Lênh đênh phận người ở bãi Giữa sông Hồng

(Sóng trẻ) - Họ vẫn muốn có được một ngôi nhà đủ tử tế để che mưa che nắng, họ vẫn mong con mình có nơi vui chơi, được đến trường như chúng bạn. Họ vẫn muốn có một cái Tết đủ đầy ấm áp. Nhưng có lẽ giấc mơ chỉ là giấc mơ khi hiện nay họ vẫn phải chạy ăn từng bữa, vẫn phải gồng mình lên chống chọi với nắng mưa, với những ngày Thần sông nổi giận.


Men theo con đường nhỏ, sâu hun hút dẫn từ cầu Long Biên xuống là đến xóm Phao (hay còn gọi là bãi Giữa, Phúc Xá, Ba Đình). Chẳng ai có thể nhớ nổi xóm thành lập tự bao giờ, chỉ biết rằng nơi đây ngày này qua ngày khác là nơi sinh sống của 28 hộ gia đình, quây quần với nhau thành một xóm. Nhìn từ cầu Long Biên xuống, xóm Phao nhỏ bé, nép mình bên những hàng cây, một bên là bờ, một bên là nước trắng.


Gieo neo xóm nghèo


Chúng tôi đến thăm xóm Phao vào một ngày đông lạnh giá, cơn mưa phùn rả rích như khiến cái lạnh sâu hơn, ngấm vào da thịt. Cũng chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết nguyên đán, nhưng có lẽ không khí ở đây vẫn không có gì thay đổi. Ở đây, ban ngày người lớn đi làm hết, thảng mới thấy một bóng người. Gọi là xóm Phao cho sang chứ thực ra nhà ở đây toàn dựng trên những chiếc thùng phuy hay thùng đựng nước. Tường nhà chẳng bằng bê tông hay xi măng sắt thép, chúng chỉ được quây sơ sài bởi những tấm bạt, mái lợp bằng phên nứa, nhà nào không có phên thì cũng chỉ còn cách dùng bao tải hay bạt làm mái mà thôi. Chỉ cách cầu Long Biên độ chừng hơn 1km nhưng dường như nó đã tách biệt hẳn với những phồn hoa đô thị nài kia. Linh cảm cho chúng tôi thấy nơi đây dường như vừa trải qua một điều gì bi thương lắm.


Hỏi ra mới biết, hôm trước có cháu bé 8 tuổi cháu của bà H ở xóm Phao bị chết đuối. Theo lời chỉ của ông Được (trưởng xóm Phao) tôi tìm đến gia đình bà H để hỏi thăm. Trong căn nhà chắp vá chằng chịt bởi những mảnh tôn, ken thêm vào đó là những tấm gỗ cũ kỹ và loang lổ. Bà H thấy khách đến vội bỏ chiếc cuốc xuống vào nhà tiếp khách. Có lẽ vừa ở nài vườn về nên bà chỉ bận chiếc áo cộc tay trong khi trời rất lạnh. Rót chén nước trắng mời chúng tôi bà kể: “Bố mẹ nó bỏ nhau từ khi nó mới chín tháng tuổi, mẹ nó đi vào miền Nam rồi, bố nó đi đâu đến giờ tôi cũng không biết. Đã hai năm rồi không liên lạc về nhà. Chỉ thương cháu tôi, nó nan lắm, tôi đi nhạt ve chai không được bao nhiêu tiền nhưng vẫn cố cho cháu đi học. Đi học về cháu ra bãi giúp tôi chăm vườn chuối. Thế mà hai tuần trước cháu đã bỏ tôi đi mãi không về do ngã xuống lòng sông”.


09455e543_1.jpg


Đôi mắt của bà nhòe đi vừa nói như đang phân trần: “Lỗi của tôi là không dạy cháu tập bơi, nhưng chỉ tại tôi nông cạn, vẫn hy vọng các cháu thoát khỏi cảnh lênh đênh trên sông như thế này”. Rồi bà lại bảo: “Cháu từng nói với tôi, nói sau này thích học nấu ăn. Nếu không thì sẽ làm phi công, được tự do bay nhảy, đứng ở trên cao để ngắm nhìn mọi thứ. Còn tôi chẳng mơ ước gì nhiều chỉ mong sau này chúng có mảnh đất để ở thế mà chẳng được”. Không muốn hỏi thêm bà điều gì nữa, dường như càng nói nỗi đau càng khoét sâu trong lòng bà. Chúng tôi trở ra mà lòng nặng trĩu.


Xế trưa không gian của xóm Phao càng lạnh lẽo hơn. Tiếng la hét xua đuổi đàn chó của một đứa trẻ vang lên lanh lảnh giữa không gian tịch mịch, tiếng gào trầm trầm của giọng nói khản gió của người đàn bà luống tuổi xen lẫn tiếng chó rít ăng ẳng phá tan đi sự yên tĩnh. Thì ra vẫn có người ở nhà, nhưng họ đóng cửa im ỉm tự bao giờ.


Cũng cứ gọi là xóm thôi chứ thực tế cuộc sống của người dân bãi nổi không được chính quyền công nhận. Còn trẻ em sinh ra tại xóm đều không có giấy khai sinh. Chỉ đứa trẻ nào sinh ở quê rồi lên đây cư ngụ mới có. Điện không có, nước sạch cũng không, nhà nào khá giả mới có bình lọc nước, còn không cứ khoan trực tiếp xuống lòng đất ở trên bờ rồi cả xóm cùng dùng chung. Điện thắp sáng thì phải lấy bình ắc quy tích điện. “Mùa lạnh còn đỡ, chứ nắng nóng thì khổ lắm! Vì có dám dùng quạt đâu, để dành điện tối còn thắp sáng chứ” – ông Được sống ở xóm Phao hơn 20 năm nói.


Là một trong những người đầu tiên thành lập ra xóm bãi này. Chẳng nhớ năm nào, ông rời vùng quê Quảng Bình nghèo khó, quanh năm bão lụt lên Hà Nội làm đủ thứ nghề từ làm thuê, bốc vác… Năm 1990, ông Được gặp người vợ bây giờ là chị Kiều Thị Hoa, kém ông hơn 30 tuổi, quê ở Sơn Tây. Những ngày tháng lênh đênh trên chiếc lều dựng tạm, lần lượt 3 đứa con ra đời. “Chúng tôi làm quần quật cả năm mà chẳng đủ ăn, nói gì đến chuyện cho con đi học. Cũng may mấy năm nay có tổ chức từ thiện giúp đỡ, nên lũ trẻ mới được lên bờ đi học. Nhưng rồi đi học buổi đực buổi cái, chữ chưa kịp ngấm đã trôi theo dòng nước sông Hồng hết”, ông nói giọng trầm buồn.


Theo như lời ông kể, may có những sinh viên tình nguyện đã đến tận bãi, mở lớp dạy học tại các thuyền phao, con tôi mới lần lượt leo được lên lớp. Với chiếc bảng đen, hơn chục cái đầu của trẻ em trong xóm hí hoáy trong ánh sáng lờ mờ từ ánh điện phát ra từ chiếc ắc quy. Lớp học tình thương đó đã gieo cái chữ cho biết bao đứa trẻ, mở ra cho chúng một tương lai tươi sáng hơn. Đời thất học như bố mẹ chúng đã khổ lắm rồi, tôi cũng muốn các con học được cái chữ để hiểu biết, mở mang thêm.


Chiều muộn dần buông, cái lạnh như thấu hơn, những đứa trẻ cắp sách từ trường về, mặt mũi đứa nào cũng lem luốc, lếch thếch nhưng ánh mắt thì rạng ngời niềm vui. “Cuộc sống phải lần ăn từng bữa không cho phép người dân ở mơ về một sự học tử tế nơi thủ đô. Đa số các em nhỏ ở đây đều được mái ấm tình thương 19-5 (Phúc Xá – Ba Đình – Hà Nội) cưu mang dạy dỗ” -  Bà Hoa vợ ông Được nói.

09455e543_2.jpg

 

“Ở lớp chúng cháu được học văn hóa và được học cả tiếng Anh nữa. Cô giáo cho chúng cháu ăn nn hơn ở nhà. Nhiều bạn ở đây còn lo không được đi học vì có giấy khai sinh đâu”  Nam 15 tuổi cho hay. Cậu bé vừa nói vừa cầm quả bóng có vẻ không được căng hơi để tâng nom rất chuyên nghiệp.


Hoàng hôn dần khuất bóng trên bãi bồi ven sông Hồng, những người đi làm thuê cũng lục tục kéo nhau về căn nhà bập bềnh trên sông nước. Trong ánh sáng mờ ảo mà có lẽ chỉ nơi này mới có, vợ chồng, con cái quây quần bên bữa cơm đạm bạc. Xóm chài trong chiều đông, khi sương bắt đầu giăng mắc lại càng u ám, buồn bã. Hiện tại cuộc sống của những người dân nơi đây vẫn yên ổn vì mùa mưa bão chưa tới. Chẳng biết khi đến mùa mưa bão, nước lũ dâng cao, những ngôi nhà nổi này sẽ phải đối mặt thế nào? Người dân nơi đây chống chọi ra sao? Những đứa trẻ con ở đây có còn gặp phải nguy hiểm như cháu bà H nữa không


Nài kia từ lòng sông gió vẫn không ngừng thổi…


Nguyễn Quỳnh Ly

Báo mạng 32

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN