Nghề làm nón ở làng chuông
(Sóng trẻ) - Làng Chuông thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội. Đây là nơi hiếm hoi làm nón cổ truyền Việt Nam có lịch sử hơn 300 năm vẫn còn được giữ lại cho đến ngày nay.
Về thăm làng Chuông rất dễ để nhìn thấy những hàng lá lụi được xếp dài phơi trên đê sông Đáy. Lá lụi là lá được sử dụng để làm nón chuông đã gắn bó với hình ảnh của người dân nơi đây biết bao đời qua. Những chiếc nón lá đang được thành hình trên tay cụ ông, cụ bà ngồi trước nhà, hay những người bán hoa, bán quả trên khắp các ngõ ngách làng Chuông.
Nguyên liệu chính được sử dụng để đan nón chính là lá lụi.
Những bó lá lụi tươi hái về, sau đó được tách đều ra đem đi phơi. Lá sau khi phơi đủ nắng sẽ đem đi ủi phẳng, mang bán ở các phiên chợ. Ở làng Chuông, chợ phiên được tổ chức vào các ngày 4, 10, 14, 20, 24 âm lịch hàng tháng.
Làm khung, quay nón, bứt vòng, khâu nón và hoàn thiện nón là những công đoạn để tạo nên một chiếc nón. Nghe qua có vẻ đơn giản nhưng để làm ra chiếc nón đẹp và đạt tiêu chuẩn rất khó. Làm khung là công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ nhất. Khung nón được làm từ các vòng tre tròn xếp đều nhau từ lớn đến bé, tạo thành một hình chóp. Các vòng tre phải có đổ dẻo phù hợp nếu không nón làm ra sẽ bị méo và nhanh hỏng.
Sau khi có khung, lá lụi đã ủi phẳng được cắt thành các mảnh xếp đều lên khung và cố định lại bằng dây cước. Chiếc nón hoàn thành bằng việc khâu lá với các vòng khung nón.
Việc khâu nón đòi hỏi sự cần mẫn và chính xác trong từng chi tiết. Một chiếc nón hoàn hảo phải có đường khâu chắc chắc và đều tăm tắp với kích thước tiêu chuẩn.
Gia đình cụ Hoàng Thị Tuân là một trong những gia đình làm nghề nón lâu năm nhất tại làng chuông. Nghề làm nón của gia đình đã bắt đầu từ thời ông bà cụ . Là hộ sản xuất có tiếng tại làng Chuông, nón nhà cụ làm ra bán rất chạy, thậm chí không cần đem đi bán vì có người định kỳ đến lấy.
Hiện nay trong gia đình có cụ cùng con dâu và cô cháu dâu vẫn ngày ngày tiếp nối nghề làm nón chuông của gia đình.
Cụ Tuân năm nay 84 tuổi và đã có hơn 70 năm kinh nghiệm trong nghề làm nón. Trong ảnh cụ Tuân đang xếp cố định lá lụi lên khung nón
Cụ Tuân tâm sự: “Một ngày làm nhiều nhất là làm được hai chiếc nón, với những người làm quen thì chỉ làm được một chiếc mà bán ra giá chỉ được 70000 nghìn. Làm nón không kiếm được nhiều tiền nhưng không làm nón thì cũng không biết làm gì kiếm sống”.
Hiện nay tại làng Chuông có rất nhiều hộ gia đình chỉ làm cố định nghề đan nón, nhưng cũng có một số hộ đan nón như nghề phụ để kiếm thêm thu nhập. Những chiếc nón đã hoàn chỉnh có thể đem ra chợ bày bán hoặc đem đến cơ sở sản xuất lớn để phân phối đi nơi khác.
Cửa hàng của nghệ nhân làm nón Lê Văn Tuy là một trong những nơi phân phối nón lá làng Chuông nổi tiếng
Nghệ nhân Lê Văn Tuy là nghệ nhân làm nón trẻ nhất tại làng Chuông. Hiện nay gia đình anh vừa kinh doanh vừa nhận dạy nghề làm nón và đón các đoàn du khách đến tham quan. Với mong muốn “giúp bà con làm nón có nguồn thu nhập ổn định”, nghệ nhân Tuy đang ngày ngày cố gắng truyền bá vẻ đẹp nón lá cổ truyền đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Nón lá mộc mạc và giản dị là biểu tượng đặc trưng của con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế và và có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Nếu từng một lần được tận mắt nhìn thấy những chiếc nón được trưng bày tại làng Chuông, ắt hẳn mọi người sẽ bị xao xuyến trước những điều giản dị lạ lùng mà nón lá mang lại.
Nguyễn Thị Huyền
Cùng chuyên mục
Bình luận