"Phía trước là bầu trời": Vẫn hấp dẫn sau 13 năm
(Sóng trẻ) - Diễn viên phần lớn đều là nghiệp dư, cũng không có quá nhiều đầu tư về trang phục, kỹ xảo, hình ảnh. Thế nhưng “Phía trước là bầu trời” đã đi vào ký ức của thế hệ cuối 8x, đầu 9x (bao gồm cả sinh viên và học sinh) như một câu chuyện có vui, có buồn, có xúc động và cũng có cả những kỷ niệm.
Hấp dẫn từ những điều dung dị
Đã 13 năm trôi qua kể từ ngày “Phía trước là bầu trời” của Đạo diễn Đỗ Thanh Hải phát sóng trên Đài truyền hình Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, bộ phim dài 9 tập này vẫn được xem là một trong những bộ phim hay nhất về sinh viên bằng chứng là việc Đài truyền hình Quốc gia thường xuyên phát lại cũng như lượng xem trên Youtube tăng lên mỗi ngày.
Lấy những câu chuyện đời sống của sinh viên để làm nội dung của bộ phim, đạo diễn Đỗ Thanh Hải đã hấp dẫn người xem không phải bằng những kỹ xảo chau chuốt cầu kỳ hay những không gian, thời gian “bề thế”. Với “Phía trước là bầu trời”, Đỗ Thanh Hải là người dũng cảm khi chọn cho bộ phim của mình phần lớn là những diễn viên nghiệp dư. Và sự dũng cảm đó đã mang lại thành công.
Diễn như không diễn, đó là đỉnh cao của kỹ thuật điện ảnh, cũng là đỉnh cao của “Phía trước là bầu trời”. Dàn diễn viên trong phim nếu không là sinh viên thì cũng đã là sinh viên, thậm chí có cả Nguyễn Thành Vinh (vai Nam) người vừa đạt giải Á quân Đường lên đỉnh Olympia năm đó. Chỉ có điều họ không phải là sinh viên hay đã từng là sinh viên của trường Sân khấu – Điện ảnh (nại trừ Kiều Thanh, vai Trà). Họ đã diễn bằng chính những trải nghiệm của đời sinh viên và cuộc sống của sinh viên sau khi ra trường. Những lời thoại được xây dựng từ chính lời ăn tiếng nói hàng ngày còn câu chuyện thì được kể từ chỗ sáng lạ nhất đến những góc khuất nhất.
Cuộc sống sinh viên: Mỗi người, mỗi cảnh
Hơn một thập kỉ đã trôi qua, những cô cậu sinh viên thời đó nay cũng đã trưởng thành, mỗi người có những cuộc sống riêng. Có người thành công, có người chưa thành công, có người đã yên bề gia thất, có người vẫn đang trên hành trình kiếm tìm một nửa của cuộc đời mình. Khi xem lại một bộ phim mà bản thân là “cốt truyện”, với họ có lẽ là ký ức và kỷ niệm. Chắc hẳn sẽ có người khóc và cũng không ít người bồi hồi xúc động.
Còn sinh viên thời nay, xem “Phía trước là bầu trời” không chỉ là để “ôn cố, tri tân”, để ngược dòng thời gian chiêm nghiệm cuộc sống sinh viên thời đó mà quan trọng hơn cả là vì nhiều vấn đề mà bộ phim đề cập đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Sinh viên và nỗi lo việc làm sau khi ra trường đã trở thành một vấn đề nan giải, mà từ đó đến nay vấn đề đó lại càng được quan tâm hơn chứ không hề “giảm nhiệt”.
Mỗi nhân vật trong bộ phim là một hoàn cảnh. Thương, cử nhân loại Khá Đại học Sư phạm nại ngữ, mưu sinh bằng nghề gia sư, làm quán ăn. Đến khi tìm được một công việc đàng hoàng thì cũng sự bon chen, đố kị của con người bủa vây. Nguyệt, cử nhân Báo chí, một cô gái thông minh, luôn sống bằng thủ đoạn nhưng cuối cùng cũng nhận ra rằng, chính cuộc sống bon chen nơi thành thị đã khiến cô không còn là cô nữa. Hay như Nam, Vinh, Thúy, Nghĩa hồn nhiên sinh viên đó nhưng cũng có những khoảng lặng của nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền”.
Thương hỏi Nhung: “Chúng mình cứ phải cố bám trụ lấy nơi này làm gì hả Nhung”, nữ cử nhân báo chí trả lời: “Để tồn tại ở đây, bọn mình phải chấp nhận, không có cái gì tự nhiên mà có, bỗng dưng mà thành được”. Kết thúc tập phim Nguyệt quyết định sẽ đi vào miền Trung, trong khi Thương sẽ về quê đã tránh xa sự bon chen chốn đô thành bởi cô nghĩ “Bọn mình có tuổi trẻ, có năng lực nếu biết bằng lòng về quê vẫn sống được”.
Mỗi người đều có những ngã rẽ riêng, nhưng những ngã rẽ đó sẽ chỉ là bầu trời khi chúng ta loại bỏ được những đố kị, những bon chen, toan tính đối với người khác và cuộc sống này.
Lê Quang Đức
Báo mạng điện tử K32
Cùng chuyên mục
Bình luận