Hành trình 15 năm tìm đồng đội của người cựu binh Nghệ An
(Sóng trẻ) - Suốt 15 năm, cựu chiến binh Trần Văn Phúc (69 tuổi, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An) nhiều lần trở lại chiến trường xưa, lần theo ký ức để tìm và đưa về hài cốt 14 đồng đội hy sinh tại địa đạo cao điểm 174 (tỉnh Bình Định).
Những hồi ức đau thương, mất mát
Tháng 8/1974, ông Trần Văn Phúc rời quê Nghệ An, vượt Trường Sơn, hành quân ròng rã suốt một tháng vào chiến trường Bình Định. Khi ấy, người thanh niên 18 tuổi chỉ nặng 41kg, cơ thể gần như kiệt sức, nhưng trong tâm trí xác định rõ: “Đi là không hẹn ngày trở về. Hôm nay đồng đội ngã xuống, mai có thể đến lượt mình. Nếu phải hy sinh, cũng quyết một mất một còn với địch”.
Ông Phúc được bổ sung vào Đại đội 15 Công binh, Trung đoàn 141, Sư đoàn 3 Sao Vàng – Quân khu 5, đóng quân tại huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Cuối năm 1974, địch mở các cuộc hành quân quy mô lớn nhằm xóa thế “da báo” – tình trạng đan xen địa bàn giữa ta và địch. Đơn vị ông nhận nhiệm vụ phòng thủ cụm cao điểm 174, một vị trí chiến lược mang ý nghĩa then chốt.
Để chiếm cao điểm 174, địch huy động nhiều máy bay cùng hàng chục khẩu pháo liên tục dội bom, đánh phá trận địa. Thời điểm ấy, trời đang giao mùa, đất đá trong địa đạo bị sạt lở nghiêm trọng. Sức tấn công dữ dội khiến toàn bộ trận địa bị phá hủy, nhiều chiến sĩ đã hy sinh.
Tại cao điểm 174, ông Phúc cùng đồng đội kiên cường bám trụ, tổ chức phòng thủ và đánh trả quyết liệt các đợt tấn công của địch. Một đợt ném bom của máy bay địch đã trúng khu vực địa đạo, khiến hai chiến sĩ hy sinh ngay tại cửa hầm, bảy người khác bị vùi lấp bên trong. Tình thế nguy cấp buộc quân ta phải rút lui để củng cố lực lượng, chờ cơ hội phản công.

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đơn vị của ông Phúc được giao nhiệm vụ giải phóng đảo Long Sơn (TP. Vũng Tàu), mở hướng hành lang phía Đông, tạo điều kiện tiến về giải phóng Sài Gòn.
Đến năm 1979, ông lại cùng Trung đoàn 141 hành quân ra mặt trận Lạng Sơn, tiếp tục chiến đấu chống quân xâm lược Trung Quốc. Gần một thập kỷ sau, năm 1988, ông được chuyển ngành về làm công nhân tại Công ty Vật liệu chất đốt Nghệ An, nghỉ hưu vào năm 2006.
Hoàn thành tâm nguyện đưa đồng đội trở về
Trở về đời thường, đối mặt với gánh nặng mưu sinh, chăm lo cuộc sống gia đình, ông Phúc vẫn đau đáu trong lòng về những người đồng đội năm xưa.
Năm 2009, Sư đoàn 3 Sao Vàng tổ chức cho cựu chiến binh trở lại thăm chiến trường xưa. Trong chuyến đi này, ông Phúc đã băng rừng, lội suối suốt 4 giờ đồng hồ từ chân đồi lên cao điểm, tìm thấy hài cốt của hai liệt sĩ hy sinh trong trận đánh ngày 27/10/1974: Đỗ Công Phan (quê huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) và Đỗ Văn Bản (quê huyện An Lão, TP. Hải Phòng).
Với ông Phúc, họ không chỉ là đồng đội mà còn là ân nhân cứu mạng. Năm ấy, ba người cùng trú ẩn trong một căn hầm nhỏ. Khi phát hiện vị trí không an toàn, ông Phan và ông Bản đã bảo ông rời đi trước. “Tôi vừa rời khỏi đó chưa được bao lâu thì pháo địch dội xuống đúng vị trí ấy, khiến cả hai anh hy sinh”, ông kể lại.
Cũng trong năm 2009, ông tiếp tục hành trình và đưa được hài cốt liệt sĩ Khương Đình Đại (quê ở Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) trở về với gia đình.
Đến năm 2012, ông Phúc cùng một đồng đội cũ ở Đồ Sơn (TP Hải Phòng) trở lại chiến trường Hoài Ân (tỉnh Bình Định) để tiếp tục tìm kiếm. Trong chuyến đi này, họ đã tìm thấy hài cốt của hai liệt sĩ: Đào Văn Tài và Đặng Sơn – đều quê ở Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An), hy sinh tại khu vực cầu Phú Văn, bị địch lấp kín cửa hầm.

Nỗi trăn trở về những đồng đội còn nằm lại dưới địa đạo cao điểm 174 luôn âm ỉ trong lòng ông Phúc. Năm 2023, ông quyết định gửi đơn tới các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định, đề nghị hỗ trợ công tác tìm kiếm và khai quật hài cốt liệt sĩ. Đầu năm 2024, ông nhận được thư phản hồi từ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, thông báo sẽ tiến hành khai quật địa đạo tại cao điểm 174 và mời ông vào phối hợp.
Trở lại cao điểm sau gần 50 năm, ông Phúc gần như không còn nhận ra nơi từng là chiến trường ác liệt năm nào. Quả đồi cũ giờ đã phủ kín cây keo, địa hình thay đổi hoàn toàn. Vì vậy, ngay khi ông Phúc đưa ra ý tưởng này, nhiều người, trong đó có cả những đồng đội cũ đều lắc đầu cho rằng ông quá “liều lĩnh”.
Dựa vào trí nhớ và kinh nghiệm quân sự, ông Phúc cùng đơn vị Bộ Chỉ huy Quân sự Bình Định bắt đầu khai quật. Ngay tại cửa hầm phía Bắc, nơi từng bị pháo địch đánh sập, ông tìm thấy hài cốt của 2 đồng chí. Đào sâu vào bên trong, lần lượt phát hiện thêm hài cốt của 7 người còn lại.
Toàn bộ 9 bộ hài cốt được cơ quan chức năng lấy mẫu giám định ADN để xác minh danh tính, phục vụ công tác tìm kiếm thân nhân trước khi an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Hoài Ân.
Sau hành trình dài, việc tìm thấy và đưa 14 đồng đội trở về đã trở thành niềm an ủi lớn nhất đối với ông Phúc, người cựu binh vẫn mang trong tim lời hẹn ước với những người đã ngã xuống.