Kỳ 3: Giúp bạn là giúp mình
(Sóng trẻ) - Nếu ví cuộc chiến chống COVID-19 trên cả nước là một chiến dịch thì việc bao vây và xử lý từng ổ dịch sẽ là những trận đánh nhỏ. Và Hà Tĩnh là một mặt trận trong bức tranh toàn cảnh của chiến dịch ấy. Đây là một cuộc chiến không biên giới, không khoảng cách địa lý, không phân biệt lứa tuổi, giới tính, dân tộc hay tôn giáo.
Vào những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, cả dân tộc Việt Nam phát huy tinh thần “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, “tất cả cho tiền tuyến”, quân dân miền Bắc đã không ngần ngại gian khổ, không tiếc máu xương, sẵn sàng rời ghế giảng đường, hi sinh tuổi xuân xanh cho cuộc kháng chiến trường kỳ của đồng bào miền Nam. Và ngày hôm nay, trong khó khăn, hiểm nguy của dịch bệnh, một lần nữa tinh thần cao đẹp và xúc động ấy lại toả sáng. Phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần tương thân tương ái, nhân dân Hà Tĩnh cùng cả nước tích cực ra chi viện sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt.
Những sản vật từ mảnh đất quê hương như quả bầu, khoai, ngô, trứng gà, gạo… đã được các bạn đoàn viên thanh niên huyện Thạch Hà gói gọn gàng, cẩn thận gửi gắm sẻ chia yêu thương trên “Chuyến xe 0 đồng” vào miền Nam yêu dấu. Bằng tình cảm, trách nhiệm và tấm lòng “tương thân tương ái” tuổi trẻ trên quê hương của người anh hùng Lý Tự Trọng, các cấp bộ Đoàn ở huyện Thạch Hà đã kêu gọi quyên góp ủng hộ nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phòng chống dịch Covid-19
Sáng ngày 26/7, Đoàn cán bộ y tế gồm 31 cán bộ, y bác sỹ trong toàn tỉnh Hà Tĩnh xuất phát lên đường để vào chi viện cho Bình Dương trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Để kịp thời "tiếp lửa" cho Đoàn công tác tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Bình Dương, trước giờ lên đường, tại Ga Yên Trung (huyện Đức Thọ), Đoàn công tác tỉnh đoàn do đồng chí Lê Thành Đông, Uỷ viên BCH Trung ương Đoàn, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh làm trưởng đoàn đã đến động viên, trao tặng quà cho các cán bộ, y bác sĩ trẻ tình nguyện tham gia chống dịch Covid-19.
Nếu như trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng vạn hàng vạn sinh viên miền Bắc “gác bút nghiên”, rời ghế nhà trường, hiến dâng thanh xuân của đời mình với sứ mệnh giải phóng miền Nam thì hôm nay, phát huy tinh thần xung kích cách mạng trong thời đại mới, hàng vạn thanh niên, sinh viên Hà Nội và các tỉnh phía Bắc hăng hái vào chi viện chống dịch cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Phải chăng, những thước phim xúc động của lịch sử đang được tái hiện một cách chân thực và sâu sắc? Và trên hành trình “nam tiến” ấy có sự đóng góp của con em Hà Tĩnh.
Là chàng trai quê huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, anh Phan Sỹ Hùng hiện là học viên liên thông lớp B8-LT53, Học viện Cảnh sát Nhân dân. Trước tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, theo chỉ đạo của cấp trên, anh cùng đồng đội vinh dự được vào hỗ trợ, chi viện lực lượng cho các tỉnh phía nam. Và cũng rất tự hào, đây là lần thứ hai anh làm nhiệm vụ này. Trước đó, vào cuối tháng 5, anh Hùng xung phong chi viện cho tỉnh Bắc Ninh. “Được tham gia tuyến đầu chống dịch là nhiệm vụ thiêng liêng, thể hiện tinh thần vì nước quên thân, vì dân phục vụ của người chiến sỹ Công an nhân dân”- anh tâm sự.
Như những con ong chăm chỉ, các lực lượng tuyến đầu đang không màng ngày đêm nỗ lực không mệt mỏi với khát khao dập dịch nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Nếu ví cuộc chiến chống COVID-19 trên cả nước là một chiến dịch thì việc bao vây và xử lý từng ổ dịch sẽ là những trận đánh nhỏ. Và Hà Tĩnh là một mặt trận trong bức tranh toàn cảnh của chiến dịch ấy. Đây là một cuộc chiến không biên giới, không khoảng cách địa lý, không phân biệt lứa tuổi, giới tính, dân tộc hay tôn giáo.
Đất nước ta đang ở trong một cuộc chiến, cuộc chiến với kẻ thù vô hình mà cả dân tộc cùng chung một chiến tuyến. Trong cuộc chiến ấy, chúng ta phải chứng kiến những sự thật hết sức nghiệt ngã, những nỗi đau dai dẳng, những kí ức sẽ mãi ám ảnh những người trong cuộc. Bữa cơm ăn vội, những buổi tuần tra xuyên đêm, băng rừng, làn da sạm đen vì nắng, vì gió; dầm mình trong gió bão ở chốt trực hay những tấm thân ướt đẫm cả người trong bộ đồ bảo hộ và cả nỗi đau tận cùng mất đi người yêu quý mà không thể gặp mặt lần cuối…Những hi sinh ấy là mất mát to lớn với toàn dân tộc
Nhưng càng trong thử thách, dân tộc Việt Nam lại càng bừng lên tinh thần lạc quan, tươi sáng, càng trong hoạn nạn, người Việt lại càng phát huy tình nghĩa đồng bào “lá lành đùm lá rách”, cùng nhau chia sẻ khó khăn giữa mùa dịch. Đó có thể là những điều ấm áp nhỏ bé luôn hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày, là những nghĩa cử ấm áp, cao đẹp của người dân từ mọi miền trên Tổ quốc hướng về những vùng tâm dịch với tinh thần nhường cơm sẻ áo.
“Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” là bài học lịch sử mà hôm nay lại được chứng minh trong cơn nguy nan. Một lần nữa, ở bối cảnh dịch bệnh, bản lĩnh và sức mạnh Việt Nam được tôi luyện qua hàng ngàn năm tiếp tục được thổi bùng và phát huy hơn bao giờ hết. Ý thức đoàn kết và tinh thần yêu nước hun đúc nên ngọn lửa mạnh mẽ trong quần chúng, hình thành thế trận chiến tranh nhân dân đương đầu với kẻ thù vô hình. Cuộc chiến còn gian nan, kẻ thù nguy hiểm, nguy cơ vẫn còn hiện hữu và sẽ còn đó không ít khó khăn và thách thức, nhưng với sự chỉ đạo sáng suốt, quyết liệt của Đảng, tinh thần “chống dịch như chống giặc” của Chính phủ, sự đồng lòng của lực lượng tuyến đầu, mỗi người dân là một chiến sĩ, cả dân tộc cùng hoà chung nhịp đập, chúng ta vững tin rằng vào một ngày mai không xa dịch bệnh sẽ được kiểm soát và ngăn chặn. Việt Nam sớm khoẻ lại thôi!