"Mặt trăng máu" - nguyệt thực cuối cùng của năm
(Sóng Trẻ) - Tối ngày 10/12/2011, nguyệt thực toàn phần cuối cùng của năm 2011 đã xuất hiện vào lúc 21h06’.
“Mặt trăng máu” ngày 10/12 là hiện tượng nguyệt thực toàn phần thứ hai trong năm 2011 và sẽ không xuất hiện cho tới tận năm 2014. Đây là hiện tượng thiên nhiên kỳ thú mà chúng ta ít khi có cơ hội được quan sát trọn vẹn. Mặt trăng có các màu khác nhau trong quá trình nguyệt thực, màu sẽ chuyển dần từ xám sang cam và cuối cùng là hổ phách.
"Mặt trăng máu" trên bầu trời TP.HCM
Nguyệt thực toàn phần lần này xuất hiện ở Việt Nam vào lúc trước nửa đêm, thuận lợi về thời gian để quan sát, tổng thời gian của nguyệt thực lần này là 5h57’nhưng nguyệt thực toàn phần chỉ chiếm 51 phút (từ 21h06’ đến 21h57’, cực đại vào 21h32’). Tuy không dài song đây cũng là khoảng thời gian lý tưởng cho các nhà khoa học và các bạn yêu thiên văn quan sát “mặt trăng máu”.
Mặc dù có thời gian thuận lợi vị trí địa lí tốt giúp Việt Nam có thể quan sát đến 2 lần nguyệt thực toàn phần năm nay, song với lí do thời tiết đã cản trở khá nhiều người dân ở các địa điểm khác nhau.
Hình ảnh nguyệt thực được chụp tại Tokyo
Nguyệt thực tối nay không thể được nhìn thấy ở Đà Nẵng vì trời mưa từ chiều, trong khi cả Nha Trang lẫn Hà Nội trời nhiều mây. Miền Nam có vẻ được thời tiết ưu ái cho lần nhật thực này hơn khi TP. Hồ Chí Minh, Biên Hoà, Đồng Tháp… trời quang, người dân có thể quan sát "mặt trăng máu" khá rõ ràng.
Năm 2011 được các nhà khoa học xem là năm kỷ lục của thế giới về số lần xảy ra các hiện tượng nhật thực và nguyệt thực kể từ đầu thế kỷ 21. Kỷ lục này sẽ được phá vỡ vào năm 2094, khi mà thế giới được chứng kiến bốn lần nhật thực và ba lần nguyệt thực.
Nguyễn Thị Quỳnh Nga
Báo mạng điện tử K.30
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Báo mạng điện tử K.30
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Cùng chuyên mục
Bình luận