Hội thảo “Triều Nguyễn – Đôi điều suy ngẫm”
(Sóng Trẻ) – Sáng ngày 4/3, tại Hội trường K – Trường Đại học Sự Phạm Hà Nội, CLB History for Everyone (CLB HE) thuộc trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức Hội thảo với chủ đề “Triều Nguyễn – Đôi điều suy ngẫm”. Đây là một Hội thảo thú vị và bổ ích về triều đại phong kiến cuối cùng của nước Việt Nam.
Hội thảo tập trung vào những đóng góp mà triều Nguyễn đã làm được cho đất nước với mong muốn mang đến cho các bạn học sinh, sinh viên, những người yêu văn hóa và lịch sử một góc nhìn mới mẻ, toàn diện diện hơn về triều đại này.
Tham dự Hội thảo có: TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, giảng viên Khoa Lịch sử, trường ĐH Sư Phạm Hà Nội I; thầy Trần Anh Đức, giảng viên Khoa Lịch sử, trường ĐH Sư phạm Hà Nội II; cô Nguyễn Thu Hà, giáo viên Sử, THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội; anh Bùi Thái Sơn Hùng, Tiểu đoàn 93; anh Đỗ Đăng Hải, K101 Chuyên Sử THPT Chuyên Chu Văn An cùng đông đảo các bạn học sinh, sinh viên.
Hội thảo diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến tham luận, trao đổi đầy tâm huyết của các bạn sinh viên đến từ trường ĐH Sư Phạm Hà Nội I, ĐH Sư Phạm Hà Nội II và các thành viên CLB HE. Nội dung thảo luận phong phú với nhiều góc độ tiếp cận khác nhau, trong đó tập trung vào 3 đóng góp lớn của triều Nguyễn là:
Thành viên CLB HE trong phần thuyết trình về Trang phục triều Nguyễn
Thứ nhất, Triều Nguyễn đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của văn hóa dân tộc thông qua việc để lại những công trình kiến trúc và trang phục độc đáo. Nội dung này được các bạn thành viên CLB HE trình khá chi tiết tại Hội thảo. Triều Nguyễn đã xây dựng nên những công trình đậm đà bản sắc dân tộc, đẹp, lộng lẫy, mang tính lôgic. Kinh thành Huế, nơi triều đình nhà Nguyễn đóng đô trong suốt 143 năm (1802 – 1945), là một trong những quần thể di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Trang phục triều Nguyễn có lễ phục, triều phục, quân phục, và áo dài cũng mang những nét đặc trưng riêng, biến đổi theo từng biến cố lịch sử của triều đại. Mỗi trang phục cung đình Huế là sự hội tụ của tất cả các nghệ thuật may vá, thêu thùa và chế tác kim hoàn. Nó thể hiện được chiều sâu văn hóa, chiều dài lịch sử nên là một tư liệu nghiên cứu bất thành văn để phát triển văn hóa cung đình Huế.
Thứ hai, thực thi chủ quyền quốc gia. Đây là nội dung tham luận của các bạn sinh viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội I. Nhà Nguyễn đã thành lập Hải đội Hoàng Sa và Bắc Hải, giúp nước ta sớm xác định chủ quyền trên biển Đông nói chung và tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng.
Hình ảnh Châu bản triều Nguyễn 21/6 năm Minh Mạng thứ 19 (1838)
Bài thuyết trình “Châu bản nhà Nguyễn về việc xác lập chủ quyền biển đảo của Việt Nam” của bạn Nguyễn Thị Phương Thảo, lớp K65B, Khoa Lịch sử, trường ĐH Sư phạm Hà Nội I đã cho thấy triều Nguyễn có công lao to lớn trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia. Ngay từ khi thành lập, nhà Nguyễn đã xác định việc thực thi chủ quyền biển đảo là vấn đề rất quan trọng. Đã có 19 châu bản đề cập đến vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, trong đó có 14 châu bản được vua ngự phê. Ví dụ, châu bản 21/6 năm Minh Mạng thứ 19 (1838) và 28/12 năm Thiệu Trị thứ 7 (1857) cho thấy nhà Nguyễn liên tục cử người đi khảo sát, cắm mốc, đo vẽ bản đồ,...tại Hoàng Sa, Trường Sa.
Thứ ba, vai trò tổ chức và trang bị vũ khí cho quân đội của vua Gia Long. Nội dung này, bạn Nguyễn Việt Trung, Sinh viên K42 Sư phạm Lịch Sử và Phan Thị Thanh Tuyền, sinh viên K41B Sư phạm Lịch sử của trường ĐH Sư phạm Hà Nội II nghiên cứu và trình bày rất rõ ràng. Dưới thời vua Gia Long, quân đội được tổ chức quy củ, được trang bị vũ khí hiện đại hơn (súng hỏa mai, đạn, pháo), đặc biệt thủy binh được trang bị thuyền lớn, mang màu sắc phương Tây. Điều này cho thấy lực lượng quân đội đã phát triển tương đối mạnh dưới thời vua Gia Long, để các vị vua triều Nguyễn về sau có thể phát triển, xây dựng đất nước phồn vinh hơn.
Súng hỏa mai - vũ khí hiện đại thời nhà Nguyễn
Cuối Hội Thảo, các giảng viên và ban cố vấn đã có những đánh giá và góp ý gửi đến các bạn học sinh, sinh viên.
Thầy Trần Anh Đức, giảng viên Khoa Sử, ĐH Sư phạm Hà Nội II đánh giá cao sự tự tin, chủ động của các bạn thuyết trình. Các bạn đã đề cập được những kiến thức nổi bật về triều Nguyễn.
Là người nghiên cứu chuyên sâu về triều Nguyễn, TS. Nguyễn Thị Thu Thủy đã có những góp ý về chuyên môn cho các bạn CLB HE: “Khi chọn hình chân dung các vị vua các bạn nên cân nhắc chọn những hình ảnh rõ nét hơn. Vì đây là một hoạt động ít nhiều mang tính khoa học nên tài liệu chúng ta sử dụng cũng cần phải khoa học. Lựa chọn hình ảnh không phải cho đầy đủ mà phải đảm bảo tính chính xác của lịch sử.”
Bạn Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch CLB History for Everyone chia sẻ: “Với Hội thảo Triều Nguyễn – Đôi điều suy ngẫm, HE đã dành hết công sức, tâm huyết và tài năng, mong muốn đem lại cho các bạn một cái nhìn toàn cảnh về triều Nguyễn – triều đại phong kiến cuối cùng của lịch sử Việt Nam. HE là CLB trẻ, trong lúc chạy sự kiện, chúng mình không tránh khỏi những thiếu sót, rất mong nhận được sự thông cảm của quý vị và các bạn."
Mọi người chụp ảnh lưu niệm cuối Hội thảo
Hội thảo “Triều Nguyễn – Đôi điều suy ngẫm” là hội thảo lịch sử và văn hóa lần thứ 3 của CLB HE. Hai hội thảo CLB tổ chức trước đây là hội thảo “Thế chiến II” và hội thảo “Biển Đông” đã tạo được tiếng vang lớn trong cộng đồng các bạn học sinh, sinh viên, những người yêu thích văn hóa và lịch sử.
Sau hơn 3 tiếng đồng hồ trao đổi, tranh luận sôi nổi, Hội thảo “Triều Nguyễn – Đôi điều suy ngẫm” đã kết thúc thành công tốt đẹp.
Vũ Hảo
Báo in K36A1
Cùng chuyên mục
Bình luận