Lam Kinh – vùng đất thiêng ẩn chứa nhiều điều kì lạ
(Sóng trẻ) - Về vùng đất thiêng Lam Kinh – Thanh Hóa, du khách không chỉ biết đến giá trị lịch sử văn hóa của khu di tích này mà còn được chứng kiến nhiều điều kỳ lạ. Đó là chuyện về cây Ổi biết cười, cây Lim “hiến thân” và cây Đa Thị có chung một gốc…
Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hoá 53 km về phía Tây Bắc, thuộc địa phận 2 huyện Thọ Xuân và Ngọc Lặc. Nơi đây chính là kinh đô thứ hai của triều Lê, là quê hương của dòng họ đế vương dài nhất trong lịch sử dân tộc (1428 - 1788).
Cây ổi "cười" bên lăng mộ vua Lê Thái Tổ
Nằm bên phải lăng mộ vua Lê đã gần 1 thế kỷ, cây ổi dáng huyền, mang thế rồng chầu mùa nào cũng cho quả. Mặc dù trái nhỏ, nhưng khi chín, thì hương thơm tỏa ngát xung quanh.
Chờ gió thật lặng, dùng đầu ngón tay gãi nhẹ vào thân cây, những chiếc lá nơi đầu nhánh cây bỗng giật giật rung rinh, lay động nhè nhẹ, trong khi cây cối xung quanh vẫn lặng im. Khi cù vào những hõm cây, tất cả lá cây đều rung rinh như cười.
“Tôi vốn chỉ xem trên YouTube cảnh người ta cù nhẹ vào thân cây ổi, tức thì cành, lá cây rung lên nhè nhẹ. Cho đến một ngày được đặt chân đến di tích Lam Kinh, tôi đã thấy cây ổi “cười” thật sự.” – Bạn Nguyễn Trần Như Minh (Nam Định) cho biết.
Bạn Nguyễn Trần Như Minh thích thú khi lần đầu tiên được chứng kiến cây ổi biết “cười”
Ngạc nhiên hơn nữa, nếu nắm tay vào một đoạn thân cây, nhắm mắt lại, đa số mọi người đều có cảm giác lâng lâng, quay cuồng đầu óc và rung lắc như bị cành cây giật đi, cảm giác chếnh choáng như người say rượu.
Cây ổi gốc được trồng từ năm 1933 bởi một người đàn ông quê Nam Định. Sau khi cắt chiết các cành của cây ổi gốc ra trồng ở nhiều vị trí khác nhau, chỉ có cây nào trồng trong khu lăng mộ vua Lê mới có khả năng đặc biệt này. Nhiều ý kiến lý giải hiện tượng lạ đến nay vẫn chưa có hồi kết.
Cây lim “hiến thân”
Đặc biệt, cây lim cổ thụ, cao nhất nhì rừng Lam Kinh, được người dân địa phương gọi là cây "Lim cò" vì trước đây cò về đậu trắng cây. Điều lạ lùng hay sự trùng khớp ngẫu nhiên, cây lim đang xanh tốt bỗng nhiên vào tháng 2/2010 cây trút lá hàng loạt rồi chết khô, trong khi đó vào tháng 10 năm 2010 cung điện sẽ được khởi công xây dựng. Ông Vũ Đình Sỹ- Phó trưởng Ban quản lý Lam Kinh kể về sự ngạc nhiên: Điều trùng hợp là thời điểm cây lim chết trùng với thời điểm Dự án phục hồi phỏng dựng Chính điện Lam Kinh được phê duyệt. Khi cây chết là lúc thiết kế thi công vừa hoàn thành.
Khi cây được hạ xuống, thông thường lim rất hay bị rỗng ruột, nhưng đằng này cây lại hoàn toàn đặc, rất thuận lợi cho việc làm trụ cột Chính điện với quy mô 9 tòa gỗ lim đồ sộ nhất Việt Nam. Chỉ một cây lim nhưng thân và cành đủ để làm một bộ gồm: cột cái, cột quân, cột góc và thượng lương để phục vụ Lễ phạt mộc khởi công cung điện vào tháng 10/ 2010.
Người ta tiến hành đo đạc và rất bất ngờ khi gốc Lim vừa khít với tiết diện kê chân cột cái ở Chính điện. (ảnh vtc.vn)
Lý giải cho "sự ra đi" bất thường của cây lim, các cụ cao niên xung quanh khu di tích cho rằng:Dường như cây Lim cò 600 năm tuổi này sinh ra để phục vụ cho việc phỏng dựng Chính điện!
Cây Đa Thị có chung một gốc
Những người gắn bó lâu năm với khu di tích kể lại rằng, xưa kia chỗ cây đa đang áng ngữ là một cây thị, chim chóc thường về đậu trên cành thị mang theo quả đa về ăn nên hạt rơi xuống đất mọc thành cây. Sau này, cây đa mọc lên xanh tốt, bộ rễ phụ của cây đa thị rất đặc biệt, không vươn ra xa như các cây đa nhiều “gốc” khác mà ôm trọn gốc thị rồi hóa thành chung một gốc. Từ gốc đến ngọn đa cao chừng 20m, gốc cây gần chục người ôm không xuể.
Chú thích ảnh 3: Mọc lên ở giữa thành nội phía Tây Nam sân Rồng, cây Đa Thị 300 năm tuổi là nhân chứng sống của lịch sử bi hùng đất Lam Kinh.
(Ảnh: Vietnamnet)
Cây thị sống trong lòng cây đa vẫn xanh tươi tốt lá, mỗi năm đều ra quả thơm lừng một góc trời. Đến năm 2007 cây thị già chết khô, nhưng đến nay vẫn còn một cành khô chĩa ra bên nài gốc đa. Năm 2013, cây đa thị được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản bởi tầm vóc, sự độc đáo và giá trị lịch sử của nó.
Hằng năm, du khách từ khắp nơi đổ về để tham quan di tích lịch sử Lam Kinh, vừa để thấy được sự trang nghiêm của đền thờ Vua Lê vừa tận mắt chứng kiến những điều kỳ lạ ở vùng đất thiêng này.
Lê Thị Quỳnh
Lớp Truyền hình k32a1
Cùng chuyên mục
Bình luận