Hàng rong trên phố thị - Kỳ 1: Mưu sinh qua những ngày đông

(Sóng trẻ) - Giữa thời tiết lạnh giá của thủ đô Hà Nội, trên khắp các con phố vẫn có những phận đời hàng rong chật vật kiếm tiền trang trải cuộc sống, chân họ vẫn đi thoăn thoắt, miệng họ vẫn cười tươi chào hàng. 

Gánh hàng hoa trên phố Phan Đình Phùng. (Ảnh: Trịnh Ly)
Gánh hàng hoa trên phố Phan Đình Phùng. (Ảnh: Trịnh Ly)

Hà Nội cuối tháng 12. Cái lạnh cắt da cắt thịt. Đường phố có phần thưa thớt hơn mọi ngày. Cái lạnh về người ta chỉ muốn cuộn tròn trong chăn ấm hay sà vào hàng phở nóng húp sì sụp. Vậy mà có những đôi vai vẫn gánh gánh gồng gồng nào bánh nào hoa, những đôi tay vẫn đẩy xe hàng cồng kềnh đi khắp các con phố. Hàng rong không chỉ là câu chuyện về thức quà mà nó còn gắn liền với biết bao số phận của những người mưu sinh giản dị. Họ không sợ cái lạnh, họ chỉ sợ không bán được hàng, không đủ sức để lo cho gia đình.  

“ Hàng rong ngồi ở chợ thì bán cho ai” 

Trên các con phố Nguyễn Hữu Huân, Lò Sũ, Lương Ngọc Quyến,.. không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe đẩy hàng rong với vô vàn mặt hàng khác nhau. Có người mang đòn gánh, có người đẩy hàng bằng xe đạp hay “ khá giả” hơn thì đẩy bằng xe đạp điện. Đây vốn dĩ là những con phố nhiều hàng quán nên rất đông người qua lại. Đi ngang qua vị khách đi đường nào hay thấy khách đang ngồi trên quán ăn, quán trà đá vỉa hè họ cũng sà vào nhiệt tình chào mời. Đa số chẳng ai mua , thỉnh thoảng mới có vài vị khách Tây tò mò ngó vào xem thử. 

Tôi gặp ông Đặng Dũng trong một lần đi bộ trên phố Lò Sũ. Người đàn ông nhỏ nhắn đội mũ cối dắt chiếc xe đạp cũ đã rỉ sét bán mấy đồ lặt vặt như: dao, kéo, bật lửa,... Ông đẩy hàng đi thoăn thoắt khiến tôi phải đuổi theo gần một con phố. Đôi mắt ông đượm buồn, trũng sâu, làn da nhăn nheo xuất hiện vài nốt đồi mồi, trên khuôn mặt đã có nhiều nếp nhăn, báo hiệu tuổi già. Ông chia sẻ trước đây làm bộ đội giờ đã về hưu. Trái ngược với vẻ ngoài, ông vẫn giữ được sự nhanh nhạy và dáng vẻ nghiêm nghị của một người lính. Lúc này đã tầm xế chiều mà xe của ông vẫn còn rất nhiều hàng. Tôi mua ủng hộ ông một con dao và một chiếc bật lửa. 

Ông Đặng Dũng bên chiếc xe đạp cũ lỉnh kỉnh đồ đạc. (Ảnh: Trịnh Ly)
Ông Đặng Dũng bên chiếc xe đạp cũ lỉnh kỉnh đồ đạc. (Ảnh: Trịnh Ly)

- Ông có mã ngân hàng không ạ? Cháu muốn chuyển khoản - Tôi hỏi ông khi nhớ ra mình không mang theo tiền mặt. 

- Tôi nói thật với bác là tôi dốt lắm không biết dùng cái này thành ra nhiều khi cũng mất khách - Ông Đặng Dũng thật thà. 

Tôi ngạc nhiên vì bây giờ dường như ở đâu cũng có dịch vụ chuyển khoản, kể cả hàng rong. Thế hệ của những người lính già như ông có lẽ vẫn cảm thấy thân thuộc với những gì gần gũi, mộc mạc, khó bắt nhịp với sự tân tiến, hiện đại của xã hội bây giờ. Hỏi chuyện thêm tôi mới biết để chuẩn bị xe hàng ông phải dậy trước 6h sáng, đi lấy hàng từ đầu mối rồi mới đem đẩy đi bán.

Từ phố Lò Sũ tôi đi bộ qua phố Hàng Dâu. Hình ảnh người phụ nữ chân thấp chân cao đang đẩy hàng bánh nếp khiến tôi chú ý. Chị vừa đi vừa nhìn xung quanh tìm khách, thỉnh thoảng lại dừng xe trước một quán ăn vỉa hè để mời mua hàng. Tôi đi theo chị rồi cũng sà vào hỏi mua. Người phụ nữ với chất giọng dẻo quẹo, lơ lớ, đon đả chào mời: “ Em ơi bánh da lợn ngon mỹ mãn, nhà chị tự làm, em mang về để ngăn mát một tuần ăn vẫn ngon”. Chị có khuôn mặt hơi hốc hác, nước da ngăm đen, mái tóc đen dài búi gọn đằng sau. Bánh chị bán trông đẹp mắt và được xếp gọn gàng trên mẹt. Chị tên Nguyễn Thị Lan, chị là người ở Thường Tín, nhà cách Hà Nội 20 km. Hàng ngày chị đi xe máy lên thành phố, gửi xe ở phố Trần Phú rồi rong hàng đi bán, chị mua vé tháng gửi xe để tiết kiệm chi phí. Chị bị thoát vị đĩa đệm nên đi lại khó khăn, chữa trị đến nay cũng đã 4 năm.  

- Bình thường chị hay bán đến mấy giờ? - Tôi hỏi 

- Tuỳ hôm em ạ, đắt hàng thì về sớm, ế hàng thì về muộn, bao giờ hết hàng chị mới về? - Chị trả lời 

- Sao chị không ngồi bán hàng ở chợ cho đỡ phải đi lại? - Tôi thắc mắc

- Không em ạ, hàng của chị đi rong người ta thấy hấp dẫn thì mới mua, bây giờ ngồi ở chợ thì bán cho ai! - Chị cười

Chị Lan nhanh nhẹn mời chào khách với đủ loại bánh trái khác nhau. (Ảnh: Trịnh Ly)
Chị Lan nhanh nhẹn mời chào khách với đủ loại bánh trái khác nhau. (Ảnh: Trịnh Ly)

“ Bán được 5 nghìn, 10 nghìn cũng đủ bữa” 

Tôi gặp cô Đàm Thị Ánh trong một buổi chiều đi bộ trên phố Hoàng Diệu. Cô cầm mẹt hàng ở một bên hông, dáng đi hơi liêu xiêu nhưng rất nhanh nhẹn. Miệng cô lúc nào cũng cười tươi, xởi lởi. 

Mẹt hàng rong đơn sơ đã cùng cô bôn ba trên đất Hà thành gần 30 năm. Cô bán những đồ ăn quen thuộc như ngô, khoai luộc, bánh chưng,... Cô Ánh tâm sự:

“ Nhà tôi ở Văn Lâm, Hưng Yên. Sáng nào tôi cũng dậy từ 3 rưỡi sáng, rửa trứng, luộc ngô rồi bắt xe lên Hà Nội. Nếu thuận xe thì tôi đi tiếng rưỡi. Tôi nhảy nhiều xe lắm, 1 là xe 18, 2 là xe 49 xuống ga xe điện Cát Linh, tôi xuống ga tôi lại ngồi đấy bán 1 tí xong lại đi xe 143 về đến đây. Sáng tôi ngồi ở cơ quan dưới Láng Hạ, chiều bắt xe buýt về bán nước chỗ Hoàng Thành. Tôi chỉ bán đến chiều, chiều còn đi đón cháu. Đồ còn thừa tối về tôi thái ra ăn nốt”. Nói xong cô cúi xuống tỉ mỉ chọn khoai cho tôi. 

- Cái nghề này vất vả nhất giời mùa hè, phải đi nhiều nên nhanh đổ mồ hôi. Mùa đông này ko mệt nhưng rét - Cô Ánh cười phớ lớ. 

- Sao cô không chuyển sang nghề khác cho đỡ vất vả? - Tôi hỏi 

- Cái nghề này, hàng ăn thì quanh năm cháu ạ, ai cũng phải ăn, tôi bán hàng phục vụ mọi người ăn.Với tôi mười nghìn, năm nghìn cũng đủ bữa. Hồi trước, hôm 30 Tết tôi ngồi bán ở đài truyền hình có một ông khách ghé mua hàng rồi bảo : “Tôi đi bao nhiêu chỗ không có 1 hàng ăn, may quá gặp chị ở đây, cảm ơn chị nhiều nhé!”  Người ta đi xa mà, cũng đói nhưng ăn 2 nắm cơm của tôi là no bụng. Ngày đấy tôi bán rẻ lắm, cả cơm cả ruốc có năm nghìn thôi  - Cô Ánh nhớ lại. 

Với cô Ánh, những lời động viên, khen ngợi của khách mua hàng là niềm vui bình dị trong cái nghề mưu sinh đầy nhọc nhằn nơi đất khách. 

Cô Ánh với nụ cười luôn nở rạng rỡ trên môi khi có khách đến mua khoai. (Ảnh: Trịnh Ly)
Cô Ánh với nụ cười luôn nở rạng rỡ trên môi khi có khách đến mua khoai. (Ảnh: Trịnh Ly)

“ Nghề này cực nhưng không muốn bỏ ” 

Chị ơi cho em mua mũ - Tôi gọi với theo người phụ nữ nhỏ bé mặc chiếc áo phao đỏ mỏng dính đang đẩy xe hàng toàn mũ lông trên phố Nguyễn Hữu Huân.

- Em muốn mũ cả khăn quàng hay mũ trơn - Chị hỏi tôi

- Em muốn mua mũ trơn - Tôi đáp lại

- Chị tên Nguyễn Thị Hiền, nhà ở Hà Nội. Chị đi bán hàng rong để nuôi 3 đứa em ăn học: một đứa đang học đại học, một đứa học cấp 3 và một em nhỏ còn đi mẫu giáo. 

Chị Nguyễn Thị Hiền bên xe đẩy bán mũ dạo. (Ảnh: Trịnh Ly)
Chị Nguyễn Thị Hiền bên xe đẩy bán mũ dạo. (Ảnh: Trịnh Ly)

Một ngày chị Hiền bán được vài trăm, đắt hàng thì 1- 2 triệu. Chị đẩy xe từ sáng, bán đến 11-12 giờ đêm, có hôm 1-2h mới về nhà. Vậy mà chị còn bảo: 

“ Xe hàng của tôi cồng kềnh, về sớm tiện cho công an dẹp đường”. Tôi ấn tượng với đôi mắt của chị. Nó to tròn, đen láy. Nếu không phải phơi mặt ngoài đường cả ngày chắc hẳn chị còn trẻ đẹp hơn . 

- Nhiều khi tôi cũng muốn bỏ nghề. Những hôm đi đường trời bất chợt đổ mưa làm ướt cả xe hàng. Nhưng mà tôi theo nghề này cũng lâu, cũng quen rồi, bây giờ bắt đầu một công việc mới lại mất nhiều thời gian mà muốn buôn bán cái gì trên phố thì phải thuê mặt bằng. Tôi làm gì có tiền, những mấy chục triệu. Dù sao làm nghề này cũng đủ sống nên tôi vẫn cứ cố gắng mà làm. - Chị trải lòng Trời tối dần, tôi nhìn theo xe hàng của chị Hiền dần khuất xa sau những ngôi nhà lô nhô trên phố. 

Suốt ngày rong ruổi trên đôi chân vạn dặm, những người bán hàng rong tối lại về căn trọ nhỏ nghỉ ngơi để chuẩn bị hành trình cho một ngày mới… Mưa nắng, gió rét không nề hà nhưng càng làm cho gương mặt họ hằn thêm những nếp thời gian. Những phận đời cứ luẩn quẩn trong nỗi lo cơm áo gạo tiền, trong nỗi bon chen nơi đất kinh kỳ xa hoa.

Có những người bán hàng rong còn mưu sinh trong suốt những đêm lạnh giá. Họ chăm chỉ làm việc cho đến khi cả thành phố thức giấc. Đằng sau những xe hàng đó là cả một câu chuyện dài. 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN