Lồng ghép kỹ năng điều tra vào chương trình giảng dạy báo chí
(Sóng trẻ) - Sau thời gian triển khai lồng ghép chương trình giảng dạy về động vật hoang, đem lại nhiều hiệu quả tích cực. Khoa Phát thanh - Truyền hình và Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã (WCS) tiếp tục lấy nội dung báo chí với vấn đề động vật hoang dã
Đây chính là nội dung được thống nhất trong buổi hội thảo “Báo chí điều tra với vấn đề buôn bán trái phép động vật hoang dã” diễn ra vào sáng 30/10 tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Tham gia hội thảo có các giảng viên Khoa Phát thanh - Truyền hình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), đại diện các tổ chức quốc tế về bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD), cơ sở đào tạo báo chí trong nước.
Nhận thức được tầm quan trọng về vấn đề bảo tồn ĐVHD, với quan điểm Báo chí và Truyền thông cũng không nằm ngoài “cuộc chiến”, Khoa Phát thanh Truyền hình đã phối hợp với Tổ chức WCS Việt Nam tiến hành lồng ghép các nội dung về bảo tồn ĐVHD và phòng chống buôn bán trái phép vào nhiều học phần giảng dạy cho sinh viên báo chí trong các năm qua.
Bảo tồn ĐVHD và phòng chống BBTPLĐVHD được đánh giá là một nội dung không dễ để lồng ghép trong chương trình học. Đây là một nội dung chuyên biệt và đòi hỏi người dạy phải có kiến thức nhất định, cũng như người học cần có hứng thú với mảng đề tài này.
Đại diện khoa Phát thanh - Truyền hình Th.S Nguyễn Nga Huyền cho biết việc chọn học phần có nội dung không phù hợp sẽ khiến cho việc lồng ghép giảng dạy trở nên khiên cưỡng. Trong học phần được lồng ghép, giảng viên cần chuyển tải kiến thức lồng ghép một cách thú vị mà không làm cho người học thấy “khó vào” hoặc lệch so với mục đích của học phần. Thông qua quá trình giảng dạy của mình, giảng viên cũng chia sẻ thêm một số kinh nghiệm lồng ghép như đưa ra ví dụ thực tế liên quan trực tiếp đến pháp luật bằng các video, ảnh, giúp sinh viên tiếp cận một cách đầy đủ và ghi nhớ lâu hơn.
Một số học phần có thể được lồng ghép với nội dung này có thể bao gồm các học phần liên quan đến pháp luật, đạo đức báo chí, báo chí điều tra, chuyên đề về môi trường biến đổi khí hậu, hoặc các phần giảng dạy về kỹ năng tác nghiệp báo chí.
Nhờ áp dụng các phương pháp khoa học, mang tính trực quan cao. Sau một thời gian thực hiện, việc giảng dạy lồng ghép đã đem lại nhiều kết quả. Hầu hết sinh viên đã có tiếp cận ban đầu về cả lý thuyết lẫn thực hành. Thông qua bài học “kỹ năng nhập vai”, sinh viên đều hình dung được rằng để nhập được vai, nhà báo phải có những kiến thức, kỹ năng, ngôn ngữ, hành động chuyên nghiệp.
Theo đó, sinh viên bắt đầu xây dựng được các mối quan hệ với nhà báo và các tổ chức, chủ động liên hệ, tìm kiếm các nguồn tư liệu về luật pháp. Thu hút sự quan tâm của sinh viên về vấn đề này là điều thành công nhất mà việc lồng ghép giảng dạy báo chí điều tra về buôn bán trái phép động vật hoang dã đem lại.
Nhiều sinh viên lựa chọn đề tài cho bài tập thực hành, có sự đầu tư tìm hiểu, đưa ra nhiều kế hoạch nhập vai cho tình huống điều tra cụ thể. Với bước đầu tiếp cận, nhưng một số bài báo điều tra về động vật hoang dã đã có nội dung được đánh giá cao, ghi nhận cụ thể qua một số giải Báo chí trong khuôn khổ nhà trường và các bên đồng phối hợp.
Để phát huy những kết quả đạt được, trong tham luận tổng kết của đại diện khoa Phát thanh - Truyền hình cũng đề cập đến những mong muốn được tiếp tục lồng ghép giảng dạy với đề tài một cách hiệu quả, bổ sung thêm các kỹ năng thực hành cũng như việc được tiếp xúc và tập huấn với các tổ chức. Nhằm giới thiệu cho các nguồn tư liệu tốt để sinh viên có thêm chỗ dựa về mặt kiến thức, kỹ năng cho việc tác nghiệp cả trong hiện tại và tương lai.