Nghệ thuật Thư pháp: Nét đẹp truyền thống và sự phát triển đương đại

(Sóng trẻ) - Trải qua các thời đại, thư pháp không chỉ là một hình thức ghi chép mà còn trở thành một loại nghệ thuật truyền thống, một nét đẹp văn hóa của người Việt, thể hiện sự tinh tế, tâm huyết, khí phách và cá tính riêng của người viết.

anh-1-2.JPG
Một số tác phẩm thư pháp tại triển lãm thư pháp Thăng Long – Hà Nội: “Nét Đan Thanh”. (Ảnh: Trang Anh)

 

Dấu ấn văn hóa và nét đẹp vĩnh cửu

Là một phần không thể thiếu của văn hóa Á Đông thư pháp từ lâu đã góp phần làm nên nét đẹp truyền thống và sự phong phú của nghệ thuật. Từ Trung Quốc cổ đại, nghệ thuật thư pháp đã lan rộng sang Nhật Bản, Hàn Quốc và đến Việt Nam, là nguồn cảm hứng không ngừng cho những người yêu nghệ thuật và văn hóa. Trải qua cả ngàn năm phát triển, đồng hành qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn… thư pháp có lịch sử với hàng trăm tác phẩm và hàng chục tác giả nổi tiếng như Lý Nhân Tông, Trần Dụ Tông, Ngô Thì Sĩ, Nguyễn Nghiễm hay Cao Bá Quát…

Thư pháp không chỉ là biểu hiện của nét chữ đẹp, mà còn là sự kết hợp tinh tế giữa thần thái bên ngoài và ý nghĩa cốt lõi bên trong, được coi là thú chơi tao nhã của giới học thức, những bậc văn nhân, nho sĩ.

anh-2-1.JPG
Một số tác phẩm thư pháp tại triển lãm thư pháp Thăng Long – Hà Nội: “Nét Đan Thanh”. (Ảnh: Trang Anh)

 

Giảng sư thư pháp Bùi Quang Tuấn – Nhân Mỹ học đường, cho biết: “Nét đẹp trong thư pháp có sự đa dạng. Đa dạng đơn giản nhất trong thư pháp đấy chính là thư pháp có nhiều kiểu chữ, “thư” là chữ: triện thư, lệ thư, khải thư, hành thư, thảo thư, chưa kể đến là trong mỗi thể loại lại có nhiều những danh gia, những bia thiếp và các đời khác nhau. Để mà nói là phồn thịnh, là rậm rạp thì nó quá là phồn thịnh.”

Thư pháp ở Việt Nam xuất phát là viết bằng chữ Hán và chữ Nôm. Khi mạch về chữ viết của chúng ta thay đổi và sử dụng chữ Quốc ngữ thì vẫn trên tinh thần yêu chuộng giá trị vẻ đẹp của cây bút lông tạo ra cho con chữ, những nhà thư pháp gia đã tiếp tục tiếp nối và biến chuyển nó sang là thư pháp Quốc ngữ.

anh-3-1.JPG
Tranh thư pháp Quốc ngữ của thầy Nguyễn Thanh Tùng. (Ảnh: Trang Anh)

 

Nhà hoạt động thư pháp Ngẫu Thư – Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ về nét tương đồng và khác biệt của 2 loại thư pháp: “Điểm giống nhau của 2 loại thư pháp này là cùng sử dụng các phương tiện giống nhau: bút, nghiên, giấy, mực và cùng đi vào những vẻ đẹp thâm trầm mà bút lông tạo ra. Bên cạnh đó, cùng vì là các nước đồng văn với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, cùng là phông văn hóa giống nhau nên các thư pháp đó đều có mạch là thư pháp Á Đông và đều thể hiện những vẻ đẹp của triết lý nhân sinh và vẻ đẹp của đường, của nét, có tính chất vừa mơ hồ vừa sâu sắc của văn hóa Á Đông.”

Về nét khác biệt, ngày xưa các cụ sử dụng bút lông để viết con chữ Hán, tức là đường bút khác nhau. Bây giờ sử dụng chữ Latinh thì đường sẽ là đi theo Latinh. Ngoài ra, hiện nay chữ Hán không còn sử dụng trong đời sống hàng ngày nữa mà chỉ sử dụng trong văn chương trong câu đối của thờ tự. Thế nên, ngữ liệu của thư pháp Hán thường là các thơ ca của truyền thống. Còn thư pháp Việt bên cạnh sử dụng các thơ ca truyền thống bằng các âm Hán Việt, bằng bản thơ dịch thì bây giờ người viết thư pháp Việt có thể sử dụng các ngữ liệu đương đại, tức là câu thơ có thể vừa mới sáng tác hôm qua và nếu cảm hứng thì ta có thể viết. Tức là nó nối mạch dòng chảy đấy xa hơn.

Vẻ đẹp của nó là giao thoa, có một điểm chung, kế thừa để học tập các kĩ thuật, và tiếp tục dòng chảy đấy sang phù hợp với ngôn ngữ hiện đại.”

Nhìn nhận về nghệ thuật thư pháp không thể không nhắc đến sự kỹ lưỡng, tinh tế và tâm huyết của những người viết. Việc lựa chọn bút, nghiên, giấy, mực, cùng với sự kiên nhẫn và lòng đam mê đã tạo nên những tác phẩm thư pháp độc đáo và gây ấn tượng mạnh mẽ. Từ những nét chữ đơn giản cho đến phức tạp, tất cả đều gợi lên vẻ đẹp tinh tế.

anh-4-1.JPG

Bút, nghiên, giấy, mực là những thứ không thể thiếu của nghệ thuật thư pháp.(Ảnh: Trang Anh)

 

Giấy để viết thư pháp đơn giản ta có thể chia làm 2 loại: Là các chất liệu truyền thống và các chất liệu hiện đại. Các chất liệu truyền thống thì ta sử dụng giấy xuyến, hay còn gọi chính xác là giấy tuyên và giấy gió. Đây là 2 loại giấy mỏng và có độ thấm hút cao, sau khi viết xong thì phải trải qua một công đoạn gọi là bồi, bồi là người thợ sẽ làm cho giấy dày lên và phẳng ra để có thể treo được. Còn loại giấy hiện đại bao gồm giấy mỹ thuật, giấy kraft, vải toan, trên tường, trên gỗ, trên cơ thể, tất cả các chất liệu đấy đều có thể viết.

“Đối với những loại chất liệu hiện đại thường không yêu cầu các công đoạn phức tạp như giấy truyền thống, có thể treo hoặc đóng khung ngay sau khi viết xong. Ngược lại, giấy truyền thống đòi hỏi những công đoạn bồi rất cầu kì và cần phải xử lý cẩn thận để giữ cho giấy không bị nhăn nhúm. Vẻ đẹp thư pháp nếu tưởng tượng một giọt mực rơi xuống tờ giấy, như thế là nó loang ra tự nhiên, thấm sâu vào bên trong và khi lật mặt sau ra thì nó gần như mặt trước, điều đó có nghĩa là từng thớ giấy, từng hạt mực li ti xuyên thấu vào nhau. Còn khi sử dụng các chất liệu hiện đại, mình viết thì nó chỉ tráng một lớp ở bên trên, thì đấy là nó tạo ra cái độ nông sâu”, nhà hoạt động thư pháp Ngẫu Thư - Nguyễn Thanh Tùng cho biết.

anh-5.JPG

“Công phu của thư pháp Á Đông là sự thấm, thẩm thấu xuống bề mặt bên trong, bên dưới chứ không phải láng ở bề mặt hoa mỹ, đẹp đẽ”. (Ảnh: NVCC)

Thư pháp trong đời sống đương đại

Trong dòng chảy của đời sống đương đại, thư pháp đã trở thành một hành trang văn hóa đặc sắc, nơi tinh hoa truyền thống gặp gỡ sự đổi mới, nơi mà cá nhân có thể tự do diễn đạt và tạo nên những tác phẩm mang đậm cá tính riêng.

Bên cạnh đó, những người viết cũng mày mò cho mình những cách thức để có người thì hiện đại hóa có người thì dựa trên chất liệu truyền thống, rất nhiều người và đi trên rất nhiều hướng khác nhau, tạo nên vẻ phong phú và đa dạng của thư pháp bây giờ, bao gồm cả chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ với nhiều phong cách khác nhau.

Chia sẻ về nét độc đáo của thư pháp Quốc ngữ, thầy Nguyễn Thanh Tùng cho hay: “Thư pháp Việt kế thừa tất cả những giá trị của thư pháp nền tảng, tất nhiên là kế thừa ở mức độ nào thì tùy mỗi người, nhưng mà nét độc đáo đầu tiên là người sáng tác thư pháp Việt sử dụng được chất liệu của người hiện đại. Tức là nó đồng hành cùng với đời sống. Thứ hai là sử dụng phương tiện là chữ Latinh, điều đó có nghĩa là người viết thư pháp Việt có thể sử dụng các ngôn ngữ khác cùng hệ Latinh, ví dụ như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức...”

anh-6-3.JPG

Nghệ nhân Junichi Mitsubori (bên trái) và thầy Nguyễn Thanh Tùng (bên phái). (Ảnh: NVCC)

Ngoài ra, hình khối của thư pháp truyền thống thường được tưởng tượng trong các hình khối tròn, vuông và tỷ lệ cũng tương đối được chuẩn hóa. Tất nhiên là ta viết lối hình tròn, hình vuông mà ngay ngắn thì nó là lối triện, lối lệ và lối chân, còn nếu lối viết hành, thảo thì cũng bay bổng lãng mạn. Lối hành, thảo của thư pháp Hán cũng tương đương với lối hành thảo của thư pháp Việt, lối của thư pháp Việt bây giờ khá là có sự mềm mại nhưng cũng gây ra cho người viết nếu chưa hiểu kỹ thì đôi khi sẽ có sự hiểu lầm là thư pháp thì phượng múa rồng bay, phải bay lượn mới là thư pháp.

anh-6-1.jpg
“Thư pháp Việt cũng kế thừa tinh thần của ngày trước, cũng như là bản chất của con chữ thì nó cũng có chân phương, cũng có mềm mại và cũng có bay bổng” – Thầy Nguyễn Thanh Tùng (Ảnh: NVCC)

 

Với tính chất của đương đại, thư pháp Hán bây giờ cũng cập nhật như thế. Tức là ứng dụng các vẻ đẹp của màu sắc, hình khối của thiết kế, của mỹ thuật đưa vào, làm cho con chữ biến hóa hơn, sinh động hơn và đa dạng về sắc màu hơn.

Ngày nay, nghệ thuật thư pháp không ngừng được đa dạng hóa và phát triển. Từ tranh thư pháp trang trí cho đến thiết kế đương đại, người viết thư pháp không ngừng tìm kiếm cách thức mới để thể hiện tài năng và cảm xúc của họ thông qua chữ viết đẹp. Đặc biệt, các bức tranh thư pháp trở thành những tác phẩm decor trong các không gian, mang đến những vẻ đẹp rất dung dị, có những tác phẩm tối giản, có những tác phẩm màu sắc, giúp kết nối không gian bằng gỗ, bằng sắt, bằng xi măng có thêm những đường nét mềm dịu, cân đối lại vẻ đẹp. Và tác phẩm thư pháp như máy lọc không khí để nhắc nhở về tinh thần và vẻ đẹp của con người sống trong ngôi nhà đấy. Đó là giá trị mà thư pháp tạo ra. 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN