Lý do khiến du khách “Không quay trở lại Cát Bà vì “sợ” tàu du lịch”
(Sóng Trẻ) - “Không quay trở lại Cát Bà vì “sợ” tàu du lịch” - Đó là cảm nhận của nhiều hành khách sau khi chứng kiến hành trình xô đẩy trên chuyến tàu từ Cát Bà về Hải Phòng mỗi mùa du lịch.
Tôi đến Cát Bà vào dịp cuối tuần trong một tour du lịch do Công ty Lữ hành Saintourist tổ chức. Chuyến đi mang đến cho chúng tôi nhiều trải nghiệm thú vị khi được thăm thú vịnh Lan Hạ, nơi được bao quanh bởi những dãy núi đá vôi trùng điệp… Tuy nhiên, hành trình đi tàu cánh ngầm từ Cát Bà về Bến Bính – Hải Phòng khiến tôi không tránh khỏi suy nghĩ sẽ không đến Cát Bà lần thứ hai.
Chuyến đi hôm ấy, đoàn chúng tôi gồm hơn 30 người. Do Công ty Lữ hành Saintourist thông báo đã đặt trước vé tàu cánh ngầm của Công ty CP Khu du lịch Đảo Cát Bà nên chúng tôi yên tâm vui chơi chờ đến giờ xuất bến. Theo lời hướng dẫn viên, đúng 14 giờ, đoàn có mặt tại bến tàu và xếp hàng chờ đợi. Vào ngày cuối tuần nên lượng người chờ tàu rất đông. Khi một chiếc tàu vừa cập bến, những hành khách trên tàu còn chưa xuống hết thì những người đứng trên bến đã nháo nhào đổ xuống, cảnh tượng hỗn loạn không kém một cuộc “chạy càn” trong chiến tranh.
Hành khách hỗn độn, chen chân nhau ở cửa soát vé
Theo dõi nhân viên soát vé, tôi thấy những người này chỉ chăm chăm thu vé của hành khách xuống tàu, mặc kệ những du khách muốn ra khỏi tàu đang bị kẹt cứng giữa cửa. Tôi không hiểu những người này đứng đó làm gì khi thấy cảnh tượng như vậy họ không có một lời nhắc nhở hoặc hướng dẫn khách xếp hàng. Tôi nghe thấy tiếng quát của một trong số nhân viên trên tàu: “Kiểm tra kỹ vào, mấy người này này, vé đâu!!!” Nghe thấy thế, cả đám đông càng dẫm đạp lên nhau, ai cũng cố để “ni” vào trong khoang tàu. Nhìn chiếc cầu gỗ dẫn lên tàu mỏng mảnh, ọp ẹp, bề rộng có khi chỉ 1,5m, bên dưới là mặt nước biển, chúng tôi vô cùng ái ngại, thế mà nhiều người vẫn cố bon chen, không ít trong số họ rơi vào tình thế vào chẳng được, ra cũng không xong.
Câu chuyện được đẩy lên đến cao trào khi những cuộc cãi vã bắt đầu. Một anh thanh niên xăm trổ đầy mình gây gổ, dùng vũ lực với một chiến sĩ công an có mặt tại đó khiến chiến sĩ này bị thương, phải đi cấp cứu. Khi một phóng viên trong đoàn có ý kiến với lực lượng soát vé: “Các anh phải làm gì đi chứ!” thì chỉ nhận được vẻ mặt khó chịu cùng lời giải thích rất cụt ngủn của nhân viên: “… Chúng tôi chỉ làm theo chỉ đạo của ông chủ, từ trước đến nay đều như thế!”
Được biết trên mỗi tấm vé đều ghi rõ ngày giờ xuất bến và số ghế ngồi. Tuy nhiên, tình trạng khách du lịch, trong đó có cả khách nước nài đứng ngồi lộn xộn trên boong tàu, lắc đầu ngao ngán vẫn tiếp diễn mà không có sự điều hành, nhắc nhở của nhà tàu. Nét mặt ai cũng tỏ rõ sự khó chịu nhưng không biết kêu ai. Một số khách bức xúc xuống bến đòi trả lại vé nhưng không ai đứng ra giải quyết. Có du khách lo lắng cho sự an toàn đành chịu mất vé, bỏ chuyến…
Điều đáng nói là trước cảnh tượng hỗn loạn khiến nhiều du khách bức xúc, đại diện của Công ty Cổ phần Khu du lịch Cát Bà vẫn không có mặt. Đã vậy, tàu Nonan 1 của công ty này còn chở tới hơn 200 người vẫn rời bến (trong khi quy định chỉ được chở tối đa 150 người). Việc tàu cao tốc không thể rời bến theo đúng lịch trình, vì lí do chở quá tải đã trở thành chuyện như “cơm bữa”. Theo một số người dân ở đây, không phải đến bây giờ những việc như thế này mới xảy ra. Nhiều năm qua, tình trạng xử lý rồi tái phạm đã trở thành một căn bệnh khó chữa, nhất là vào những dịp hè.
Thực trạng chuyện du lịch ở Cát Bà vẫn còn tồn tại nhiều mặt trái so với vẻ bề nài
Được biết, ở Cát Bà đến nay đã có ít nhất hơn 20 tàu du lịch cánh ngầm, bao gồm cả tàu cao tốc, mỗi tàu có sức chưa tối đa lên đến 200 chỗ. Tuy nhiên, khách đến và rời khỏi Cát Bà vẫn bị nhồi nhét trên những chuyến tàu quá tải. Đặc biệt, vào những mùa cao điểm, số lượng phương tiện tàu, xe vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu đi lại, gây tâm lý khó chịu cho du khách. Các hãng tàu, hãng xe ở đây chưa có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất với nhau về thời gian chạy, thường hay tập trung vào một thời điểm nên tình trạng lúc thiếu phương tiện, lúc thiếu khách thường xuyên xảy ra. Thực trạng này đã có từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa được cải thiện, phải chăng do những người làm công tác quản lý thiếu năng lực tài chính, thiếu kiến thức chuyên ngành và thiếu cả sự quan tâm của các cấp có thẩm quyền…?
Trần Thanh Nhàn
Báo in K35A1
Cùng chuyên mục
Bình luận