Hành trình vượt hơn 1.000 hải lý đến với Trường Sa của PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang
(Sóng trẻ) - Từ ngày 3/5 đến ngày 12/5, PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, Trưởng khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã có chuyến công tác tại Trường Sa trên con tàu Kiểm ngư KN491. Dù không phải lần đầu công tác xa nhà, song chuyến đi này đối với PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang vẫn mang một dấu ấn đặc biệt.
Chiều 4/5, PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang cùng đoàn công tác số 9 rời cảng Cam Ranh để bắt đầu chuyến công tác của mình. Theo kế hoạch, đoàn sẽ đến thăm và làm việc tại 11 điểm, trong đó có 5 đảo nổi, 5 đảo chìm, 1 nhà giàn, gồm: Đá Lớn B, Sinh Tồn Đông, Tốc Tan C, Phan Vinh B, Thuyền Chài B, Ang Bang, Đá Đông C, Trường Sa Đông, Đá Tây A, Trường Sa và Nhà giàn DK1/17 Phúc Tần. Trong khuôn khổ chuyến công tác, bên cạnh thăm, động viên, tặng quà quân, dân trên các đảo và Nhà giàn DK1, đoàn còn có nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, dâng hương tại các công trình tâm linh, tổ chức lễ tưởng niệm các liệt sĩ trên biển, đảo.
Hình ảnh rạng rỡ, mang theo niềm tự hào và sự háo hức của PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang trước giờ xuất phát đến vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc
Ngày 6/5, Đoàn công tác số 9 tới thăm đảo Đá Lớn B và đảo Sinh tồn Đông. Vừa đặt chân lên đảo, hình ảnh thiêng liêng mà bất kỳ ai cũng nhìn thấy, đó là cột chủ quyền biển đảo, bên cạnh là hình ảnh người chiến sĩ trẻ tuổi, tay đang bồng súng đứng gác canh giữ biển trời Tổ quốc. Người chiến sĩ với làn da sạm nhuốm màu của nắng của gió biển và sự khắc nghiệt nơi đảo xa xôi. Các thành viên trong đoàn đều tranh thủ ghi lại những khoảnh khắc đẹp nhất bên cột mốc, thể hiện niềm tự hào dân tộc.
Một nửa chặng đường chuyến công tác tới thăm cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 của PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang được đánh dấu bằng hành trình đến thăm và làm việc tại đảo Thuyền Chài B và đảo An Bang, thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam. Khác với những hòn đảo đoàn công tác đã đi qua, ở thời điểm đoàn công tác có mặt, đảo Thuyền Chài B và An Bang có sóng lớn, việc di chuyển của thủ trưởng và đoàn đại biểu gặp khá nhiều khó khăn, khiến nhiều đại biểu tiếc nuối khi không thể đặt chân trọn vẹn lên cả hai hòn đảo này. Tuy nhiên, điều này không làm vơi đi tình yêu với biển đảo Tổ quốc và quyết tâm hoàn thành công việc trong chuyến công tác của PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang nói riêng và đoàn công tác số 9 nói chung.
PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang bên chiến sĩ hải quân
Trong các ngày tiếp theo, PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang đã cùng đoàn công tác số 9 đã đặt chân lên nhiều hòn đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa. Tại các địa điểm công tác, mỗi câu chuyện, mỗi gương mặt mà cô gặp gỡ và tiếp xúc đều để lại những ký ức, câu chuyện, những kỷ niệm khó quên trong suốt cuộc hành trình đến nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc.
Nài các đảo nổi, có diện tích lớn hơn nên điều kiện sinh hoạt, công tác của các chiến sĩ cũng đỡ vất vả. Trên các đảo chìm, đặc biệt đảo Tốc Tan C hay Đá Đông C, điều kiện vô cùng gian khổ! Nói là đảo nhưng chỉ giống như một ngôi nhà hai tầng xây trên nền đá san hô lênh đênh trên biển, bốn bề là sóng nước. Tuy vậy, không đảo nào là không có màu xanh của những luống rau với đủ loại, từ muống, cải, mồng tơi, bí... đến húng lìu, húng chó... Các đảo cũng dành diện tích để chăn nuôi lợn, gà, vịt. Nhìn những con lợn béo, căng tròn, những luống rau xanh mướt lại càng cảm phục những nỗ lực tăng gia của các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên đảo!
Rau xanh trên đảo được các những người chiến sĩ tự tay trồng và chăm sóc
Tiếp tục hành trình đến với Trường Sa, ngày 10/5, Đoàn công tác số 9 có mặt ở huyện đảo Trường Sa. Đoàn đã tham gia chào cờ, duyệt binh, dâng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, tượng Bác, lễ chùa, thăm hỏi các gia đình sinh sống trên đảo. Cũng tại đây, PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang đã tặng cuốn sách “Phan Quang - 90 tuổi đời, 70 tuổi nghề” cho thư viện của Chùa Trường Sa.
Sư thầy Thích Tâm Tánh, trụ trì Chùa Trường Sa nhận cuốn sách “Phan Quang 90 tuổi đời, 70 tuổi nghề” do PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang kính tặng để đưa vào thư viện của Chùa Trường Sa
Tối ngày 10/5, Đoàn công tác số 9 có đêm giao lưu âm nhạc, nghệ thuật với quân và dân trên huyện đảo Trường Sa. Âm nhạc đã làm tình cảm giữa đất liền và khơi xa thêm gần.
Đồng hành cùng Đoàn công tác số 9 qua nhiều hoạt động ý nghĩa trong khuôn khổ chuyến công tác, chia sẻ về buổi chào cờ ở Trường Sa, PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang không giấu nổi niềm xúc động: “Cuộc đời con người có hàng ngàn lần dự lễ chào cờ, nhưng được chào cờ và dự lễ duyệt binh ở Trường Sa chắc không có nhiều. Thiêng liêng, tự hào là cảm xúc dâng trào trong mạch máu huyết quản của mỗi người. Trường Sa là Tổ quốc".
PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang rạng rỡ bên cột mộc chủ quyền trên Đảo Trường Sa
Cuối chặng đường đến với Trường Sa, ngày 11/5 Đoàn thăm, làm việc, tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ tại nhà Dàn DK1/17 thuộc cụm Phúc Tần vùng biển trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Trước giờ làm việc với cán bộ, chiến sĩ nhà Dàn, Đoàn Công tác đã thực hiện nghi lễ tưởng niện các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại DK1 trên sân đỗ trực thăng của tàu KN491.
Các thành viên trong đoàn được ôn lại truyền thống anh dũng, vì nước quên thân của các chiến sĩ hải quân không tiếc thân mình bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đặc biệt, thời khắc kinh hoàng chiều ngày 4/12/1990 cơn bão số 10 đã cướp đi sinh mạng của 3 chiến sĩ hải quân. Hơn 200 thành viên của đoàn công tác đã thắp nén tâm nhang, thả vòng hoa tưởng niệm, tưởng nhớ hương hồn các anh, cầu mong các anh yên lòng an nghỉ, phù hộ độ trì cho thế hệ hôm nay và mai sau mãi giữ yên biển trời Tổ quốc.
Toàn Đoàn kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ công ơn các chiến sĩ hải quân đã anh dũng hi sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo
Sau nghi thức tưởng niệm, con tàu KN491 đã tiến gần đến Nhà giàn DK1/17 để chính thức thực hiện buổi thăm và làm việc. Song, do điều kiện thời tiết không được thuận lợi chỉ có thể chuyển những phần quà của các đoàn trong Đoàn công tác ra Nhà giàn, toàn đoàn đã tập trung tại cabin Tàu giao lưu với các chiến sĩ trên Nhà giàn qua bộ đàm.
PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang kể lại: “Điều tiếc nuối nhất của đoàn chúng tôi trong chuyến ra Trường Sa lần này là không lên được nhà Dàn DK1/Phúc Tần. Theo kế hoạch, cả đoàn đã chuẩn bị sẵn sàng, chờ xuồng được thả, gọi tên là bước xuống, nhưng đến phút chót thời tiết và sóng gió lại cản đường. Chúng tôi đã đi 1078 hải lý để đến nơi, nhưng chỉ vì sóng to, gầm gào, tung bọt trắng xoá đã khiến nhà Dàn ngay trước mắt, cách chỉ vài trăm mét mà không thể tiến sang. Nhìn từ xa, trên nhà Dàn DK1 lấp ló các cán bộ, chiến sĩ dõi mắt về phía tàu mà cả đoàn ai cũng ứa lệ!”
Từ xa, PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang ghi lại khoảnh khắc bên nhà giàn DK1/ Phúc Tần
Trước khi kéo ba hồi còi tạm biệt, tàu KN491 đã lượn vòng quanh nhà Dàn để hát vang những bài ca và gửi gắm tình yêu, hơi ấm của đất liền tới những người lính biển. Tàu khuất dần, các cán bộ và chiến sĩ trên nhà dàn vẫn vẫy chào, trên tay họ, lá cờ đỏ Tổ quốc tung bay khẳng định chủ quyền!
Chuyến công tác tới Trường Sa và nhà Dàn DK1 là một hành trình nhiều trải nghiệm, kỷ niệm với PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang - hành trình vượt nắng, vượt gió, lướt trên những ngọn sóng của biển Đông, được lắng nghe, gặp gỡ những chiến sĩ và người dân trên đảo, được đồng hành với những thành viên trong đoàn công tác số 9. Đây là những trải nghiệm không dễ dàng có được trong cuộc đời làm việc và công tác của bất kỳ ai!. Trong buổi phát thanh đặc biệt trên tàu KN491, kết thúc chuyến công tác, PGS, TS. Nguyễn Thị Trường Giang đã phát biểu cảm tưởng:
Không xa đâu Trường Sa ơi!
Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em
Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh
Trường Sa không chỉ gần mà Trường Sa đã ở trong tim của mỗi đại biểu trong Đoàn công tác số 9 năm 2019, trong trái tim của tất cả người con đất Việt! Nhiều người trong chúng tôi có điều kiện đi công tác nhiều nơi trong nước và quốc tế nhưng được ra Trường Sa và dàn DK1 chắc chỉ lần duy nhất! Vì vậy, chúng tôi đã cố gắng trân trọng từng giây phút trong chuyến đi để làm giàu thêm vốn sống, để hiểu hơn về Trường Sa và biển đảo quê mình, để thắm đượm thêm tình quân dân, để hiểu hơn về nỗi vất vả, gian khổ và hy sinh của người lính đảo.
Đến với Trường Sa hôm nay, chúng tôi không chỉ biết thêm về Đảo Đá Lớn, Sinh Tồn, Tốc Tan, Phan Vinh, Thuyền Chài, Đá Đông, Đá Tây...; không chỉ hiểu hơn về sự giàu đẹp của biển cả và tiềm năng của biển Việt Nam; không chỉ cảm nhận về tình yêu của những người lính đảo, về sợi chỉ đỏ xuyên suốt giữa đất liền và khơi xa... mà quan trọng là cho chúng tôi thêm động lực để cống hiến và cơ hội nhìn lại chính mình.
Ở mỗi một vị trí công tác, trong từng đơn vị, lĩnh vực khác nhau, chúng tôi - 190 thành viên của Đoàn công tác chắc chắn sẽ có những hành động thiết thực đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Bản thân là giảng viên báo chí, chắc chắn sau chuyến đi, những bài giảng cho nhà báo tương lai của tôi sẽ giàu thêm tính hiện thực, thực tiễn, bồi đắm thêm trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của chiến sĩ trên mặt trận công tác tư tưởng. Xin mượn lời của nhân vật Paven Coocsaghin trong “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nga, Oxtoropxki để làm động lực và lời hứa của bản thân rằng: “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí".
Một số hình ảnh của chuyến đi:
PGS,TS. Nguyễn Thị Trường Giang chụp với Chuẩn đô đốc Phạm Văn Luyện – Trưởng Đoàn công tác số 9
Giao lưu văn nghệ giữa các thành viên trong Đoàn trên sân đỗ trực thăng của tàu KN491. Ảnh: Việt Thắng
Xuống xuồng ra đảo. Ảnh: Việt Thắng
Chuẩn đô đốc Phạm Văn Luyện vẫn chào cán bộ, chiến sĩ trên nhà Dàn DK1
Hạnh phúc khi cô – PGS,TS. Nguyễn Thị Trường Giang và trò - phóng viên Đoàn Bổng (sinh viên BMĐT K32, nguyên thành viên Sóng trẻ Web) cùng tham gia chuyến công tác ra Trường Sa và nhà Dàn DK1
Tàu KN491 đưa Đoàn ra Trường Sa và nhà Dàn DK1
PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang bên cây Bàng vuông ở Đảo Sinh Tồn Đông
Bên giá sách ở Đảo Đá Tây A
Đại biểu nữ Đoàn Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trước cột mốc trên Đảo Trường Sa Đông
Trên Đảo Phan Vinh A
Áo dài tung bay trên boong tàu KN491
Hải Vân
Cùng chuyên mục
Bình luận