Halloween trường Báo: Không phải mê tín dị đoan, đó là cuộc sống
(Sóng trẻ) - Du nhập vào Việt Nam đã gần hai chục năm, Halloween đang dần trở thành một “món ăn tinh thần” không thể thiếu của giới trẻ vào mỗi dịp tháng Mười. Nhưng song song với đó là vấn đề văn hóa: Tiếp nhận lễ hội này, liệu chúng ta có đang cổ súy cho ma quỷ, những câu chuyện kinh dị, gần với mê tín dị đoan?
Sinh viên khoa Quan hệ Quốc tế (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đang trả lời câu hỏi đó của dư luận bằng cách truyền tải những thông điệp nhân văn thông qua chương trình Halloween được tổ chức hằng năm.
Halloween và ranh giới mong manh với mê tín dị đoan
Được xem là một trong những lễ hội lâu đời và phổ biến nhất trên thế giới, cũng đã “đặt chân” tới Việt Nam từ đầu những năm 2000, nhưng phải đến thời gian gần đây, Halloween mới thực sự nổi lên như một lễ hội lớn vào dịp cuối năm. Theo thống kê từ ogle Xu hướng (ogle Trends), trong vòng 5 năm trở lại đây, số lượt tìm kiếm các thông tin liên quan đến Halloween của người dùng mạng Việt Nam đã vượt qua lễ Giáng sinh. Có thể thấy, qua một phần năm thế kỷ, cuối cùng, Lễ hội Ma đã vượt qua rào cản văn hóa Đông - Tây và được cộng đồng tiếp nhận, thực sự trở thành một phần trong đời sống tinh thần của người Việt. Thậm chí, mặc dù du nhập muộn hơn nhưng Halloween lại được tìm kiếm và quan tâm hào hứng hơn cả lễ Giáng sinh, vốn đã xuất hiện từ lâu. Phải chăng là bởi, ngày lễ này mang trong mình nhiều nét tương đồng với văn hóa Việt Nam?
Những năm gần đây, Halloween đang được giới trẻ Việt Nam đón nhận nồng nhiệt
Người phương Tây cho rằng ngày cuối cùng của tháng Mười là dịp “mở cửa cõi âm”. Tương tự như tháng 7 âm lịch theo truyền thống châu Á, vào dịp Halloween, thế giới người chết và người sống sẽ giao hòa, hai cõi có thể tiếp xúc và “nhìn” thấy nhau. Đều chung quan niệm về cái chết, linh hồn, sự hội ngộ âm dương, nên khi xét về khía cạnh tâm linh, “ngày Rằm tháng Bảy của phương Đông” và “ngày Rằm tháng Bảy của phương Tây”, cùng sở hữu những tục lệ, quy ước mang đậm hơi hướng ma quỷ, kỳ bí. Chính vì vậy, khi du nhập vào Việt Nam - một quốc gia cởi mở, đa dân tộc, đa tôn giáo, ngày lễ Halloween bỗng trở nên dễ cải biên, biến tấu.
Halloween cũng được người dân Việt Nam hiểu như “ngày Rằm tháng Bảy của Phương Tây” vì có nhiều nét tương đồng
Tuy nhiên, cũng chính bởi đời sống văn hóa tâm linh phong phú của người Việt mà trong quá trình hội nhập văn hóa, các yếu tố này rất dễ bị biến tướng. Từ những quan niệm vào thế lực vô hình, thần bí, siêu nhiên đến mê tín dị đoan là một khoảng cách rất nhỏ. Có rất nhiều người đã lợi dụng ranh giới mong manh này, đánh vào những niềm tin vô hình, những nỗi sợ thường trực của con người, truyền tải mê tín dị đoan. Vào khoảng tháng Mười, lợi dụng sự phát triển của internet, không thiếu những bài đăng trên mạng xã hội về những điều cần kiêng kị để tránh vận xui, những câu chuyện về oan hồn. Một số khác kinh doanh trục lợi và đưa những hình ảnh ghê rợn, phản cảm. Halloween, vốn là ngày hội hóa trang, bỗng dưng biến thành một tháng “cô hồn” thứ hai.
Lễ hội Halloween bị cho là đang đầu độc giới trẻ bằng những hình ảnh phù thủy, xác sống và một thế giới đậm màu sắc mê tín, gieo rắc cảm giác khiếp sợ, kinh hoàng. Những cái tên gợi sự liên tưởng chết chóc như “Quỷ dữ đội mồ”, “Oan hồn sống lại”, “Xác sống báo thù”,... được quảng cáo ở khắp mọi nơi. Những món đồ phục vụ cho việc hóa trang thành những xác chết, linh hồn bày la liệt trên phố. Những thứ này có khơi dậy tính thiện không hay đã biến tướng ý nghĩa thực, nhồi nhét vào đầu óc người trẻ ám ảnh về cái chết, quỷ quái, dị hợm…? Và liệu đó có phải là những tục lệ đơn thuần, hay đã trở thành những niềm tin “méo mó”?
Mượn “ma” trong nỗi sợ của con người để nói về “ma” trong cuộc sống thực
Mười lăm năm trước, năm 2004, khi vẫn còn rất mới mẻ ở Việt Nam, Halloween đã được Bí thư Liên chi Quan hệ Quốc tế lúc đó là thầy giáo Vũ Thanh Vân lựa chọn trở thành sự kiện thường niên của khoa. Đối với thầy, đây không chỉ là lễ hội đậm bản sắc quốc tế mà còn là sự thể hiện chân thực nhất cái “chất” của sinh viên Khoa Quan hệ quốc tế, chứa đựng kỳ vọng về những sinh viên trẻ trung, năng động, có kỹ năng hội nhập để đưa Việt Nam ra thế giới và đưa thế giới đến với Việt Nam.
Chia sẻ cảm xúc về “đứa con tinh thần” của mình, thầy Vân (hiện là trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) không khỏi xúc động khi nhớ lại 5 năm đầu tiên trực tiếp dẫn dắt Hallo: “Halloween khi mới bắt đầu là một cái gì đó rất “Tây” trong mắt mọi người nên không được đón nhận hào hứng như bây giờ. Thế nhưng, qua mỗi kỳ Halloween, sự kiện này lại kết tinh, chứa đựng thêm những ý nghĩa mới. Đó là ý nghĩa về tinh thần kết nối, về sự năng động, về niềm tin và khát vọng trong cuộc sống…”
Thầy Vũ Thanh Vân - “Cha đẻ” của Halloween, đặc trưng riêng khoa Quan hệ Quốc tế
Tại nước ta, Halloween gần như được hiểu thuần túy là một lễ hội hóa trang ma quỷ, nên càng về sau, người ta càng cố gắng tạo những hình nộm, mặt nạ hoặc trang điểm sao cho càng rùng rợn, càng ma quái càng tốt. Chính vì không hiểu hết tính nhân văn trong lễ hội này mà các bạn trẻ càng lúc càng sa đà vào những hình ảnh ma quái, liêu trai, phản cảm, thậm chí là kích động bạo lực. Không có lồng đèn bí ngô, không có quà bánh ban phát cho trẻ nhỏ mà thay vào đó là máu me, chết chóc…
Văn hóa, sự giao lưu và hội nhập trong văn hóa là một xu thế tất yếu của thời đại. Vấn đề là làm sao, làm thế nào để hội nhập mà không hòa tan, để những sự tiếp nhận kia không trở nên lai căng kệch cỡm lại là điều đáng nói, đáng bàn.
Khi được mời chia sẻ cảm nghĩ về vấn đề này, bạn Bùi Minh Đức - Trưởng ban tổ chức Halloween 2019: Domino nói: “Thực ra, ranh giới giữa sự tiếp biến và lai căng văn hóa là rất mong manh, chỉ chênh một nhịp thôi là những tục lệ đơn thuần có thể bị biến tướng thành những nội dung xấu, ảnh hưởng tới xã hội. Vì vậy, trong suốt 15 năm hình thành và phát triển, Halloween khoa Quan hệ Quốc tế chưa bao giờ dừng lại ở một lễ hội ma hay hoá trang thuần tuý mà luôn kể những câu chuyện nhân văn, có ý nghĩa. Mình tin rằng, đó là cách mà sinh viên khoa Quan hệ Quốc tế nói riêng và Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói chung thể hiện bản lĩnh trong quá trình hội nhập văn hoá: bắt kịp xu hướng chung của quốc tế để làm phong phú hơn đời sống tinh thần, hòa nhập nhưng không hoà tan”.
Minh Đức cho biết thêm, năm nay, bên cạnh việc khắc họa những nét đặc trưng riêng của lễ hội Ma, chương trình sẽ tiếp tục lồng ghép những thông điệp nhân văn, tích cực và đầy ý nghĩa trong kịch chính và chuỗi sự kiện đồng hành.
Bạn Bùi Minh Đức - Trưởng ban tổ chức của Halloween 2019: Domino chia sẻ về chương trình
Với thông điệp: “Mọi điều trong cuộc sống đều có sự liên quan, mọi hành động trong xã hội đều có tính kết nối. Đừng để bản thân sa ngã rồi kéo theo những người khác cùng lao xuống hố sâu của những tội lỗi và sai lầm”, Halloween 2019: Domino của Học viện Báo chí và Tuyên truyền mong muốn đem tới những nguồn năng lượng tích cực, phá bỏ định kiến về sự u ám, những góc tối trong ngày Halloween. Lễ hội Ma của trường Báo không có những linh hồn, ma quỷ hắc ám hay các thế lực siêu nhiên, mà chứa đựng những câu chuyện nhân văn sâu sắc, chiếu sáng từng góc khuất trong tâm hồn mỗi người, mang tới những bài học quý giá về lối sống, về xã hội.
Halloween 2019: Domino đã trải qua được những sự kiện đồng hành đầu tiên, làm tiền đề để tạo nên một đêm hội chính đầy màu sắc vào ngày 30/10 tới đây
Kịch Halloween trường Báo gây hứng thú
Những bí ẩn nào sẽ được giải đáp? Ranh giới mong manh nào sẽ được sáng tỏ? Nhân tố nào sẽ được khai phá? Hãy cùng tham gia Halloween 2019: Domino tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền ngày 30/10 tới đây để tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên các bạn nhé!
Bách Văn
Cùng chuyên mục
Bình luận