nghiệp của tôi tại Trường Sân khấu Điện ảnh. Tôi muốn thực hiện một bộ phim nói về hành trình theo đuổi đam mê. Trước đó, tôi và bạn diễn viên chính (Nguyễn Quốc Hùng) đã có dịp hợp tác trong vài bộ phim. Hùng có khả năng sáng tác nhạc và hát khá tốt. Và tôi cũng mong muốn làm một bộ phim để Hùng có thể thể hiện tài năng âm nhạc của mình. Cũng vì vậy, tôi xây dựng hình tượng nhân vật chính là một người yêu thích âm nhạc.

PV: Như anh đã từng chia sẻ: “Làm phim là để kể những câu chuyện chân thực một cách sáng tạo và hấp dẫn”. Vậy câu chuyện lần này trong Đàn Cá Gỗ là gì?
- Câu chuyện trong phim "Đàn Cá Gỗ" xoay quanh một cậu thanh niên tên Cường, sinh ra và lớn lên trong một làng chài ven biển. Với niềm đam mê mãnh liệt dành cho âm nhạc, Cường ước mơ theo đuổi con đường này. Tuy nhiên, khi cha cậu qua đời, Cường buộc phải từ bỏ giấc mơ của mình để tiếp nhận công việc chài lưới, tiếp nối nghề của gia đình.
Đây là câu chuyện tôi lấy cảm hứng từ thực tế tại một làng chài ở Quỳnh Lưu- Nghệ An, nơi có hàng trăm chiếc tàu đánh bắt cá nhưng phải bán đi một nửa vì Biển Đông không còn cá. Trong bối cảnh đó, gia đình nhân vật chính gặp rất nhiều khó khăn và nam chính đã phải đấu tranh nội tâm khi đứng trước quyết định: bán tàu để quay lại với đam mê âm nhạc hay tiếp tục bám trụ với nghề biển, dù tương lai mờ mịt

PV: Tại sao anh lựa chọn Đàn Cá Gỗ là cái tên cho tác phẩm của mình?
- Trong lúc quay phim tại Nghệ An, tôi đã quan sát được khi những con tàu ra khơi cùng nhau, chúng nối liền thành một đoàn dài, mỗi chiếc thuyền giống như một chú cá, nhiều chiếc thuyền giống như một đàn cá gỗ lướt trên mặt biển mênh mông. Khi đặt tên cho mỗi bộ phim, tôi đều muốn thể hiện yếu tố bản địa trong đó, phản ánh được nét văn hóa đặc trưng của bối cảnh câu chuyện. Tên Đàn Cá Gỗ vì thế cũng mang một ý nghĩa rất đặc biệt, nó không chỉ mô tả những chiếc tàu mà còn thể hiện mối liên kết, sự gắn bó giữa những con người trong ngôi làng chài, giữa những người cùng chung một đam mê, một nỗi niềm và cùng nhau vươn ra biển cả để mưu sinh.
PV: Anh đã gặp phải khó khăn gì trong suốt quá trình thực hiện tác phẩm này?
- Đợt quay đầu tiên mất khoảng 9 ngày. Bộ phim với thời lượng hơn 30 phút, nhưng để hoàn thành, chúng tôi đã phải đối mặt với không ít thử thách, đặc biệt là việc quay trên biển. Dù đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, nhưng khi lên biển, mọi người đều bị say sóng, không ai có thể làm việc được. Chính vì điều đó, dù tất cả đều cố gắng nhưng vẫn không quay được như ý tôi mong muốn. Vậy nên tôi đã quyết định tổ chức thêm một đợt quay lại để đảm bảo chất lượng của cảnh quay và hoàn thiện bộ phim theo đúng những gì tôi hình dung. Quá trình quay phim tính thêm cả 4 ngày quay bổ sung tổng là 13 ngày.

PV: MV nhạc phim “Phép màu” hiện đang thu hút sự quan tâm đông đảo của công chúng. Anh nghĩ đâu là yếu tố khiến bài hát được quan tâm nhiều như vậy?
- Trước khi ra mắt ca khúc này, Quốc Hùng chưa từng phát hành bài hát nào khác. Hùng từng đùa với tôi rằng không nhất thiết phải trở thành ca sĩ chuyên nghiệp để tham gia thị trường âm nhạc ngày nay, nơi đã có rất nhiều người tài năng với những màu sắc độc đáo. Thêm một người hát nhạc thông thường cũng không tạo nên nhiều khác biệt. Tuy nhiên, tôi lại rất thích âm nhạc của Hùng nên tôi mới ngỏ lời mời Hùng sáng tác nhạc phim cho tôi.
Ngay từ đầu tôi đã muốn một bài hát có giai điệu bình dị, gần gũi, không quá cầu kỳ. Tôi hình dung rằng đây sẽ là một bài hát được viết ra bởi những người người bình dị, yêu âm nhạc và dùng âm nhạc để nói lên những cảm xúc chân thật trong lòng mình. Chính sự gần gũi của lời ca và giai điệu không quá hoa mỹ nhưng đầy cảm xúc đã giúp bài hát dễ dàng chạm đến trái tim của mọi người. Tôi nghĩ đây là yếu tố quan trọng khiến Phép màu được yêu thích và thu hút sự quan tâm mạnh mẽ như vậy.
PV: Phân đoạn cuối gây ấn tượng mạnh, khi nam chính gần kề cái chết lại nhớ lại những đam mê thuở trẻ. Ý nghĩa anh muốn cài cắm trong phân cảnh này là gì?
- Thật ra, tôi nghĩ việc đánh giá xem mỗi chi tiết trong phim sẽ có ý nghĩa gì phụ thuộc vào cách cảm nhận riêng về câu chuyện của mỗi khán giả. Tuy nhiên, nếu nói về phân đoạn cuối của MV, tôi muốn tạo một chút tò mò và kích thích cho người xem về cái kết. Khi nam chính đối diện với cái chết, anh ấy bỗng nhớ lại những đam mê thời trẻ, đó là một khoảnh khắc rất đặc biệt. Liệu những hồi tưởng đẹp đẽ đó có giúp anh vượt qua nỗi đau đớn của cái chết? Điều này, cần phải chờ đợi cho đến khi bộ phim ra mắt, vì đó chính là điều tôi muốn khán giả tự mình khám phá và cảm nhận.

PV: Làm phim là một ngành nghề đầy thử thách, đặc biệt đối với những người bắt đầu từ con số 0, anh nghĩ sao về quan điểm này?
- Để theo đuổi sự nghiệp làm phim, thực sự không dễ dàng nếu bạn bắt đầu từ con số 0. Ngành điện ảnh vốn là sân chơi của những người có điều kiện, việc làm phim trong giai đoạn đầu hầu như không mang lại thu nhập ổn định. Ngược lại, bạn sẽ phải dựa vào các nguồn thu nhập khác như đi làm thuê hoặc có sự hỗ trợ từ gia đình. Tuy nhiên, việc làm thuê cũng gây bất tiện vì bạn không thể dành toàn bộ tâm huyết và thời gian cho đam mê của mình, dẫn đến tốc độ sẽ chậm hơn so với những người khác.
Khi nhìn vào các bộ phim thành công của những đạo diễn đi trước đều mang lại doanh thu lớn, tôi nhận ra những nhà làm phim trẻ không phải lúc nào cũng có thể đạt được điều đó ngay khi bước chân vào ngành. Bạn phải trải qua rất nhiều thử thách, học hỏi và chứng minh cho nhà đầu tư, cho ngành điện ảnh thấy rằng bạn có thể làm được và làm rất tốt. Với tôi, càng đối mặt với nhiều thử thách, ta sẽ càng xác định được đây có phải là đam mê thật sự của mình hay không, chứ không đơn giản chỉ là hứng thú nhất thời.
PV: Theo anh đâu là nguồn động lực lớn nhất của những người kiên trì theo đuổi đam mê điện ảnh?
- Một điều thú vị trong ngành điện ảnh là những người không bỏ cuộc chính là những người đã khám phá được vẻ đẹp thực sự của ngôn ngữ điện ảnh. Điện ảnh không chỉ là việc dựng lên một câu chuyện, mà đó là sự kỳ diệu khi bước vào rạp chiếu phim. Khi bạn ngồi trong rạp, bạn như bước vào một thế giới khác, được đắm chìm trong không gian với câu chuyện đang được kể và thoát ly khỏi thực tại. Đó chính là sự kỳ diệu của điện ảnh, điều mà không bộ môn nghệ thuật nào có thể mang lại.

PV: Với sự quan tâm lớn từ khán giả sau khi ra mắt trailer và nhạc phim, anh có dự định sẽ chính thức công chiếu bộ phim với công chúng không?
- Hiện tại, phim đang tham gia một số liên hoan phim quốc tế, nên chưa thể chiếu ở Việt Nam. Tuy nhiên, dự kiến sẽ có một vài buổi chiếu nhỏ tại Việt Nam vào khoảng tháng 5 và tháng 6.
PV: Cuối cùng, anh có muốn gửi một thông điệp nào đến khán giả đang chờ đón Đàn Cá Gỗ?
- Nếu phải gửi tới khán giả đang đón chờ bộ phim thì tôi chỉ muốn nói rằng Đàn Cá Gỗ sẽ đưa mọi người vào không gian làng chài, trải nghiệm ra khơi cùng ngư dân và cùng đắm chìm trong âm nhạc với Cường. Và để xem kết cục sau cảnh đánh đàn dưới nước trong MV “Phép Màu”.
Cảm ơn anh đã tham gia phỏng vấn!
Nguyễn Phạm Thành Đạt là một nhà làm phim tốt nghiệp từ trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, chuyên ngành Đạo diễn điện ảnh. Năm 2022, cùng dự án “Khu rừng của Páo”, Thành Đạt đã giành Giải Nhất cuộc thi “Việt Nam của tôi” do Netflix phát động và Giải Phim Ngắn Xuất Sắc Nhất tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2022. Năm 2023 bộ phim được xếp hạng TOP 20 CILECT - Hiệp hội quốc tế các trường điện ảnh và truyền hình. Năm 2024, cùng phim ngắn tốt nghiệp “Đàn Cá Gỗ”, Thành Đạt đã trở thành thủ khoa đầu ra của trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Phim ngắn “Đàn Cá Gỗ” sau đó thắng giải Cánh Diều Vàng 2024 cho hạng mục Phim ngắn xuất sắc. Gần nhất là dự án phim ngắn “Tàn Sữa” của anh đã được chọn vào TOP 5 dự án xuất sắc nhất cuộc thi Phim ngắn CJ 2024. |