Vi Việt Nga in mình trong bảng màu “Bản sắc”
(Sóng trẻ) – Triển lãm Bản sắc tranh khắc gỗ và ứng dụng trên áo dài Vi Việt Nga tại Bảo tang Mỹ thuật Việt Nam trong 3 ngày 15-17/11 đã đưa tới người xem 25 bức tranh khắc gỗ và trình diễn bộ sưu tập 12 tác phẩm áo dài in tranh đồ họa.
Họa sĩ – Nhà thiết kế Vi Việt Nga
Vi Việt Nga là cô gái dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên ở Lạng Sơn đã sớm thể hiện niềm đam mê nghệ thuật ngay từ khi còn nhỏ. Có lẽ cũng bởi vậy mà những nét đẹp của dân tộc Tày nói riêng và tất cả những dân tộc khác trên dải dất hình chữ S nói chung đã trở nên vô cùng gần gũi với người con gái này. Để rồi cũng từ đây, bản sắc dân tộc đã đi vào các tác phẩm của họa sĩ – nhà thiết kế Vi Việt Nga.
Vi Việt Nga và khách tham quan triển lãm
Với mong muốn được lan tỏa giá trị văn hóa, màu sắc của dân tộc và quê hương đồng thời quảng bá rộng rãi hơn nét đẹp của quốc phục Việt Nam là tà áo dài truyền thông, người con gái dân tộc Tày đã ấp ủ dự án nghệ thuật này trong suốt 2 năm trời để tổ chức buổi triển lãm này. Trong suốt thời gian đó cô gái đam mê nghệ thuật này đã phải trải nghiệm thực tế với chính người dân của từng dân tộc để đưa đến những tác phẩm chân thực nhất. Đó chính là trang phục dân tộc, là cuộc sống sinh hoạt thường ngày, là những dụng cụ truyền thống của mỗi dân tộc,… tất cả được hội tụ một cách gần gũi nhưng không kém phần ấn tượng.
Bộ sưu tập áo dài
Một điểm đặc biệt trong triển lãm này chính là những bức tranh được khắc trên mặt gỗ. Họa sĩ Việt Nga chia sẻ: “Nếu nói những bức tranh được khắc, được hình thành trên gỗ thì có lẽ là ai cũng cảm thấy khô khan và cứng nhắc nhưng tôi muốn thay đổi suy nghĩ đó. Tôi muốn đem đến sự nhẹ nhàng và toát lên được tình cảm từ trên chính cái khô khan và cứng nhắc đó”.
Chị cũng chia sẻ thêm, chị đã theo học thiết kế áo dài của Đỗ Trịnh Hoài Nam và triển lãm này không chỉ ghi lại bản sắc trên các bức tranh mà chị còn muốn đưa nó lên bộ sưu tập áo dài của mình. Cô đã nghiên cứu và áp dụng phương pháp cắt thiết kế hoàn toàn mới nhằm tôn phom dáng người phụ nữ Việt Nam, xử lí triệt để các phương pháp cắt may thông thường để lại. Trong tương lai chị muốn phát triển hơn nữa ý tưởng này để làm nên một thương hiệu áo dài mang tên Vi Việt Nga.
Bộ tranh được khắc trên gỗ
Họa sĩ Nguyễn Xuân Tiếp đã nhận xét rằng: “Một trong những điều khó khăn và quan trọng nhất của người sáng tạo nghệ thuật là thành thật với chính mình, biết giữ tình yêu, lòng đam mê và nuôi dưỡng tinh thần để đi đường xa. Họa sĩ Vi Việt Nga có đầy đủ tố chất này.”
Tham quan triển lãm và chiêm ngưỡng các bức tranh, nhiều khách trong nước và quốc tế đã có ấn tượng vô cùng đặc biệt. Họ cho rằng những chủ thể trong chính các bức tranh giống hệt Vi Việt Nga như thể cô đang tự vẽ mình vậy.
Phạm Hà
Cùng chuyên mục
Bình luận