Hành trình từ chàng sinh viên mắc chứng trầm cảm trở thành thầy giáo dạy trẻ tự kỷ
(Sóng trẻ) - “Bố mẹ mình đã rất cố gắng khuyên bảo, nói ngọt có, dọa nạt có, nhờ họ hàng thậm chí cả chuyên gia tư vấn nhưng lúc đó, mình chỉ thấy không thể tin tưởng một ai. Thậm chí mình từng cố tự tử 2 lần mà không thành”.
Nghe những tâm sự này, ít ai có thể ngờ đó lại từng là Hoàng Tiến hoạt bát, vui vẻ của hôm nay, thầy giáo tận tâm của những em nhỏ tự kỷ tại Trung tâm Tâm Việt (Phú Xuyên, Hà Nội).
Từ một chàng sinh viên khoa Công nghệ thông tin với nụ cười hiền lành, dễ thương, Hoàng Tiến (1998) bỗng mắc chứng trầm cảm tưởng như vô phương cứu chữa. Nhưng cũng chính cậu, một lần nữa, khiến bạn bè và gia đình bất ngờ bởi sự thay đổi thần tốc của mình khi chỉ sau 3 tháng điều trị, Tiến đã trở thành một thầy giáo được các em nhỏ tự kỷ hết mực yêu thương, kính trọng.
Chân dung chàng sinh viên 20 tuổi
Từng tự tử 2 lần không thành
Hoàng Tiến là sinh viên khoa Công nghệ thông tin, Đại học Aptech. Nhìn chàng trai trẻ với vẻ nài thư sinh, dễ mến, tương lai rộng mở ấy ít ai ngờ rằng Tiến từng là nạn nhân của chứng trầm cảm – căn bệnh cướp đi sinh mạng của 800.000 người trên thế giới hàng năm.
Bắt đầu bởi áp lực học hành bởi môi trường cạnh tranh khốc liệt, cùng với công việc làm thêm không như ý muốn, tất cả khiến Tiến rất áp lực và muốn buông bỏ tất cả.
“Nhiều lúc mình đã tự hỏi sau này mình sẽ làm gì? Học Đại học thì để làm gì? Mình sẽ là ai trong cuộc đời này? Những câu hỏi cứ xoay vần trong đầu khiến mình rất khủng hoảng và chán chường. Làm gì cũng không tập trung, cũng chóng chán” – Hoàng Tiến chia sẻ.
Học được một thời gian Tiến quyết định bỏ học, tự nhốt mình trong nhà không làm gì, chỉ ra nài khi bắt buộc.
Giữa lúc chênh vênh nhất, chàng trai trẻ trúng tiếng sét ái tình với một cô gái cùng chỗ làm thêm. Thật không may, người con gái ấy đã yêu một chàng trai khác. Như một đòn giáng mạnh vào tâm lý, Tiến hoàn toàn sụp đổ.
Sau khi bỏ học, tuy lờ mờ cảm nhận bản thân đang trầm cảm dạng nhẹ, Tiến vẫn tự an ủi bản thân rằng mọi thứ vẫn bình thường. Nhưng sau cú sốc tình cảm đó, mọi chuyện bắt đầu tồi tệ hơn.
“Lúc nào mình cũng sợ hãi, cũng cảm thấy thua thiệt đủ thứ, không tự tin về bản thân. Mình hầu như không ra nài, nếu có thì cũng chỉ cúi gằm mặt xuống, không dám nhìn vào mắt mọi người. Mình không bao giờ cười, đôi mắt lúc nào cũng vô hồn. Thậm chí mình không thể kiểm soát cảm xúc. Giống như một trái bom vậy, cảm tưởng nếu có ai chọc tức mình lúc đó, mình sẵn sàng bùng nổ và thực sự đến mình cũng không dám nghĩ bản thân sẽ làm gì” – Tiến kể lại.
Khoảng một tuần sau đó, bố mẹ Tiến bắt đầu cảm nhận được sự khác thường của con mình và tìm cách để gần gũi Tiến. “Bố hỏi mình không trả lời, nói chuyện mình cũng không đáp, chỉ lủi thủi trong phòng. Bố mẹ tìm đủ cách, nói ngọt có, dọa nạt có, đánh có, mời họ hàng nói chuyện có, thậm chí cả chuyên gia tư vấn đến. Nhưng mình chỉ thấy không thể tin tưởng ai để chia sẻ cả” – Tiến tâm sự.
Hoàng Tiến là người thầy được các bạn nhỏ ở trung tâm Tâm Việt yêu quý
Khi mọi thứ đã đến cùng cực, Tiến tìm cách giải thoát để kết thúc mọi thứ. Lần đầu thắt cổ tự tử bất thành, Tiến quyết định nhốt mình trong phòng và tuyệt thực. Ngay lúc đó, bố mẹ Tiến đưa cậu đến Trung tâm Tâm Việt để điều trị.
Thậm chí, sợ Tiến nghĩ ngợi, bố mẹ và các thầy cô trong Trung tâm đã giấu Tiến về việc chữa trị. Chỉ nói rằng muốn Tiến đến và dạy học cho các em nhỏ ở đây. Tiến nhớ lại với một nụ cười trong ánh mắt: “Lúc đầu mình cũng giận bố mẹ lắm. Nhưng sau khi bình tâm, mình lại cảm thấy ở đây có lẽ có điều gì đó mình thực sự cần”. Và quả thực, Tâm Việt không chỉ cứu Tiến mà còn mở ra một chương mới trong cuộc đời của chàng trai trẻ.
“Trưởng thành hơn vì trở thành “bố” của Tấn và Su”
Ngay ngày đầu tiên đến đây, thầy Việt – người sáng lập trung tâm đã kéo Tiến ra một góc và hỏi: “Thực vật và động vật khác nhau ở điểm gì?”; “Động vật và người khác nhau ở điểm gì?” Những câu hỏi mang tính thức tỉnh ấy đã vực Tiến đứng lên. Rồi thầy đưa Tiến đến gặp những đứa trẻ tự kỷ miệt mài tập luyện trên những chiếc xe đạp một bánh, nhìn chúng ăn uống, sinh hoạt,... Điều này tác động mạnh mẽ đến chàng trai trẻ.
“Mình đã có cái nhìn hoàn toàn khác về những đứa trẻ tự kỷ. Chúng không phải những đứa trẻ lúc nào cũng lặng lẽ một mình, không quan tâm, không để ý đến ai mà là những đứa trẻ rất hồn nhiên, vui tươi, yêu đời. Khác hẳn với những đứa trẻ ở thành thị. Thậm chí chúng còn có những khả năng thiên tài và sự kiên trì, quyết tâm đến kỳ lạ.
Lúc ấy, mình đã nghĩ tại sao những đứa trẻ chịu nhiều thiệt thòi kia vẫn luôn nỗ lực từng ngày, còn mình thì lại không? Chính những đứa trẻ đặc biệt này đã khiến mình trưởng thành hơn, muốn gắn bó với chúng lâu thật lâu và quyết định ở lại làm thầy giáo” – Tiến tâm sự.
Là thầy giáo, Tiến hằng ngày dạy các em theo phương pháp và giáo trình riêng của trẻ tự kỷ với những bài tập như đi xe đạp một bánh, tung hứng, giữ thăng bằng,... để học cách tập trung, chăm sóc các em, dạy các em những việc đơn giản nhất để chúng có thể tự sinh hoạt mà không cần hỗ trợ của người khác như tự ăn uống, tắm giặt, rửa bát,... Những việc nghe thì đơn giản, nhưng với trẻ tự kỷ lại mất rất nhiều thời gian.
Khó khăn lớn nhất khi làm một thầy giáo dạy trẻ tự kỷ theo Tiến là làm sao để bắt đầu một công việc mới ở môi trường mới khi thói quen cũ của vẫn còn. Trong khi ở đây luôn phải ăn, ngủ, sinh hoạt giờ giấc đều phải đúng giờ để làm gương cho các em.
Quan trọng hơn hết chính là cách tiếp xúc với trẻ tự kỷ. Mỗi đứa trẻ ở đây đều đặc biệt và riêng biệt. Nên với mỗi em lại phải có một cách khác nhau để tiếp cận và hiểu chúng.
“Những ngày đầu mình mới vào. Mình được giao chăm sóc một bé bị rối loạn cảm xúc. Khi không kiểm soát được em ấy sẽ tự làm đau cơ thể mình bằng cách đập đầu vào tường hay bề mặt cứng rất mạnh. Khi mới tiếp xúc mình thậm chí thấy sợ, rồi cứ tự hỏi làm sao mà làm được đây? Nên mình đã tạo ấn tượng đầu không tốt với em ấy lắm. Thành thử sau cứ bị em ấy bắt nạt!”.
“Bố Tiến” của những em nhỏ tự kỷ luôn ân cần trong những giờ dạy của mình
Đến mức, các anh chị trong trung tâm đã phải động viên Tiến: “Cứ cố gắng từ từ, em sẽ thấy bạn ấy cũng đáng yêu lắm!”. Có lúc thấy nản, thấy cáu, không kiềm chế được cảm xúc là Tiến lại muốn bỏ cuộc. Nhưng rồi nghĩ lại, thấy tại sao những đứa trẻ này chịu bao thiệt thòi vẫn cố gắng luyện tập mỗi ngày, nhọc nhằn gắn kết những mối nối đường truyền trong não, có em đã thành kỷ lục gia thế giới, còn mình, chỉ việc cỏn con mà không làm được? Vậy là chàng trai trẻ ấy lại quyết tâm!
“Sau đó, mình mới ngộ ra rằng mỗi đứa trẻ đều có ngôn ngữ riêng mà mình cần yêu thương chúng thật sự thì mới hiểu được. Nói là dạy chúng, nhưng chính những đứa trẻ này đã chữa trị cho mình, kéo mình ra khỏi vũng lầy cảm xúc lúc nào không hay”. – Tiến tâm sự.
“Bố Tiến” chăm sóc bé Su
Hiện tại, Tiến được giao chăm sóc “hai con” là bé Su và bé Tấn. Các em nhỏ ở đây luôn gọi người chăm sóc mình là “bố”, “mẹ” và rất gắn bó với người đó. Với Su và Tấn cũng vậy! Các em lúc nào cũng gọi “bố Tiến”, quấn quýt không rời, thậm chí không thấy bố là không ăn cơm.
“Chúng cho mình cảm giác muốn chở che và bảo bọc. Từ ngày làm “bố” của Su và Tấn, mình thấy bản thân trưởng thành hơn, có trách nhiệm hơn rất nhiều. Không như trước kia, làm gì cũng mau chán, chẳng bao giờ chú tâm làm gì, từ bỏ mà không cần lý do, thích là làm, thích là bỏ”. – Tiến kể.
Khi được hỏi về dự định tương lai, Tiến chỉ nở một nụ cười và nói cậu vẫn muốn ở lại Tâm Việt với các em thật lâu còn những điều khác chưa tính đến. “Bởi còn rất nhiều điều mình cần học ở đây. Học yêu thương, học làm người!”.
Khánh Như
Cùng chuyên mục
Bình luận