Hãy dùng sự chân thật để đánh thức “Hồi ức kẻ sát nhân”!

(Sóng trẻ) - Là một cuốn tiểu thuyết văn học nhưng nhân vật chính trong tác phẩm lại là những người làm báo, hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Chính vì thế, những điều họ thực hiện trong quá trình tác nghiệp cũng đều để lại những bài học đáng để suy ngẫm về những trăn trở như thế nào mới được gọi là một người làm báo đích thực, mà ở đây là qua nghệ thuật phỏng vấn, khai thác thông tin.

“Hồi ức kẻ sát nhân” (1992) là tên của cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn người Bỉ, Amélie Nothomb. Cô còn được công chúng biết tới với những tác phẩm khác như “Phá ngầm tình tứ” (1993), “Sững sờ và run rẩy” (1999), “Không Adam cũng chẳng Eva” (2007)…

Nói về “Hồi ức kẻ sát nhân” của tác giả Amélie Nothomb, Le Figaro, một tờ báo Pháp nhận định rằng: “Cuốn tiểu thuyết khiến người ta sững sờ. Rồi choáng váng. Amélie Nothomb đã đưa độc giả đến một nơi rất gần sự chết bằng câu chuyện tự nhiên nhưng điên cuồng, ngây thơ nhưng tai ác và từ đó chỉ ra bộ mặt mà mỗi người có thể cất giấu sâu thẳm trong mình”.

Câu chuyện về nhà văn Prétextat Tach

Trong tác phẩm, Prétextat Tach đã ở tuổi 83 và là một nhà văn nổi tiếng thế giới với 22 cuốn tiểu thuyết thành công nhưng chỉ còn hai tháng nữa là ông sẽ qua đời vì căn bệnh ung thư sụn (Elzenveiverplatz). Lúc này, ông trong bộ dạng “…cơ thể phì nộn không chút râu ria, ở ông hội tụ tất cả những đặc điểm nhận dạng của một viên quan hoạn…”. Nài ra, ông còn bị mắc chứng tim mạch. Mặc dù vậy, mỗi ngày ông vẫn hút chừng 20 điếu xì gà La Habana và bỏ qua những lời căn dặn của bác sĩ dinh dưỡng.

Trước tin tức đó, các toà soạn, cơ quan báo chí đều mong có được cơ hội để phỏng vấn Prétextat Tach. Ernest Gravelin, thư ký của Tach đã chọn ra trong số những thư đề nghị được phỏng vấn gửi tới. Và cuối cùng có 5 phóng viên được lựa chọn, trong số đó có một người là nữ.

Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết là những cuộc đối thoại kịch tính với những câu hỏi – đáp liên tiếp nhau và qua đó tính cách của nhân vật được bộc lộ rõ. Đúng như nhận định trên trang www.evene.fr , người đọc không thể dứt ra khỏi những cuộc hội thoại đầy lôi cuốn giữa nhà văn Tach với những phóng viên tới phỏng vấn ông. Đọc “Hồi ức kẻ sát nhân”, người đọc sẽ có cảm giác bị cuốn hút vào thế giới của nhân vật và mong chờ bí mật về cuộc đời của nhân vật được làm sáng tỏ. Nothomb đã thực sự thành công trong nghệ thuật xây dựng nhân vật bằng cách để nhân vật tự bộc lộ mình qua chính lời nói, lý lẽ và hành động của mình.

ada27d5d9_i_20150309_200653.jpg

Cuốn tiểu thuyết “Hồi ức kẻ sát nhân”

Hãy chân thật với nhân vật và chính bản thân mình khi tác nghiệp

Trong suốt 275 trang của cuốn tiểu thuyết, không phải ngẫu nhiên tác giả lại dành tới hơn một nửa cho cuộc đối thoại giữa nhà văn Tach và nữ phóng viên tên là Nina, còn bốn cuộc đối thoại còn lại lại chỉ có tổng độ dài không quá một nửa. Đó là bởi vì, Nina đã làm được nhiều hơn, tốt hơn những người đồng nghiệp của cô đã làm. Chính những phẩm chất, nguyên tắc nghề nghiệp đúng đắn cùng với sự thông minh của mình đã giúp Nina chiến thắng được nhà văn khó tính Tach và buộc ông phải nói về hồi ức tưởng như sẽ bị chôn vùi.

Kết quả của bốn cuộc đối thoại đầu tiên là sự thất bại có thể nói là “thê thảm”. Sau thất bại đó, những phóng viên đó vẫn không thể tìm ra được lý do vì sao và nhưng họ đều không thừa nhận rằng mình sai. Và trong suy nghĩ của họ thì Tach là một lão già bị phì nộn, độc ác.

Người phóng viên đầu tiên đã sai vì đã nói chuyện với nhân vật của mình về văn chương “như một cuốn giáo khoa bậc phổ thông”; hỏi những câu hỏi khai thác tiểu sử sáo rỗng đối với một nhà văn tài giỏi như Tach; cho rằng Tach giống với một nhân vật trong sáng tác của ông. Và trên hết, anh ta đã chủ quan khi nói với nhân vật của mình rằng anh ta đã quen với việc phỏng vấn các nhà văn.

Người phóng viên thứ hai ngay đến việc tìm đọc những bản tóm tắt những tác phẩm của nhân vật mình phỏng vấn cũng không có. Anh ta đã lấy lý do là bởi tình hình chiến sự ở Trung Đông nên không có thời gian cho những đứa con tinh thần của Tach. Tach đã khẳng định với anh ta rằng: “Tôi nhận ra ngay lập tức những người đã đọc tiểu thuyết của tôi: điều đó hiển hiện ngay trên gương mặt họ. Cậu thì không có vẻ gì là bị đè nén, cũng không phóng khoáng, không béo, cũng chẳng gầy, cũng không xuất thần nhập định…”.

Người phóng viên thứ ba đã mắc lỗi quy kết phẩm chất của nhân vật của mình từ những gì mà anh ta nghe được qua đoạn băng ghi âm của những người bạn đã phỏng vấn Tach trước đó: “Nhưng độc ác, ngài là thế đấy!”. Và anh ta cũng cho rằng mình hiểu được Tach chỉ bằng việc đọc được một tác phẩm mà ông sáng tác.

Và người phóng viên thứ tư đã sai khi không biết trân trọng nguồn tin mà nhân vật của mình cung cấp. Trái lại, anh ta lại còn tỏ ra khinh bỉ, nghi hoặc. “Tôi trao cho cậu một tin đặc biệt sốt dẻo, tôi trao nó cho cậu, trong một cử chỉ tao nhã của lòng độ lượng, không vụ lợi – còn cậu, thay vì chộp lấy cơ hội như một loài chim săn mồi thông minh, cậu bày ra những ngại ngùng, cậu làm bộ làm tịch đủ trò…”, Tach nói.

Có thể nói rằng, mỗi người trong số họ đều đang vi phạm, làm trái với phẩm chất đạo đức nghề nghiệp mà mỗi người làm báo cần phải có.

Cùng với bản lĩnh nghề vững chắc

Khác với bốn người đồng nghiệp của mình, Nina tôn trọng và biết rút kinh nghiệm từ những gì những người đi trước đã làm, không có thái độ mỉa mai lẫn nhau như những người đó đã thể hiện mỗi lần chứng kiến sự thất bại của đồng nghiệp của mình: “Tối qua, thư ký của ngài, ông Gravelin đã cho tôi nghe những cuốn băng. Tôi có mặt ở đây với đầy đủ ý thức về sự việc”. Những điều mà Nina ý thức được không chỉ thể hiện qua lời khẳng định của nữ phóng viên này mà còn xuyên suốt cuộc đối thoại giữa cô và nhà văn Tach.

Nina tôn trọng nhân vật của mình. Bằng chứng nằm ở việc cô đã đọc hết những tác phẩm của Tach và đồng thời cũng tìm hiểu rất rõ về quá khứ của Tach. Cô đã khẳng định với nhân vật của mình rằng: “Nhầm. Ngồi trước mặt ngài là một trong những người hiếm hoi đã đọc hai mươi hai cuốn tiểu thuyết của ngài, không hề bỏ sót lấy một dòng”. Nina đã khiến cho nhà văn Tach đi từ ngạc nhiên này tới những ngạc nhiên khác. Cô nhớ trong toàn bộ sáng tác của Tach, chỉ có 46 nhân vật nữ và có tới 163 nhân vật nam; kể tên những tác phẩm không hề có nhân vật nữ; sự phân bố của các nhân vật nữ trong những sáng tác còn lại và gọi tên một sáng tác có kỷ lục về số lượng 23 nhân vật nữ - “Cưỡng đoạt vô cớ giữa hai cuộc chiến”.

Nếu như người phóng viên thứ hai lấy lý do quan tâm tới chiến sự nên không kịp đọc Tach thì Nina lại hoàn toàn khác. Cô không đợi cho tới khi nhận được tin Tach sắp qua đời vì bệnh hiểm nghèo thì mới quan tâm tới cuộc đời và sự nghiệp của nhân vật của mình. “Đã nhiều năm nay tôi quan tâm đến trường hợp của ngài” “Ngài mới chỉ hai tuổi thôi mà, và tôi còn định kể chuyện cuộc đời ngài đến tận năm ngài mười tám tuổi kia”. Những khám phá của Nina không chỉ cho thấy lòng nhiệt huyết và chữ “tâm” với nghề của cô mà còn khiến quan điểm, cách nhìn của Tach thay đổi:
“… Có lẽ chính cô cũng không biết mối liên hệ về mặt gia đình, về mặt lịch sử, về mặt địa lý hay về mặt đi truyền đã gắn kết hai chúng ta với nhau, nhưng chắc chắn mối liên hệ ấy vẫn tồn tại…”

Nina biết tìm ra điều gì mới thực sự đáng để hỏi, để tìm hiểu về nhân vật của mình; không giống như những người bạn đồng nghiệp quá “hời hợt” với những câu hỏi tiểu sử, lối sinh hoạt và căn bệnh của nhà văn. Quá trình tìm hiểu về nhà văn Tach đã giúp cô thấy được điểm quan trọng nhất cần phải tập trung khi phỏng vấn Tach đó chính là cuốn tiểu thuyết còn đang dở dang, chưa có phần kết mang tên “Hồi ức của kẻ sát nhân”. Việc đặt ra cho nhà văn câu hỏi tại sao chưa hoàn thành tác phẩm đó đã cho thấy sự thông minh của Nina. Nếu như đọc tác phẩm đó của Tach, người ta chỉ xem đó là “một câu chuyện thần thoại, giàu tính biểu tượng, một phép ẩn dụ như cõi chiêm bao của tội lỗi gốc và thông qua đó nói đến thân phận con người”, thì Nina đã chứng minh được rằng, ở đó ẩn chứa bí mật của một kẻ sát nhân.

Như vậy, có thể nói rằng, Nina đã thắng Tach bằng chính năng lực, bản lĩnh và lòng yêu nghề của chính mình. Từ “Hồi ức kẻ sát nhân” của Nothomb, bài học nghiệp vụ mà mỗi người trong nghề báo cần phải ghi nhớ đó chính là sự chân thành và thái độ tôn trọng nhân vật chính là chìa khoá cho thành công.


Lê Loan
Báo mạng điện tử K33







Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN