Hot facebooker trở về lắng nghe "hơi thở" rừng xanh

(Sóng trẻ) - Tài năng, xông xáo và trách nhiệm là những gì mà người ta có thể nhìn thấy ngay được ở chàng hot boy 9X Phan Quốc Dũng. Vốn là người có niềm đam mê đặc biệt với rừng, chàng trai Thủ đô này không ngại ăn với núi, ngủ với rừng để chăm rừng, bảo vệ rừng. Nụ cười trìu mến và gương mặt hiền hậu, anh Dũng bắt đầu chia sẻ cho chúng tôi những câu chuyện thú vị gắn liền với rừng xanh.


Du học cũng giống như được nhảy khỏi miệng giếng

PV: Tốt nghiệp Thủ khoa Đại học Lâm nghiệp, dành được vô số học bổng toàn phần danh giá và từng du học ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, vậy điều quý giá nhất anh nhận được là gì? 

Phan Quốc Dũng: Mình luôn cảm thấy bản thân thật may mắn vì đã có một tuổi trẻ đầy trải nghiệm. Mình đã từng có cơ hội đi đến 20 quốc gia trên thế giới. Đối với mình, điều quý giá nhất mà mình nhận lại được chính là góc nhìn. Nó vô hình thôi nhưng mà khiến cho bản thân mình trở thành bản thể hoàn hảo hơn so với mình hồi trước.

Mình của trước kia là người nhút nhát, ít nói, lầm lì và rất thiếu tự tin trước đám đông. Nhưng rồi trải qua một tuổi trẻ đầy những trải nghiệm đã dần tôi luyện mình và khiến mình tự tin hơn vào bản thân, vào những việc mình đã, đang và sẽ làm. Thông qua những hoạt động, những dự án thời sinh viên đã cho mình nhiều cơ hội để tương tác với những bạn trẻ đồng trang lứa, những anh chị dày dặn kinh nghiệm để mình có cơ hội được trò chuyện, được học hỏi và được đúc rút ra những bài học riêng trong quá trình hoàn thiện và phát triển của mình. Từ những bước chập chững, e rè, mình cũng dần có kinh nghiệm và nhận được sự tin tưởng để đảm nhận những vai trò cao hơn, nơi mình phải khai phá bản thân ở một mức độ triệt để hơn dưới áp lực lớn hơn. 

1.jpg

PV: Sau 2 năm đi du học ngành Quản lý rừng nhiệt đới, tại sao anh không chọn phát triển nghề nghiệp tại những nơi mà có cơ hội vươn xa hơn mà anh lại trở về với những cánh rừng ở Việt Nam? 

Phan Quốc Dũng: Mình yêu rừng, học về rừng, và giờ mình làm về rừng, rừng ở đâu cũng được nhưng trở về quê hương Việt Nam vẫn là nhất. Thú thật ban đầu bố mẹ người thân có chút phản đối với quyết định trở về Việt Nam làm của mình. Mọi người phản đối vì cho rằng ở nước ngoài làm việc sẽ có nhiều cơ hội phát triển, có nhiều tiền hơn. Nhưng mình lại nghĩ như thế này: đất nước tạo cơ hội cho mình du học, để mình có dịp trải nghiệm nền văn hóa của nhiều quốc gia khác nhau từ các sinh viên quốc tế, mở rộng mối quan hệ và học cách làm việc trong các doanh nghiệp toàn cầu. Bây giờ mình phải có trách nhiệm với đất nước, mình nung nấu mong muốn có thể trở về để góp một phần sức nhỏ để bảo vệ và phát triển cánh rừng Việt Nam ta. Sau một thời gian thì gia đình cũng hiểu và ủng hộ quyết định này của mình. Hiện tại thì mình đã về nước và đang công tác cho ngành lâm nghiệp Việt Nam, một cụm từ còn khá mới mẻ với nhiều bạn

PV: Hiện đang công tác cho ngành lâm nghiệp Việt Nam, vậy công việc cụ thể của anh là gì? 

Phan Quốc Dũng: Có thể nhiều bạn chưa biết, công việc chính của mình là “người rừng” *cười*. Trở lại Việt Nam sau 2 năm du học, mình hiện đang làm việc trong ngành lâm nghiệp và là một cán bộ hiện trường. Công việc của mình gắn liền với những chuyến công tác dài ngày, thường xuyên phải di chuyển tới các tỉnh vùng núi, nơi có rừng, có thôn bản, có bà con để triển khai các công việc và hoạt động. Vì thế mọi người hay gọi vui là “người rừng chính hiệu” hay mĩ miều hơn là “chàng trai thôn bản”.

Mình vừa kết thúc một dự án với mục tiêu phát triển chuỗi giá trị toàn diện và bền vững cây tre tại Việt Nam do Liên minh Châu Âu tài trợ. Hiện tại mình đang làm một dự án về phát triển rừng và sinh kế nông thôn, bảo vệ rừng đi đôi với việc tạo cơ hội và nâng cao thu nhập cho người dân bản địa.

Một công việc vất vả nhưng chỉ cần rừng thêm xanh, bà con thêm thu nhập là những niềm vui, tiếng cười của người làm nghề rừng vẫn luôn hiện hữu. “Làm nghề lâm nghiệp sướng như tiên, quanh năm du lịch chẳng mất tiền” đó là câu nói mà các bác các chú và anh em trong nghề vẫn hay động viên nhau.

3.jpg

 

Tình yêu cháy bỏng đối với những mảng rừng xanh

PV: Mọi người thường gọi anh với nickname rất thú vị đó là “người rừng chính hiệu”, vậy mối nhân duyên  nào khiến anh chấp nhận gắn bó với công việc “ăn với núi, ngủ với rừng”? 

Phan Quốc Dũng: Mình đến với rừng như một “mối nhân duyên”, do hồi nhỏ mình sống ở vùng ngoại ô, cũng có một số dịp được bố mẹ dắt đi vườn quốc gia Ba Vì ở Hà Nội. Lần đầu tiên mình đứng ở trong một môi trường mà có nhiều cây xanh bao bọc như vậy, và mình thì nhỏ bé trong không gian đó. Nhưng mình không cảm thấy "choáng ngợp" mà yêu thích trải nghiệm đó nhiều hơn.

Ngày mình thi đỗ Đại học Lâm nghiệp, mình như vỡ òa trong niềm hạnh phúc bởi mình đã chạm đến điểm đầu của ước mơ. Trong quá trình học tập, mình được đi khá nhiều nơi, đa phần là các khu vực miền núi ở phía Bắc. Mình đi với mục đích học tập, trải nghiệm đến những vùng đất có núi rừng.Đam mê mình theo đuổi hơi ngược hướng so với giới trẻ. Giờ đa phần các bạn thích làm công việc kiểu thành phố xô bồ, vui vẻ nhưng mà về cơ bản cuộc sống và công việc của mình hiện tại lại ở trong rừng khá nhiều. Nhưng mình cảm thấy "sướng", chứ không thấy khổ.

PV: Tại Việt Nam, ngành “lâm nghiệp” vẫn còn khá mới mẻ với giới trẻ. Nhưng tại sao anh vẫn chọn lối đi riêng đó là “Nghề rừng” mà không phải những công việc nhàn hạ khác?

Phan Quốc Dũng: Trải qua quá trình học tập trong và ngoài nước về chuyên ngành quản lý rừng cũng như sinh kế nông thôn, mình càng hiểu và yêu hơn công việc gìn giữ và bảo vệ những mảng xanh ấy. Tuy vất vả và không có quá nhiều người trẻ theo đuổi, nhưng mình nhận ra giá trị riêng mà công việc và ngành nghề này mang lại cho xã hội.

Mình lại luôn luôn có tâm niệm "ai cũng chọn phần nhẹ nhàng, gian khổ sẽ thuộc về phần ai", vậy nên anh chọn công việc gắn bó với rừng, một công việc được cho là vất vả, cần hội tụ đủ nhiều yếu tố từ trí lực đến sức lực.

PV: Ở thời điểm phải đưa ra lựa chọn ngành nghề cho mình, anh có nghĩ nghề này sẽ kiếm ra tiền không hay chỉ chọn vì đam mê  hay vì một lý do nào khác? 

Phan Quốc Dũng: Thời điểm mình phải chọn ngành chọn nghề đã cách đây 10 năm. Lúc đó, mạng xã hội chỉ mới du nhập vào Việt Nam, không hề có một hội nhóm nào để chia sẻ các thông tin liên quan đến học tập, thi cử, ngành nghề và việc làm như Gen Z bây giờ. Mình cảm giác hồi xưa, mọi người chọn ngành chủ yếu do gia đình sắp đặt, hai là sẽ đi theo con đường mình thích. Còn nếu như không thể đi theo con đường mình thích thì chỉ vào đại một trường nào đấy để có bằng đại học thôi.

Việc mình chọn trường Đại học Lâm Nghiệp, ít ra nó đã phù hợp với sở thích của mình. Có chăng sau này ra trường, nếu có thành công hay không thành công thì mình vẫn không hối tiếc vì ít nhất mình đã thích nó. 


PV: Hiện nay, mọi người có xu hướng “Bỏ phố về rừng”. Anh có nghĩ đây là một  công cuộc chạy trốn phố thị không? 

Phan Quốc Dũng:  “Bỏ phố về rừng” tức là những bạn đã có cuộc sống ở thành phố, nhưng rồi vì áp lực quá nên mới bỏ lên rừng thì đó mới đúng là định nghĩa của cụm từ này. Đa phần là những người trung niên một chút, người trẻ cũng có, họ là những người đã trải qua công việc văn phòng ở thành phố lớn, sau 2 - 3 năm áp lực công việc thì người ta mới bắt đầu bỏ để về tìm sự bình yên. Còn bản thân mình, câu chuyện “bỏ phố về rừng” nghe cũng khá tương đồng, nhưng mà vì tính chất công việc nên mình mới về với rừng, với núi. 

PV: Phải chăng sự trốn chạy của anh lại có ích…?

Phan Quốc Dũng: Đa số các bạn “bỏ phố về rừng” để phát triển những dịch vụ như homestay, farming,... họ tận hưởng và sống cho bản thân nhiều hơn. Còn giá trị mà họ mang lại sẽ không nhiều bằng những người làm lâm nghiệp hiện tại.


Đó là những người chấp nhận rời xa thành phố để về với rừng nhưng không vì mục đích cá nhân mà vì mục đích chung của cả cộng đồng. Họ mong muốn mang những thông tin, kiến thức, cập nhật đến cho người dân để giúp họ hiểu được hơn vai trò cũng như là sự ảnh hưởng của rừng đến với đời sống. Cho nên mục đích của những người chọn bỏ phố về rừng để làm gì lại có khía cạnh khác nhau. Mình không nói riêng mỗi mình mà mình nói chung với tất cả những người làm ngành lâm nghiệp - họ đều là những người rời xa thành phố để về những vùng núi và mang lại những giá trị cho xã hội.


Trải nghiệm với  “đam mê” 

PV: Theo đuổi đam mê từ khi còn nhỏ, đến nay bản thân anh đã gặt hái được những trái ngọt nào cho riêng mình?

Phan Quốc Dũng:  Ngày trước, mình làm việc cho một dự án về phát triển rừng và sinh kế nông thôn. Công việc này rất thú vị và mang tới cho mình nhiều trải nghiệm thực tế. Bản thân nhận ra rằng, muốn bảo vệ rừng hiệu quả, phải đi đôi với việc tạo cơ hội và nâng cao thu nhập cho người dân bản địa. Vì họ chính là một trong những nhân tố quyết định với việc còn hay mất của tài nguyên xanh này

Tháng 2 vừa rồi, mình làm việc cho một dự án về phát triển rừng tre tại Thanh Hóa và Nghệ An. Dự án này, mình và đồng nghiệp hướng dẫn bà con khai thác, chăm sóc như thế nào thì rừng tre sẽ phát triển tốt và không bị suy giảm chất lượng trong thời gian dài.

Nhờ những chuyến xuyên rừng, mình sẽ gặp gỡ và quen biết những người bạn mới cũng có niềm đam mê như mình. Mình sẽ cùng những người bạn đó bảo tồn rừng được tốt hơn, giống như một cây làm chẳng nên non nhưng nhiều cây chụm lại sẽ lên thành một khu rừng tuyệt đẹp. 

PV: Mỗi nghề đều có những khó khăn và vất vả riêng. Vậy, với nghề rừng phải đi nhiều và xa nhà lâu, khó khăn anh gặp phải là gì?

Phan Quốc Dũng: Không thể phủ nhận ngành nghề nào cũng sẽ có những khó khăn, vất vả và chính những điều đó mới mang lại giá trị đặc biệt cho xã hội. Làm về rừng nên mình thường xuyên đi rừng và những chuyến công tác xa nhà dài ngày là chuyện thường. 

Có thể nói rằng, việc đi rừng luôn tiềm ẩn những rủi ro từ địa hình hiểm trở cho tới những loài động thực vật rừng nguy hiểm. Có những chuyến đi độc hành mình đã bị lạc giữa rừng, tìm mãi mà không thấy đường ra, cái đói cái khát cứ thế đeo bám. Đi rừng sợ nhất là vắt và rắn. Rắn thì độc còn vắt thì hút máu dữ lắm. Giờ nghĩ lại mình vẫn cảm thấy khiếp vía. Tuy nhiên khi bản thân mình nhìn các bác các chú băng rừng thoăn thoắt lại càng khiến mình cảm thấy cần phải cố gắng và nỗ lực nhiều hơn nữa.

PV: Đứng trước những khó khăn như thế, kỷ niệm nào khiến anh cảm thấy đáng nhớ nhất và níu giữ mình mãi với nghề rừng?

Phan Quốc Dũng: Khi bản thân mình trực tiếp đi rừng, tiếp xúc với những người dân, phong tục tập quán ở đó khiến mình rất phấn khích và nhớ mãi. Có những câu chuyện hài hước mà cần phải tự mình trải nghiệm mới hiểu được.

Bản thân mình là người dưới xuôi đi lên rừng nên sẽ có rất nhiều phong tục tập quán, cũng như ngôn ngữ mà mình không biết, thành ra nhiều lúc đôi bên không hiểu ý nhau. Ví dụ như việc không gọi tên thật của nhau trong lúc đi rừng, thành ra mỗi người phải tạo cho mình một "tiếng hú" riêng để phân biệt.

Thế là cứ người nọ hú người kia xốn xang cả một góc rừng. Về tới bản, nghe mọi người kể lại, nghe xa xa cứ tưởng có đàn khỉ nào mới băng qua, khiến mình và mọi người chỉ biết ôm bụng cười. Làm việc với núi rừng một thời gian dài, anh nghĩ như thế nào về câu nói “rừng vàng,  biển bạc”. Thật ra những câu tục ngữ, thành ngữ của người xưa có rất nhiều câu đúng tuy nhiên cũng có rất nhiều câu không thực sự đúng cho lắm. Và câu “rừng vàng biển bạc” là một trong số đó.

Câu này có nghĩa là khi bạn không kiếm được tiền ở thành phố thì bạn có thể về rừng để chặt một cái cây hay đánh bắt một con cá là "đào" ra tiền. Nhưng rừng hay biển đều không phải là oxi hay tài nguyên vô hạn.

Rừng bây giờ không còn là rừng tự nhiên nữa, đa phần là sau khi đã chặt phá, khai thác rồi thì mọi người sẽ trồng bù lại bằng những cây công nghiệp để lại tiếp tục khai thác. Nhưng cá rồi cũng sẽ hết, cây rồi cũng sẽ hết, nếu như chúng ta thật sự khai thác quá mức và không nghĩ đến tương lai thì có thể 20 - 30 năm nữa, con cháu của chúng ta sẽ không hề biết đến rừng tự nhiên là như thế nào nữa...

PV: Nhưng anh có nghĩ chính gen Z là thế hệ tiềm năng trong việc nhận thức tốt  vấn đề bảo vệ môi trường, bảo tồn “rừng vàng, biển bạc”? 

Phan Quốc Dũng: Những món quà kỳ diệu mà "thiên nhiên" ban tặng cho chúng ta không thể nào kể hết. Chính vì thế mà mình luôn muốn những người trẻ như mình trân trọng và yêu quý "thiên nhiên - rừng" như cách "thiên nhiên - rừng" yêu quý chúng ta.

Trong thời kỳ cả nước đang phải đối mặt với dịch bệnh Covid nặng nề, mình cảm thấy từ "xanh" xuất hiện nhiều hơn trong cuộc sống. Không chỉ đơn giản là sống xanh, mang không gian xanh vào môi trường sống và làm việc, mà các bạn trẻ hiện nay cũng quan tâm nhiều hơn tới thiên nhiên và môi trường.

Chính bản thân mình cũng không ngờ những tấm hình chụp rừng, chụp cây và các loài động vật ấy lại thu hút rất nhiều sự quan tâm từ các bạn trẻ trên mạng xã hội. Mọi người đặt cho mình rất nhiều biệt danh như "người rừng", "chàng trai thôn bản" khiến mình rất vui vì ít ra cũng có một chút ấn tượng. Chính vì thế mà mình tin không ít các bạn trẻ cũng bắt đầu nhen nhóm những tình yêu đặc biệt với thiên nhiên, cây cối.

Cụ thể là ngày càng nhiều bạn quyết tâm "bỏ phố về rừng" để sống, để bắt đầu những dự định và kế hoạch riêng. Cá nhân mình cảm thấy rất vui vì chính các bạn cũng đã và đang đi trên một con đường hơi ngược với số đông, giống như chính bản thân mình của hiện tại vậy. Tuy nhiên sự hơi ngược với số đông ấy lại mang đến những giá trị hữu ích và niềm vui cho bản thân thì tại sao mình lại không dám thử.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN