Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới tại trường học
(Sóng trẻ) - Bình đẳng giới tại trường học là vấn đề được nhiều quốc gia chú trọng trong đó có Việt Nam. Theo đó, sứ mệnh của giáo dục phải gắn liền với việc nâng cao nhận thức về bình đẳng giới.
Hiện nay, vấn đề bình đẳng giữa các giới đã được quan tâm và mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao trình độ văn hóa và trình độ học vấn. So với nam giới, tỷ lệ nữ giới biết chữ tăng đáng kể. Chênh lệch về tỷ lệ học sinh nam - nữ trong tất cả các cấp bậc học đang dần được thu hẹp. Cơ hội học tập đối với nữ giới cũng được rộng mở so với trước.
Nhận thức được thực trạng và tầm quan trọng việc nâng cao nhận thức về bình đẳng giới tại trường học, ngành Giáo dục & Đào tạo đã đẩy mạnh thực hiện các công tác tuyên truyền về vấn đề bình đẳng giới.
Thúc đẩy nhận thức về giới tại trường học
Tại các trường THPT, công tác tuyên truyền bình đẳng giới luôn được chú trọng, nhà trường xác định vấn đề về giới là các vấn đề nhạy cảm, luôn hướng đến trang bị đầy đủ những kiến thức nền tảng về vấn đề này cho các em học sinh.
Nhiều trường trên địa bàn huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc như THPT Ngô Gia Tự, THPT Liễn Sơn, THPT Trần Nguyên Hãn… thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm nâng cao nhận thức của học sinh về các vấn đề bình đẳng giới, định kiến giới… Ngoài ra các vấn đề về giới được đưa đến các em học sinh với cách tiếp cận gần gũi, dễ hiểu thông qua việc tích hợp các nội dung này trong các bài dạy của từng môn văn hoá, đặc biệt là các môn khoa học xã hội.
Trao đổi về vấn đề này Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Gia Tự (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) - cô Hà Thu Huyền cho biết: “Hiện công tác tuyên truyền, giáo dục về vấn đề bình đẳng giới đã và đang được nhà trường thực hiện có hiệu quả. Công tác tuyên truyền, giáo dục thường xuyên và liên tục được tích hợp qua các bài giảng trên lớp, tổ chức các hoạt động ngoại khóa… nhằm giúp học sinh có cái nhìn tích cực, góp phần chung tay đẩy lùi định kiến giới trong trường học, tiến tới xây dựng một xã hội bình đẳng giới”.
Suy nghĩ của giới trẻ về bình đẳng giới trong trường học
Hiện nay, hầu hết học sinh đều được trang bị đủ những kiến thức về giới do đó trong môi trường học đường rất ít xảy ra những định kiến giới. Tuy nhiên, chúng vẫn đang tồn tại dưới nhiều hình thức tại trường học.
Em Vũ Minh Thu (17 tuổi, trường THPT Ngô Gia Tự, Lập Thạch, Vĩnh Phúc) cho biết, những phán xét đối với những bạn cá tính mạnh (tomboy) tại trường luôn là chủ đề bàn tán của một bộ phận kèm theo đó là thái độ dè bỉu: “Nhìn như con trai vậy?”; “Con gái phải để tóc dài chứ”…
Thực trạng trên cho thấy, định kiến giới tuy không phổ biến nhưng vẫn ngầm tồn tại trong các trường học. Để hạn chế tối ta sự tồn tại của định kiến giới trong môi trường học đường cần có quá trình thay đổi nhận thức của học sinh và có sự giúp sức của các thầy cô trong trường.
Là vấn đề nhạy cảm nên nhiều học sinh còn ngại chưa dám mạnh dạn bày tỏ quan điểm về vấn đề này. Tuy nhiên, song song với việc được các thầy cô giảng dạy trên học đường thì nhiều em học sinh cũng tự mình tìm hiểu để có thêm những kiến thức cũng như kỹ năng cho các vấn đề về giới.
Em Nguyễn Quang Huy (16 tuổi, trường THPT Liễn Sơn, Lập Thạch, Vĩnh Phúc) cho hay: “Em rất ngại khi trao đổi về những vấn đề về giới ở trên trường, em sợ các bạn cười em nên em thường tự học khi về nhà qua các chương trình như Không thì thầm, Giáo dục giới tính – cơ thể là của tớ…”.
Cùng với nhịp phát triển của khoa học công nghệ, mạng xã hội đang dần dành lấy ưu thế trong việc tiếp cận và phát tán thông tin, đặc biệt là các thông tin nhạy cảm như bạo lực, giới… Tuy nhiên do đặc thù của mạng xã hội nên những thông tin được đăng tải rất khó để xác định được nguồn tin và chọn lọc những thông tin phù hợp.
Em Vũ Minh Thu cho hay: “Em thường xuyên bắt gặp những thông tin về vấn đề giới trên mạng xã hội, tuy nhiên những thông tin mang tính tiêu cực có tần suất xuất hiện nhiều hơn. Em cũng phải chọn lọc rất kỹ trước khi tiếp nhận thông tin tránh có những hiểu biết sai lầm về vấn đề này”.